Bất bình đẳng ngày càng lớn, sinh hoạt phí ngày càng cao, thành đạt theo quan niệm truyền thống ngày càng xa vời, một bộ phận thanh niên Trung Quốc chọn cách làm ít việc nhất có thể, ngược với khát vọng cống hiến cật lực mà cha mẹ họ từng dạy dỗ.
"Tang ping" (nằm thẳng), nổi lên như một xu hướng mới nhất trên Internet để diễn tả nỗi vất vả tìm việc khi phải cạnh tranh với hàng nghìn ứng viên, sống vất vưởng những ngày dài và sau đó là trả giá thuê nhà cắt cổ tại những thành phố đất chật người đông ở Trung Quốc.
Sau 4 tháng ròng rã tìm việc, Wang, 24 tuổi, nhận ra mình muốn "nằm thẳng" khi biết người bạn cùng lớp đại học được thừa hưởng công việc kinh doanh của gia đình.
"Gửi hồ sơ xin việc giống như mò kim đáy bể", Wang, một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, nói. "Ta bị xã hội đánh cho tơi tả, chỉ muốn một cuộc đời thoải mái hơn. 'Nằm thẳng' không có nghĩa là chờ chết. Tôi vẫn làm việc, nhưng không cố sống cố chết vì công việc".
Thông qua mạng xã hội, giới trẻ Trung Quốc gần như tuần nào cũng tìm ra những thuật ngữ mới, ảnh chế mới, hay nhân vật phản anh hùng mới, để diễn đạt tâm trạng của chính mình.
Thuật ngữ "nằm thẳng" xuất hiện từ một bài đăng trên diễn đàn Tieba của Trung Quốc, sau khi một người ẩn danh viết rằng "nằm thẳng là hành động khôn ngoan bây giờ".
Một cuộc tranh luận về ý nghĩa của từ này thu hút hàng trăm triệu lượt truy cập trên Weibo, trong khi thuật ngữ này làm dấy lên chỉ trích từ giới học thuật và truyền thông nhà nước.
Với Lin, một nhân viên ngành nhân sự 24 tuổi, "nằm thẳng" đã nắm bắt đúng tâm trạng "một thanh niên không thể trở thành 'người chiến thắng', những người mua được xe, sắm được nhà, kết hôn và sinh con".
"Vì vậy, họ chọn cách hạ thấp mục tiêu, giảm khát vọng", cô nói thêm.
Những người khác lại ca ngợi khái niệm này là "ngộ ra mục tiêu vừa sức mình", trong khi vẫn có thời gian tận hưởng cuộc sống.
"Thật tuyệt vời nếu nhu cầu cơ bản vẫn đáp ứng được mà cuộc sống lại thoải mái hơn phải không?" Lucy Lu, 47 tuổi, làm nghề tự do, nói.
Năm ngoái, từ thông dụng trên mạng Internet Trung Quốc là "nội quyển", chỉ vòng xoáy áp lực cuộc sống từ việc làm ngày làm đêm không nghỉ, cạnh tranh vô nghĩa giữa đồng nghiệp nơi công sở, nổi lên qua hình ảnh một sinh viên đại học Thanh Hoa vừa đạp xe vừa dùng máy tính xách tay.
Bây giờ, nó là một phần của ngôn ngữ đời thường, bao phủ mọi tầng lớp của cuộc sống hiện đại, đặc biệt tại những thành phố lớn đầy cạnh tranh. Mức lương trung bình cho sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc là 1.000 USD/tháng, nhưng tiền thuê nhà ở Bắc Kinh có thể chiếm quá nửa.
Tâm trạng vỡ mộng được diễn tả bằng thuật ngữ "Tang" (tang tóc), nói về cảm giác thất bại tự ti của thế hệ 9x. Nó ngày càng phổ biến khi thế hệ trẻ cho rằng có rào cản vô hình ngăn họ nâng cao vị trí xã hội, theo K Cohen Tan, học giả tại Đại học Nottingham Ninh Ba, Trung Quốc.
Biểu tượng ban đầu của văn hóa Tang là hình ảnh chú ếch Pepe, nhân vật có đôi mắt u buồn. Tới tháng 4, một thành viên ban nhạc nam trong chương trình truyền hình thực tế trở thành biểu tượng mới của Tang.
Russian Vladislav Ivanov, thanh niên 27 tuổi người Nga, tình cờ tham gia chương trình truyền hình thực tế và và lọt vào vòng cuối đã cầu xin người hâm mộ đừng bỏ phiếu cho mình. Ivanov muốn rời chương trình nhưng không muốn vi phạm hợp đồng, nên anh đã cố tình trình diễn thật tệ, xin người hâm mộ "Đừng yêu quý tôi, sẽ không có kết quả nào đâu".
Nhưng hình ảnh mà Ivanov thể hiện trên truyền hình lại bộc lộ rất rõ cảm giác về một nô lệ làm việc, mang tới cho anh sự nổi tiếng và ủng hộ.
Học giả Tan nhận định tâm trạng bất ổn trong giới trẻ thành thị liên quan mật thiết tới việc tìm kiếm giá trị sống. "Sự khác biệt nằm ở chỗ một người có cảm thấy họ phù hợp với cách xã hội vận hành bằng cách tạo ra giá trị cho người khác hay không", ông nói.
"Nằm thẳng" dường như đi ngược lại với tôn chỉ về một xã hội năng động mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra, khi ông luôn kêu gọi "xắn tay áo lên làm việc chăm chỉ".
Hàm nghĩa của chủ nghĩa thất bại hay chủ nghĩa dễ bảo cũng mâu thuẫn với các giá trị thế hệ tại một đất nước mà những người lớn tuổi đã trải qua nghèo đói, hỗn loạn, luôn cố gắng để tiến thân trên nấc thang xã hội.
Khái niệm "nằm thẳng" là "thái độ cực kỳ vô trách nhiệm, không chỉ khiến cha mẹ thất vọng, mà còn khiến hàng trăm, hàng triệu người nộp thuế thất vọng", theo Li Fengliang, giáo sư đại học Thanh Hoa. Ông cho rằng người ta vẫn có thể nâng cao vị trí xã hội của mình thông qua cạnh tranh.
Một video chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy Bai Yansong, một người dẫn chương trình nổi tiếng Trung Quốc, đặt câu hỏi phải chăng thanh niên chỉ muốn "giá nhà thật thấp, việc làm luôn sẵn, không có áp lực".
"Khẳng định là không, đúng không?" ông nói.
Còn Xinhua, hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc, chỉ trích văn hóa "nằm thẳng" bằng video về một nhà khoa học "từ chối nằm thẳng" khi vẫn làm việc 12 giờ một ngày ở tuổi 86.
Hồng Hạnh (Theo AFP)