Đêm 11/11/1940, từng đợt phi cơ Anh mang ngư lôi lợi dụng bóng đêm để bí mật tiếp cận cảng Taranto, miền nam Italy, nơi neo đậu của nhiều thiết giáp hạm được bảo vệ bởi hàng loạt lớp pháo phòng không và đèn pha. Đây là mở đầu của trận tập kích bất ngờ do một nhóm tàu sân bay Anh thực hiện, tạo cảm hứng cho kế hoạch Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng sau đó một năm.
Mùa thu năm 1940, nước Anh trong tình thế hết sức khó khăn. Pháp thất thủ và Đức Quốc xã thống trị Tây Âu khiến họ bị cô lập. Điều này càng tồi tệ khi Italy tham chiến bên phe Trục.
Dù yếu hơn Đức hay Nhật Bản, Italy lại nắm lợi thế vị trí chiến lược khi nằm ở giữa Địa Trung Hải, án ngữ các tuyến hàng hải tới kênh đào Suez và đảo Malta. Để tránh lực lượng hải quân và không quân Italy, các đoàn tàu vận tải Anh sẽ không đi qua eo biển Gibraltar để vào Địa Trung Hải, mà đi vòng qua châu Phi để qua kênh đào Suez.
Hải quân Anh có quy mô lớn hơn lực lượng Italy, nhưng phải dàn trải lực lượng để đối phó nguy cơ Đức đổ bộ xâm lược, cũng như bảo vệ các đoàn tàu vận tải ở Đại Tây Dương và ứng phó mối đe dọa từ tàu ngầm Đức.
Trong khi đó, hải quân Italy bị đánh giá là nhút nhát vì không muốn để mất những chiến hạm quý giá, không thể thay thế trong một trận hải chiến quy mô lớn. Tàu chiến Italy thường neo đậu tại cảng dưới sự bảo vệ của không quân và chỉ xuất trận khi lực lượng Anh sơ hở.
Ở thời điểm năm 1940, triển khai tàu sân bay tập kích một hạm đội nằm trong cảng vẫn là điều ít ai nghĩ tới. Tuy nhiên, Anh đã nghiên cứu kế hoạch dùng tàu sân bay phát động tấn công ngư lôi vào cảng Taranto từ năm 1938 với mật danh Chiến dịch Phán xét (Operation Judgement).
So với 6 tàu sân bay và 400 chiến đấu cơ Nhật Bản tham gia tấn công Trân Châu Cảng, lực lượng Anh huy động cho chiến dịch chỉ gồm hàng không mẫu hạm Illustrious, hai tàu tuần dương hạng nặng, hai tuần dương hạm hạng nhẹ và 5 khu trục hạm. Hạm đội Italy đóng ở Taranto gồm 6 thiết giáp hạm, 9 tuần dương hạm hạng nặng, 7 tuần dương hạm hạng nhẹ và 13 khu trục hạm. Nếu họ phát hiện được biên đội tàu Anh, kết cục sẽ là một màn thảm sát.
Không đoàn trên tàu sân bay Illustrious chỉ gồm 21 oanh tạc cơ hai tầng cánh Fairey Swordfish lạc hậu, nhưng có khả năng bay thấp và chậm để thả ngư lôi chính xác.
Anh phát động đòn tập kích vào ban đêm để giúp oanh tạc cơ tránh tiêm kích Italy. 21 chiếc Swordfish xuất kích theo hai đợt, một nửa mang ngư lôi, số còn lại trang bị pháo sáng và bom xuyên giáp.
Cuộc tập kích có yếu tố bất ngờ và cả sự may mắn. Lực lượng Italy đã giăng lưới chắn ngư lôi ở cảng, nhưng những tấm lưới này không đủ dài để chạm tới đáy biển, khiến các quả ngư lôi Anh vẫn có thể luồn qua bên dưới.
"Chúng tôi ngoặt chuyển hướng cho đến khi thiết giáp hạm bên phải nằm giữa tâm ngắm ngư lôi. Mặt biển ở ngay sát bên dưới, gần đến mức không rõ chúng tôi sẽ thả được ngư lôi hay lao xuống biển trước. Sau đó chúng tôi cải bằng và bấm nút, một cú giật cho tôi biết rằng ngư lôi đã tách rời", một phi công Anh hồi tưởng.
Cuộc tấn công bắt đầu lúc 23h và kết thúc vào khoảng nửa đêm. Anh mất hai máy bay, với hai thành viên tổ lái thiệt mạng và hai người khác bị bắt, nhưng đã vô hiệu hóa ba thiết giáp hạm Italy, làm hư hại một tuần dương hạm hạng nặng và hai tàu khu trục, phá hủy hai tiêm kích. 59 lính Italy thiệt mạng và khoảng 600 người bị thương.
Đòn tấn công bất ngờ khiến lực lượng thiết giáp hạm Itally chịu tổn thất nặng nề, giáng đòn mạnh vào hải quân vốn có tinh thần chiến đấu dễ lung lay. Italy sau đó trả đũa bằng cách tung người nhái gài mìn, khiến hai thiết giáp hạm Anh hư hỏng nặng khi đỗ tại cảng Alexandria của Ai Cập ngày 19/12/1941.
Vài ngày sau vụ tập kích, trợ lý tùy viên không quân Nhật Bản tại Đức Takeshi Naito đã đến nghiên cứu kỹ cảng Taranto, hỏi thăm và ghi chép cẩn thận về độ sâu và khoảng cách ở đây.
Trung úy John Opie, một quan sát viên hải quân Mỹ có mặt trên tàu sân bay Illustrious, đã báo cáo lại những bài học rút ra sau trận đánh và yêu cầu được đến Trân Châu Cảng để truyền đạt kinh nghiệm phòng thủ. Tuy nhiên, hải quân Mỹ đã phớt lờ điều này và quyết định không rải lưới ngăn ngư lôi, bởi cho rằng vùng nước ở Trân Châu Cảng quá nông để ngư lôi vận hành.
"Đây là quyết định sai lầm, khiến Mỹ trả giá đắt với hàng nghìn binh sĩ thiệt mạng, trong khi toàn bộ 8 thiết giáp hạm tại Trân Châu Cảng bị đánh chìm hoặc hỏng nặng khi Nhật Bản bất ngờ tập kích một năm sau đó", chuyên gia quân sự Michael Peck nhấn mạnh.
Duy Sơn (Theo National Interest)