Cơm mưa lớn kèm giông lốc kéo dài hơn 30 phút chiều 23/6 khiến nhiều đường ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) ngập, nước tràn vào nhà dân. Hai ngày sau, chiều 25/6, ở TP Bảo Lộc mưa lớn hơn một giờ, nhiều đường trung tâm thành phố ngập nặng, xe chết máy, nước tràn vào nhà, người dân bị cuốn, chiều 25/6.
Với đặc điểm địa hình nằm trên cao nguyên Di Linh (Bảo Lộc, độ cao 800-1.000 m so với mực nước biển) và Lâm Viên (Đà Lạt, độ cao trung bình 1.500 m so với mực nước biển), chuyện hai thành phố ngập nước sau mưa nhận được nhiều quan tâm của độc giả VnExpress.

Nước ngập gần hết bánh ôtô ở trung tâm Đà Lạt, chiều 23/6. Ảnh: Bá Long
Độc giả Đạt Nguyễn nói rằng địa hình đồi dốc cao gây thách thức ngập lụt mỗi khi có mưa lớn kéo dài: "Địa hình miền núi, với độ dốc cao, rất dễ xảy ra lũ ống, lũ quét khi mưa lớn kéo dài. Các bạn cứ thử tưởng tượng địa hình như cái chảo, nước dồn xuống vũng trũng, hệ thống thoát nước nào cho kịp?".
Các vùng trũng trong hai thành phố trở thành những điểm tích nước do hệ thống thoát nước không thể đáp ứng nhanh chóng. Một số độc giả là đang ở Bảo Lộc chia sẻ:
Độc giả có nickname trongthanh vu đặt câu hỏi: "Tôi là dân Bảo Lộc, chuyện mưa ngập là không bình thường? 10 năm trước không có chuyện mưa là ngập như vậy. Vậy nguyên nhân là do đâu, không phải các kênh suối bị san lấp nên nước không thể thoát?".
Bạn đọc lethang221218 chia sẻ quan sát của mình: "Tôi hơn 50 tuổi sống ở Bảo Lộc bây giờ mới thấy cảnh này. Rừng bị chặt phá, sông suối cạn dần, khí hậu nóng lên. Các con suối nhỏ bị lấp nắn dòng cho đất đai đường xá, nhà cửa bê tông hóa. Mưa hôm qua chỉ khoảng hai tiếng, nước không có đường thoát nên mới ngập sâu như vậy".
Độc giả Lê Văn Thắng đã đưa ra một ví dụ cụ thể về đường Ký Con, nơi nước từ các đường khác dồn về đường này, gây ngập lụt theo nguyên lý nước chảy về chỗ trũng:
"Đường Ký Con nước hai đầu đường dồn về giữa, thậm chí nước trên mặt từ các đường Quang Trung, Đinh Tiên Hoàng thoát không kịp dồn xuống đường Ký Con, như vậy không ngập mới lạ.
Những điểm thấp trũng này không được thiết kế thoát nước đặc biệt mà thiết kế bình thường như mọi nơi khác thành ra cứ mưa là ngập chưa nói mưa lớn. Lượng mưa như vậy chưa phải là quá lớn. Đề nghị cơ quan chức năng các thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc xem xét sửa chữa thoát nước những điểm này".
Độc giả Thanh Văn: "Vườn trang trại tôi ở Bảo Lộc, trời mưa to kinh khủng, kéo dài suốt từ 14h đến 16h, nước cuốn như thác. Trung tâm Bảo Lộc gặp mưa lớn nước thoát không kịp thì dồn ứ vào vùng trũng hơn, đường thành con sông là bình thường. Ngập kiểu này nước cuốn rất dữ nhưng rút cũng nhanh, không ứ nước quá lâu".
Cơ quan khí tượng cho biết cơn mưa kỷ lục 35-60 mm một giờ là lý do chính làm một số khu vực ở Đà Lạt chìm trong nước. Độc giả có nickname Một người Việt nhấn mạnh:
"Để ngập thì điều kiện cần là phải có mưa, không mưa thì không ngập. Điều kiện đủ là bê tông hóa, đô thị hóa, lấn chiếm dòng chảy
Không chỉ Đà Lạt, Bảo Lộc mà rất nhiều khu đô thị mới cũng đang ngập.
Đô thị hóa, bê tông hóa quá nhiều thì nước mưa đổ dồn hết xuống suối, khổ cái là suối dân không lấn chiếm thì cũng xây bờ kè hai bên, thoát làm sao hết thì ngập là đúng rồi".

Xe máy của người dân tại đường Lê Văn Tám, TP Bảo Lộc bị ngập, chiều 25/6. Ảnh: Hoài Thanh
Bạn đọc minhninh0892 đã đưa ra những nguyên nhân khác nhau góp phần vào tình trạng ngập lụt này:
"Tại vì rừng đầu nguồn bị phá, nước mưa không được tán lá làm phân tán lượng rơi xuống (có bao nhiêu trút xuống hết dồn vào một chỗ), không có cây cối bụi cỏ làm giảm lực nước chảy để thắm vào đát mà chảy trực tiếp xuống đồi.
Bê tông hóa khiến lượng nước không thấm được vào đất, suối rạch bị lắp hoặc bị bồi đắp không dẫn ra được suối lớn hơn...".
Độc giả Huyen đặt câu hỏi về việc các công trình xây dựng có được đánh giá hệ thống thoát nước trước khi được phê duyệt hay chưa:
"Các công trình xây dựng đua nhau mọc lên, nhưng khi duyệt dự án có hồ sơ đánh giá về cấp thoát nước nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến các công trình xung quanh trước đây không?
Nếu nhà cửa, công trình mạnh ai người ấy xây, thì kiểu gì cũng sẽ bị úng ngập cục bộ khi mưa to. Và phải đưa vào luật xử phạt người gây ảnh hưởng, yêu cầu khắc phục triệt để mới hy vọng cải thiện được khi đô thị phát triển nhanh".
Theo bạn, TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc ngập nặng vì mưa như vừa qua là hy hữu hay sẽ xảy ra thường xuyên trong thời gian tới? Gửi bài tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.