Hội nghị có sự tham gia của 200 quốc gia. Sau phần khai mạc, các quan chức sẽ hoàn tất một số thủ tục trước khi những lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới hội tụ về thành phố lớn nhất Scotland vào ngày mai để cùng thảo luận về nỗ lực nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính và đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Hội nghị sẽ chứng kiến nỗ lực của các nhà đàm phán nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng kể từ khi Hiệp định Khí hậu Paris 2015 được ký kết, đồng thời tìm cách giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C trong thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các nhà khoa học cảnh báo cơ hội hiện thực hóa mục tiêu đã được thống nhất tại thủ đô của Pháp cách đây 6 năm đang dần tuột mất. Thế giới đã ấm lên hơn 1,1 độ C và các dự báo hiện tại dựa trên kế hoạch cắt giảm lượng khí thải trong thập kỷ tới chỉ ra rằng nhiệt độ Trái Đất có thể tăng thêm đến 2,7 độ C vào năm 2100.
Giới chuyên gia cảnh báo năng lượng được giải phóng bởi tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ làm tan chảy phần lớn băng của Trái Đất, làm tăng mực nước biển và tăng đáng kể khả năng xảy ra cũng như mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
"Đã có nhiều tiến bộ trong vài năm qua nhưng tôi muốn nói rằng thực sự nhiệm vụ mà chúng ta phải đối mặt tại đây khó hơn nhiều so với ở Paris", Alok Sharma, Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch COP26, cho biết. "Những gì chúng ta phải làm kể từ sau hội nghị ở Paris là thống nhất một số quy tắc chi tiết, song một số quy tắc khó nhất vẫn tồn tại sau 6 năm và điều đó khiến nhiệm vụ của chúng ta thực sự là một thách thức", ông nói với Sky News.
"Tất nhiên, chúng tôi cũng biết tình thế địa chính trị đã trở nên khó khăn hơn so với thời điểm ở Paris", ông nói thêm rằng đã đến lúc các chính phủ "bỏ lại bóng ma quá khứ".
"Những gì chúng ta cần đạt được tại Glasgow là có thể dõng dạc tuyên bố 'chúng ta đã giữ được mục tiêu 1,5 độ C'", Sharma nhấn mạnh.
Một số vấn đề sẽ được thảo luận trong thời gian diễn ra hội nghị COP26 từ 31/10 đến 12/11 đã nằm trong chương trình nghị sự toàn cầu suốt hàng thập kỷ, như việc các nước giàu có thể giúp nước nghèo giải quyết lượng khí thải và thích ứng với một thế giới đang nóng lên như thế nào.
Vũ Hoàng (Theo AP)