Tôi đang định cư ở Đà Lạt và không làm du lịch. Nói về du lịch Đà Lạt, có những nhóm du khách không ở "khách sạn ngàn sao", không ăn quán cóc, không chụp hình sống ảo, họ ở những khu resort 5 sao quanh hồ Tuyền Lâm. Tôi chưa nghe họ chê Đà Lạt bát nháo.
Chỉ có những du khách theo phong cách "bụi bặm", đi chơi mang theo cả cái bếp và thùng xốp đựng thực phẩm để bày ra nấu nướng ngay bên hồ Xuân Hương thơ mộng mới làm cho Đà Lạt bát nháo.
Cơ quan chức năng đâu có cho phép du khách cắm lều nấu ăn ở bờ hồ. Nhưng khách du lịch họ làm thế. Vậy thử hỏi ai tạo ra cảnh nhếch nhác, bát nháo ở Đà Lạt?
Thực tế, một mặt cơ quan chức năng nên kêu gọi các công ty tầm cỡ đầu tư ở địa phương, một mặt cũng để dân tự làm kinh tế để thoát nghèo trước mắt. Vì thế mà tồn tại... khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch ba lô.
Trong khi đó dân bản địa làm du lịch phần vì không có "rành nghề du lịch", phần vì thiếu tài chính... nên mới xảy ra trường hợp bát nháo mà giờ đây ai ai cũng nói lý do là "thiếu quy hoạch".
Tôi cho rằng du lịch nghỉ dưỡng sẽ vãn hồi được tình trạng bát nháo ở Đà Lạt. Du lịch nghỉ dưỡng không chỉ đem lại lợi ích cho nhà đầu tư, bởi vì... nhà đầu tư phải trả tiền thuê đất cho nhà nước, phải trả lương cho nhân viên làm việc tại khu nghỉ dưỡng từ người làm vườn, người làm phòng, đến đầu bếp, lễ tân, phục vụ, bảo vệ quản lý. Những nhân viên này thường là người địa phương. Thu nhập của họ lại được chi tiêu ra cho xã hội từ đó cả xã hội nơi có khu nghỉ dưỡng được "ăn nên làm ra".
Du lịch nghỉ dưỡng không chỉ đem lợi cho nhà đầu tư lớn như tôi đã nêu. Khu nghỉ dưỡng cũng như các khu công nghiệp FDI, họ vừa làm lợi cho nhà đầu tư nhưng cũng đồng thời làm lợi cho kinh tế bản địa.
>> 'Đà Lạt chẳng có gì đáng để tiêu nhiều tiền'
Khái niệm "du lịch bền vững" không phải là cân bằng lợi ích kinh tế của dân bản địa và nhà đầu tư mà "du lịch bền vững là loại hình du lịch giúp làm giảm thiểu các chi phí, nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch với chủ thể cộng đồng và môi trường tự nhiên" (trích nguồn từ internet).
Khi chính quyền địa phương yêu cầu nhà đầu tư các khu resort phải ưu tiên thuê mướn lao động tại chỗ, phải sử dụng nguồn thực phẩm tại chỗ, khi chính quyền yêu cầu các khu resorts phải có quy trình xử lý nước thải, xử lý rác tới nơi tới chốn, phải "chi trả dịch vụ rừng", hạn chế tối đa dùng hoá chất trong việc vệ sinh... đó chính là "làm du lịch bền vững".
Xuân Hà
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.