Ngày thứ ba sống trong căn nhà thô ở Vũ Hán, Trần Kiều, 28 tuổi, gặp một cơn mưa lớn. Gió thổi dọc theo ban công không mái che, xuyên qua phòng khách, nước mưa tràn vào. Hệ thống thoát nước vẫn bị tắc, sàn nhà ướt sũng như ở ngoài đường.
Nhưng thanh niên này chẳng thể làm được gì.
Căn nhà anh đang sống đúng nghĩa chỉ có bốn bức tường. Tuy rộng 110 m2 với ba phòng ngủ và một phòng khách nhưng diện tích sử dụng thực tế chưa đầy 20 m2. Anh ngủ ở phòng bé bởi nếu ở phòng lớn, cần mua thảm rộng hơn, đồng nghĩa tốn tiền hơn. Vì chưa được lát đá, nền nhà bám đầy bụi xi măng, gồ ghề như một cái lưng cóc.
Kể từ khi sống tại đây, Trần Kiều mới mua được vài món nội thất: một chiếc ghế sofa 89 tệ, một chiếc giường 129 tệ, một chiếc bàn 99 tệ và chiếc ghế gấp tặng kèm. Tổng cộng chỉ hơn 300 tệ (khoảng 1,1 triệu đồng).
Ngoài nội thất tự sắm, những khu vực khác trong nhà được Trần gọi là hang động. Hành lý được đặt trong hang bếp, các vật dụng sinh hoạt được đặt trong hang phòng ngủ. Hang phòng khách lớn nhất nhưng cũng trống trải nhất.
Không tươm tất như Trần, một tháng qua, Tôn Lộ sống ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, ngủ trên sàn bê tông trong ngôi nhà thô của mình và sử dụng vali làm bàn ăn. Hàng ngày, cô mượn thẻ tập gym của đồng nghiệp để đến đó tắm.
Tôn Lộ thường an ủi bản thân bằng cách, mỗi khi ngủ dậy đi đến tấm kính trong suốt kéo dài từ trần đến sàn trong phòng khách, nhìn xuống khu vườn trung tâm của khu nhà, nơi có sàn lát đá cẩm thạch và bãi cỏ được cắt tỉa gọn gàng. "Mỗi lần như thế tôi cảm giác sự thô ráp của căn nhà như được làm loãng", cô nói.
Nhiều lúc cô gái 27 tuổi cảm thấy cuộc sống của mình "vô cùng tồi tệ", nhưng mỗi lần đi làm về, tra chìa khóa và xoay mở cửa nhà, nghe tiếng "cạch", cảm giác hạnh phúc lại trào dâng.
Trước khi mua nhà, Trần Kiều đã có bạn gái. Ngày đầu của mối quan hệ, khi đối phương hỏi đã có nhà chưa, anh thật thà khai "không đủ điều kiện". Quen nhau nửa năm, bạn gái hỏi lại và vẫn nhận được câu trả lời cũ, cô chủ động chia tay. Tết Thanh minh năm nay, Trần về quê và gặp lại người bạn tiểu học. Người này mới tốt nghiệp cấp 2, đi làm công nhân ở Quảng Đông. Với số tiền kiếm được, anh ta về quê xây một ngôi nhà 3 tầng. Dù đã gần 30 tuổi, được coi là "ế" trong làng, nhưng người bạn chỉ vào ngôi nhà, nói với Trần: "Nhà to thế này chẳng nhẽ không lấy được vợ".
Nghe xong, Trần thực sự quyết tâm. Anh lấy hết tiền tiết kiệm, vay thêm, đặt cọc 600.000 tệ, đồng thời trả ngân hàng 4.500 tệ mỗi tháng quyết mua căn nhà thô ngoại thành Vũ Hán. Ngày nhận nhà, trong túi Trần chỉ còn vỏn vẹn 900 tệ.
Đối với người sẵn sàng sống trong nhà thô, đặc biệt là thanh niên, việc sở hữu mang ý nghĩa nhiều hơn là loại nhà họ đang sống.
Tôn Lộ luôn mơ ước sống trong ngôi nhà của riêng mình. Trước ở với bố mẹ, vì có em trai nên cô phải nhường phòng ngủ. Tôn cũng hay bị mắng nếu dọn nhà hay rửa bát không sạch sẽ. "Lúc đó tôi nghĩ một mình sống trong căn nhà dột nát cũng hạnh phúc hơn sống như thế này", cô kể. Tuy nhiên, cô gái 27 tuổi không lường trước được những khó khăn phải đối mặt khi sống trong căn nhà đầu tiên của mình.
