Ngày 17/4, Ban chỉ đạo tuyển sinh Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2020. So với phương án tháng 12/2019, trường bổ sung kịch bản kỳ thi THPT quốc gia không thể tổ chức do ảnh hưởng của Covid-19.
Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển 10.320 chỉ tiêu với 131 ngành/chương trình đào tạo, trong đó 14 ngành mới dựa trên kết quả thi THPT quốc gia; chứng chỉ A-Level, SAT đạt điểm theo quy định của trường; chứng chỉ tiếng Anh IELTS 5.5 trở lên hoặc tương đương và có tổng điểm hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển tối thiểu là 12 (trong đó bắt buộc có Toán và Văn). Các tiêu chí xét tuyển thẳng sẽ được công bố vào đầu tháng 5.
Trường hợp kỳ thi THPT quốc gia không thể tổ chức, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ triển khai kỳ thi tuyển sinh riêng theo hình thức đánh giá năng lực rút gọn, gồm hợp phần thi Toán, Ngữ văn (hoặc bài luận), Ngoại ngữ... để xét tuyển. Thí sinh được sơ loại kết quả học tập bậc THPT trước khi dự thi. Thông tin chi tiết về việc đăng ký và điều kiện dự thi sẽ được thông báo trước 30/5.
Cũng trong hôm nay, Đại học Ngoại thương cho biết đã chuẩn bị hai phương án tuyển sinh. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp và kỳ thi THPT quốc gia 2020 không diễn ra, trường sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng với cách thức và nội dung tương tự bài thi THPT quốc gia. Ngoài ra, trường vẫn tuyển thẳng và xét học bạ đối với thí sinh đủ yêu cầu, dự kiến mở đăng ký xét tuyển online trên hệ thống từ 1/6.
Nếu kỳ thi THPT quốc gia 2020 được tổ chức, trường giữ nguyên các phương thức xét tuyển như năm 2019, gồm: dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, xét tuyển kết hợp và tuyển thẳng. Những thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Đại học Ngoại thương phải có điểm trung bình 5 học kỳ (không tính học kỳ II năm học 2019-2020) từ 7 trở lên.
Năm học 2020-2021, Đại học Ngoại thương tuyển 3.990 chỉ tiêu, cao hơn năm ngoái 140. Trường tuyển sinh thêm bốn chương trình chất lượng cao là Tiếng Nhật thương mại, Tiếng Trung thương mại, Tiếng Pháp thương mại, Quản trị khách sạn. Để thí sinh nắm bắt thông tin về các ngành mới, trường sẽ tổ chức giải đáp, tư vấn tuyển sinh vào 26/4.
Trường chấp nhận 8 tổ hợp môn gồm: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh), D02 (Toán, Ngữ văn, tiếng Nga), D03 (Toán, Ngữ văn, tiếng Pháp), D04 (Toán, Ngữ văn, tiếng Trung), D06 (Toán, Ngữ văn, tiếng Nhật), D07 (Toán, Hóa học, tiếng Anh).
Trước đó, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Hàng hải lên phương án thi riêng trong trường hợp kỳ thi THPT quốc gia không được tổ chức. Đại học Bách khoa Hà Nội chắc chắn có kỳ thi riêng nhằm chọn ra 70% tổng chỉ tiêu. Đại học Giao thông vận tải, Mỏ - Địa chất đang bàn bạc để có phương án tuyển sinh phù hợp.
Mỗi năm có khoảng 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Thí sinh sẽ dự thi ba bài độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và lựa chọn một trong hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).
Năm nay, học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19, hiện phải học từ xa (online, truyền hình). Ngày 14/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ hai phương án thi THPT quốc gia. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước 15/6, kỳ thi THPT quốc gia vẫn có thể được tổ chức vào ngày 8-11/8 và Bộ sẽ xem xét giảm môn thi và giảm nhẹ yêu cầu với học sinh.
Nếu dịch bệnh phức tạp hơn, Bộ dự kiến không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà giao cho địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép để phù hợp với Luật Giáo dục.
Dương Tâm - Thanh Hằng