Khi nhóm máy bay Mỹ cơ động từ dãy Koolau thực hành tình huống tấn công Trân Châu Cảng bằng pháo sáng và bột mì trong cuộc diễn tập tháng 2/1932, các điệp viên Nhật ở đảo Oahu theo dõi sát sao, ghi lại đường bay của chiến đấu cơ Mỹ và gửi về nước. 9 năm sau đó, máy bay Nhật xuất hiện tại Trân Châu Cảng theo cùng một chiến thuật, nhưng lần này thả xuống bom thật.
Cuộc diễn tập "vẽ đường" cho hải quân Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng xuất phát từ cuộc tranh luận về tương lai của sức mạnh không quân trong tác chiến hiện đại diễn ra tại Mỹ vào đầu những năm 1930.
Đô đốc Harry Yarnell, khi đó giữ hàm thiếu tướng hải quân, là một sĩ quan tin tưởng vào sức mạnh của máy bay so với tàu chiến và lên kế hoạch chứng minh điều đó với hải quân Mỹ.
Hải quân Mỹ khi đó sở hữu ba tàu sân bay, song coi chúng là tài sản có ít giá trị chiến lược. Quân chủng này vẫn coi thiết giáp hạm là trung tâm khi lập kế hoạch tác chiến trên biển, còn máy bay trên tàu sân bay chủ yếu chỉ được giao nhiệm vụ tuần tra và trinh sát.
Yarnell lên kế hoạch chứng minh rằng máy bay có thể làm được những gì với bất cứ căn cứ hải quân nào trên thế giới. Khi hải quân Mỹ tổ chức cuộc tập trận phòng thủ thường niên tháng 2/1932, Yarnell cùng các đơn vị không quân dưới quyền đóng vai phe địch.
Yarnell quyết định ra đòn tấn công bất ngờ vào căn cứ hải quân ở Trân Châu Cảng vào sáng sớm Chủ nhật, thời điểm lực lượng phòng thủ căn cứ chưa chuẩn bị chiến đấu.
Theo kế hoạch, nhóm tác chiến dưới quyền Yarnell gồm hai tàu sân bay và một số khu trục hạm âm thầm tiếp cận Oahu trong màn sương đêm. 152 máy bay của Yarnell cất cánh ngay trước bình minh, bay qua dãy Koolau phía đông đảo Oahu và tiếp cận Trân Châu Cảng, trút bom bột mì và nã đạn giả vào các máy bay cùng chiến hạm tại đây.
Chiến thuật không kích Trân Châu Cảng của Yarnell thành công ngoài mong đợi, lực lượng của ông không chịu bất cứ tổn thất nào. Xác pháo sáng và các bao bột mì, tượng trưng cho bom và đạn pháo từ máy bay, rải kín Trân Châu Cảng. Đây là lần đầu tiên căn cứ này thua trong cuộc tập trận thường niên của hải quân Mỹ.
Tuy nhiên, các tướng hải quân Mỹ bấy giờ không coi đây là lời cảnh báo. Thay vào đó, họ tìm cách biện hộ, cho rằng chiến thuật tấn công của Yarnell "không hợp lệ" và khẳng định Trân Châu Cảng luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu nếu Mỹ tham gia một cuộc chiến tranh.
Hải quân Mỹ cũng cho rằng hạm đội như nhóm tác chiến tàu sân bay của Yarnell sẽ bị lộ, hứng thiệt hại hoặc bị tiêu diệt nếu triển khai đợt tấn công như vậy.
Đến cuộc diễn tập năm 1938, đô đốc Ernest King chỉ huy lực lượng đóng vai địch. Đô đốc King cho một tàu sân bay và các khu trục hạm hộ tống đi theo lộ trình và thời gian tương tự kế hoạch của Yarnell trong cuộc diễn tập tháng 2/1932.
Các máy bay của King tấn công Trân Châu Cảng từ hướng Koolau, "tiêu diệt" toàn bộ hạm đội ở căn cứ. Hải quân Mỹ lại một lần nữa tuyên bố chiến thuật này không công bằng và phủ nhận kết quả.
Nhưng hải quân đế quốc Nhật không làm vậy. Họ theo dõi cuộc tập trận năm 1932 rồi nghiên cứu chiến thuật một cách kỹ lưỡng.
Là người đặt niềm tin vào sức mạnh của không quân hải quân như Yarnell, Đô đốc Nhật Bản Isoroku Yamamoto cho tái cấu trúc hải quân đế quốc Nhật Bản để tập trung phát triển tàu sân bay.
Khi Nhật Bản tấn công Mỹ, họ biết mình không thể thắng trong cuộc chiến lâu dài với cường quốc công nghiệp này. Các lãnh đạo và chỉ huy Nhật Bản hy vọng đánh bật Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ khỏi khu vực và khiến nước này vĩnh viễn không thể tham chiến.
Đúng vào Chủ nhật ngày 7/12/1941, Đô đốc Yamamoto ra lệnh cho 353 máy bay cất cánh từ 6 tàu sân bay tấn công Trân Châu Cảng theo cùng chiến thuật mà Yarnell sử dụng 9 năm trước. Nhiều nhóm máy bay Nhật di chuyển theo hướng dãy Koolau để tiếp cận căn cứ Mỹ rồi ném bom và phóng ngư lôi.
Lực lượng Mỹ tại Trân Châu Cảng hoàn toàn bị bất ngờ và hứng chịu thiệt hại nặng nề. 4 thiết giáp hạm bị chìm, 4 chiếc khác hư hỏng, 188 máy bay bị phá hủy. Quân đội Nhật còn đánh chìm hoặc gây hỏng nặng 3 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục, khiến 2.402 lính Mỹ thiệt mạng trong đòn tập kích.
Lực lượng của Đô đốc Yamamoto mất 29 máy bay và 64 binh sĩ. Trận tập kích ngăn Mỹ phản ứng lập tức với các chiến dịch tấn công của Nhật Bản tại Thái Bình Dương, nhưng cũng kéo Washington tham gia vào Thế chiến II.
Nguyễn Tiến (Theo Military)