Căn nhà mẫu Tôn nhìn thấy trước đây theo phong cách châu Âu với tường màu vàng, sofa da, tivi lớn. Lúc đó cô nghĩ, nhà đẹp vậy, có thể ở cả ngày trong phòng, không cần đi đâu. Nhưng với nhà thô nhận được, tứ bề chỉ là màu xám xịt của bê tông cùng với màu xanh đỏ của những cuộn dây điện thò ra ngoài.
Về sống được mấy ngày, Tôn liên tục nhận được cuộc gọi từ công ty cải tạo nhà. "Nếu cải tạo đơn giản nhất để cho thuê tốn bao nhiêu tiền?", cô gái hỏi. Nghe đến mức giá, Tôn từ chối. Đêm đầu tiên, cô phải nằm dưới đất. Việc sống trong căn nhà thô cũng đem đến nhiều bất lợi. Cô phải đến cửa hàng McDonald's gần đó để sử dụng nhà vệ sinh, uống ít nước nhất có thể để sống sót trong khoảng thời gian ban đầu.
Ngay cả khi đã sống trong căn nhà thô được nửa năm, Trần Kiều vẫn không nói với đồng nghiệp chuyện mình đã mua được nhà. Đối với anh, sống trong một ngôi nhà thô làm mất đi một phần chức năng của ngôi nhà, chẳng hạn như giao tiếp xã hội, hoặc nuôi dạy con cái sau khi kết hôn.
Trần nhận thấy ngày càng có nhiều người, đặc biệt là thanh niên phải sống trong những ngôi nhà thô do áp lực cuộc sống. Có lần anh đọc trên Internet câu chuyện một cô gái ở Giang Tô đã sống trong nhà thô 10 năm. Nhưng không ai trong số họ sẵn sàng nuôi dạy trẻ trong ngôi nhà như vậy.
"Điều này cho thấy mọi người muốn mang đến cho thế hệ sau điều kiện sống tốt hơn, nói cách khác, sống trong nhà thô không nên sinh con", Trần nêu quan điểm.
Không giống như Trần Kiều hay Tôn Lộ, họa sĩ tự do 27 tuổi Tô Hàm thực sự thích ngôi nhà thô của mình. Căn nhà này ở gần Bắc Kinh, tường được sơn màu trắng và sàn trải thảm xám. Một mảng tường của phòng khách được phủ xanh bởi cây cỏ, còn lại là tủ rượu năm tầng màu đen. Với Tô Hàm, cô cho phép mình đạt được chất lượng cuộc sống cao nhất trong điều kiện hạn chế nhất. Nếu khách đến họ có thể giải trí cạnh quầy bar ngoài ban công.
Vì không có nhiều đồ đạc và không làm sàn nên tổng chi phí nữ họa sỹ này chi để trang trí căn nhà tương đương với giá chiếc máy tính Apple mới nhất. Cuộc sống của cô gái này cũng rất đơn giản, vẽ, chạy bộ và chơi với mèo, tối giản như ngôi nhà mà cô đang sống.
Đối với nhiều người, sống trong nhà thô dù sao cũng chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp.
Đối với Tôn Lộ, ngôi nhà thô như một người bạn đồng cam cộng khổ. "Đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên. Tôi cần một thứ gì đó chứng kiến cho quãng đường trưởng thành của mình", cô nói.
Trần Kiều gần đây đã mua bàn là và móc quần áo vì nhà không có tủ. Anh không muốn mọi người nghĩ rằng bản thân cũng nhàu nát như những chiếc áo để lâu ngày trong vali.
Tháng thứ 3 sống trong nhà thô, tình hình kinh tế của Trần khá hơn một chút. Thay vì thay thế tấm vải treo cửa sổ bằng rèm, anh mua một chiếc máy chiếu. Đêm tắt đèn, bức tường xi măng trở thành màn hình 120 inch, điều này khiến tinh thần anh cải thiện đôi chút.
Đối mặt với ngôi nhà không có gì, Trần luôn tự an ủi mình rồi mọi việc sẽ ổn. Thanh niên này muốn bỏ việc văn phòng và kinh doanh. Chỉ là anh chưa nghĩ ra nên kinh doanh gì, cũng như vẫn chưa biết tiền tu sửa nhà sau này sẽ lấy ở đâu.
Vy Trang (Theo qq)