Tổng thống Joe Biden đến Hội nghị thứ 26 giữa Các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) với mục tiêu đã rõ từ lâu: chứng tỏ với thế giới rằng Mỹ đã trở lại và đủ năng lực đảm nhận vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu.
Kỳ họp sẽ là phép thử nặng ký với uy tín quốc tế về vai trò lãnh đạo Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhằm cứu Trái Đất trước khi quá muộn. Ông phải xây dựng được sự đồng thuận quốc tế về cắt giảm carbon, trong khi chưa giải quyết xong bài toán chia rẽ chính trị ngay trên sân nhà.
Hàng loạt vấn đề gai góc sẽ được đặt ra tại COP26, với tâm điểm là cắt giảm khí thải nhà kính toàn cầu để kịp hoàn thành mục tiêu ghìm cương biến đổi khí hậu toàn cầu. Giới khoa học cảnh báo nhân loại không còn nhiều thời gian để ngăn viễn cảnh Trái Đất tăng 1,5 độ C so với giai đoạn trước cách mạng công nghiệp.
Theo bình luận viên Timothy Puko và Andrew Restuccia của WSJ, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đặt một "ván cược lớn" vào xây dựng hình ảnh lãnh đạo toàn cầu của Mỹ với các vấn đề toàn cầu. Chống biến đổi khí hậu đóng góp một phần không nhỏ trong tầm nhìn của Biden.
Tuy nhiên, kế hoạch dành 555 tỷ USD trong gói chi tiêu xã hội để cắt giảm khí thải nhà kính từ nền kinh tế Mỹ mà Biden đề xuất vẫn chưa được thông qua tại quốc hội. Dưới sức ép của thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin, chương trình trị giá 150 tỷ USD nhằm thúc ép các công ty điện lực tăng cường chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch đã bị loại khỏi gói đề xuất ngân sách.
Với những chia rẽ chính trị trong nước cản trở mục tiêu khí hậu, thông điệp đoàn kết quốc tế từ Biden tại COP26 khó tránh ánh mắt hoài nghi của cộng đồng quốc tế. Trọng trách lãnh đạo toàn cầu đòi hỏi sự nhất quán, trong khi giới lãnh đạo Mỹ suốt thập kỷ qua liên tục thay đổi lập trường về chính sách chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là dưới nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, khi Mỹ gần như rút lui khỏi các vấn đề toàn cầu.
Ngoài ra, Biden cần cần xoa dịu tranh cãi ai sẽ tiên phong chịu phần thiệt về mình vì lợi ích chung trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trước thềm COP26, các nước đang phát triển yêu cầu Mỹ cùng nhóm nước giàu tăng hỗ trợ tài chính để chuyển đổi sang năng lượng sạch và dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Các nước đang phát triển cho rằng những quốc gia giàu có đã thoải mái sử dụng nhiên liệu hóa thạch và xả khí thải vào bầu khí quyển trong hàng thập kỷ công nghiệp hóa mà không chịu bất kỳ ràng buộc môi trường nào. Bởi vậy, sẽ là không công bằng nếu các nước phát triển như Mỹ muốn nước nghèo chấp nhận hy sinh để bảo vệ Trái Đất.
Ấn Độ, nước phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới, nằm trong nhóm ủng hộ lập luận trên. Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar tuần qua bày tỏ thất vọng về cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD/năm từ Mỹ và các nền kinh tế phát triển để giúp nước nghèo chuyển đổi sang năng lượng sạch. "100 tỷ USD chưa bằng tiền bản quyền truyền thông cho giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ", ông nói.
Trong khi đó, theo Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về vấn đề Biến đổi khí hậu John Kerry, nếu các nước giàu đạt mục tiêu hỗ trợ 100 tỷ USD/năm vào năm 2023, đây sẽ là tín hiệu tích cực cho thế giới.
Cam kết về khoản hỗ trợ này được đặt ra 7 năm trước ở Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2020. Kerry thừa nhận con số cam kết vẫn quá ít với tầm nhìn dài hạn, nhưng chỉ dựa vào nguồn lực chính phủ là không đủ để huy động hàng nghìn tỷ USD mỗi năm đúng theo nhu cầu của thế giới.
Ông cho rằng khó xảy ra kịch bản tất cả các bên tham dự COP26 cam kết mạnh tay giảm khí thải nhà kính. Tuy nhiên, chính phủ các nước đang dần chấp nhận bắt đầu thay đổi cách nhìn về biến đổi khí hậu và điều chỉnh hướng phát triển. Ông tự tin quá trình chuyển đổi trên toàn thế giới sẽ tiếp diễn trong một năm tới, do đó mục tiêu hàng đầu của giới chức Mỹ ở Glasgow là duy trì đà tiến bộ toàn cầu.
Tổng thống Biden muốn thuyết phục các nước đặt mục tiêu tham vọng hơn và cụ thể hơn về cắt giảm khí thải carbon. Đòn bẩy đàm phán là cam kết hỗ trợ tài chính hấp dẫn hơn từ Mỹ và phê duyệt chính sách cải cách quyết liệt làm gương.
Đầu năm 2021, ông cam kết sẽ đưa nước Mỹ đến năm 2025 giảm khoảng 50-52% khí thải so với thống kê năm 2005.
Trên thực tế, mục tiêu đầy tham vọng này khó hoàn thành nếu Biden không thông qua được dự luật giúp siết chặt quản lý và ưu đãi thuế cho năng lượng tái tạo. Kế hoạch 555 tỷ USD nhằm cắt giảm khí thải nhà kính vẫn nằm trên giấy, trong khi triển vọng được quốc hội Mỹ thông qua vẫn mù mờ.
Các đồng minh Mỹ tại châu Âu thấy rõ thế khó mà Biden đang gặp phải ở trong nước và không khỏi hoài nghi liệu những cam kết khí hậu từ Nhà Trắng có thể trở thành hành động thực tế hay không. Theo Climate Action Tracker, tổ chức độc lập chuyên phân tích chiến lược chống biến đổi khí hậu của chính phủ các nước, những chính sách đã có hiệu lực tại Mỹ chưa đủ tạo ra thay đổi và ngăn Trái Đất chạm đến "lằn ranh đỏ" 1,5 độ C.
Giới hoạt động môi trường cũng không quá hy vọng COP26 với sự trở lại của Tổng thống Mỹ sẽ mở ra một thỏa thuận thay đổi cục diện cuộc chiến biến đổi khí hậu. Họ vẫn không quên Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu năm 2009, khi thế giới từng đặt kỳ vọng rất cao vào tổng thống Barack Obama, để rồi thất vọng vì đàm phán không đạt bước tiến đáng kể.
Chính khách các nước cũng quá quen với một nước Mỹ thiếu nhất quán về chính sách môi trường. Bất chấp nỗ lực vận động của cộng đồng quốc tế, quốc hội Mỹ từ chối phê chuẩn nghị định thư Kyoto 1997 do tổng thống Bill Clinton ký kết. Năm 2017, tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và đảo ngược hàng loạt quy định bảo vệ môi trường của người tiền nhiệm.
Theo Yvo de Boer, cựu thư ký điều hành Công ước Khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu ở Thượng đỉnh Copenhagen 2009, giới ngoại giao đã hiểu rõ hơn về những rào cản chính trị mà bất cứ tổng thống Mỹ nào cũng phải đối mặt. Tuy nhiên, dù Washington có thay đổi lập trường liên tục tùy vào bối cảnh chính trị, thế giới "không thể phớt lờ Mỹ vì vai trò quá quan trọng của họ".
Trung Nhân (Theo WSJ)