"Tôi mới 20 tuổi và không thể chết vì nước tiểu", nữ công nhân ở Dũng Đầu, tỉnh Quảng Đông nói.
Hàng ngày, công nhân phải xếp hàng dài chờ đến lượt đi vệ sinh khi nghỉ giữa ca. Hết giờ, nhà vệ sinh lập tức được khóa lại. "Có lần tôi chứng kiến một nữ công nhân đã khóc vì không kịp, phải vệ sinh tại chỗ", A An kể.
"Hoặc là cô phải chịu đựng, hoặc tìm việc khác". Sau nhiều năm làm việc, A An bị tê liệt bởi câu nói của quản đốc.
Trương Cường là quản đốc một nhà máy sản xuất khuôn mẫu ở Quảng Châu. Để chống công nhân lười biếng, nhà máy đã ban hành lệnh "cấm đi vệ sinh ngoài khung giờ cố định" 8-9h sáng và 14-14h30 chiều. Người vi phạm sẽ bị xử phạt.
Trương nói rằng quy định này nhằm ngăn chặn việc nhiều người vào nhà vệ sinh để hút thuốc và tán gẫu. Bảo vệ đã không ít lần vào tận nhà vệ sinh để bắt quả tang công nhân vi phạm.
Lương Vĩ là nhân viên nhà máy sản xuất phần cứng và thiết bị điện ở thị trấn Hoàng Giang, thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông. Nước uống trở thành một trong những thứ đáng sợ nhất với người đàn ông này. "Nhà máy có quy định tổng thời gian đi vệ sinh của nhân viên một tháng không vượt 400 phút. Cứ vượt quá một phút, sẽ bị phạt một tệ". Lương cho biết.
Công xưởng nơi Lương làm việc có 300 công nhân. Trước cửa nhà vệ sinh mỗi tầng đều có một giám sát viên với nhiệm vụ đo đếm thời gian đi vệ sinh của mọi người, thông qua máy tính. Lương nói, giám sát viên tại nhà vệ sinh anh hay lui tới rất tử tế, bởi người này nới lỏng quy định, cho phép "đi tiểu 5 phút và đại tiện 10 phút", quá giờ mới bị phạt.
Tiểu Từ, công nhân vừa được tuyển vào một nhà máy ở quận Bảo An, thành phố Thâm Quyến đã xin nghỉ việc ngay ngày đầu tiên bởi nghe công nhân cũ nói về "thẻ đi tiểu". "Một đội có 20 người và chỉ có hai giấy phép ra ngoài đi vệ sinh. Ở đây gọi là thẻ đi tiểu", cô nói. Công nhân muốn đi vệ sinh phải đăng ký trước. Trên dây chuyền sản xuất 10 người, nếu một người mót, phải có người thay thế mới được phép rời đi.
Cũng ở nhà máy này, mỗi lần đi vệ sinh, công nhân sẽ bị trừ 6 tệ cho giấy vệ sinh và 2 tệ mỗi ngày cho nhân viên trông coi nhà vệ sinh. Không những vậy nhà máy sẽ trừ tiền dựa trên số lần nhân viên đi vệ sinh, nếu vượt quá quy định.
Kiểm soát thời gian đi vệ sinh của công nhân tại Trung Quốc từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong quản lý nhà máy sản xuất. Việc ép thời gian đi vệ sinh của công nhân được biến thành hiệu quả sản xuất của nhà máy, thành lợi nhuận của công ty.
A An nói, cô làm việc hai ca một ngày. Chỉ khi nào vào nhà vệ sinh, cảm giác khó chịu do bệnh tật gây ra mới khiến cô nghĩ mình là một con người thay vì một cái máy. A An thấy ghen tị với những bạn cũ tốt nghiệp đại học đang làm việc văn phòng: "Ít nhất, họ không phải đối mặt với những điều như vậy".
Nhưng, có một nhóm "cổ cồn trắng" mà A An nhắc tới cũng có tình trạng không mấy khả quan. Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vũ bão, nhiều công ty lập trình tại Trung Quốc liên tục tuyển dụng nhân sự.
Theo "Báo cáo về những người đi vệ sinh" của Lagou.com, 57% số người được hỏi cho biết họ luôn gặp phải tình trạng xếp hàng khi đi vệ sinh tại công ty. 35% người sẽ choáng váng khi đi vệ sinh và 18% đã khóc trong buồng vệ sinh. Trong số này, có đến 51% sẽ làm việc trong khi đi vệ sinh .
Một công ty thương mại điện tử lớn ở Thượng Hải có 1.000 nhân viên vào năm 2017. Số nhân viên hiện gấp 6 lần. Tại trụ sở chính, mỗi tầng có 1.000 người nhưng chỉ có 8 nhà vệ sinh. Mỗi lần đi phải xếp hàng 20 phút. Để giải quyết vấn đề đi vệ sinh của nhân viên, những công ty kiểu này có cách làm được coi là nhân văn hơn.
Một xưởng sản xuất video ngắn tại Thượng Hải đã lắp đặt bộ đếm thời gian ở tư thế ngồi xổm trong nhà vệ sinh, chính xác đến từng giây. Mọi người bên ngoài có thể biết người ngồi trong đã ngồi xổm bao lâu. Nhà vệ sinh của một công ty thương mại điện tử lớn khác, quản lý thời gian đi vệ sinh bằng một khẩu hiệu trên tường: Đừng mang điện thoại di động vào nhà vệ sinh!
Trong khi đó, để giảm thời gian la cà của nhân viên, công ty bên cạnh đã áp dụng cách ngắt kết nối internet khỏi nhà vệ sinh.
Trước áp lực chạy đua với thời gian, kỹ năng đi vệ sinh của nhiều người cũng trở nên "thiện nghệ".
Tiểu Cao, làm việc trong một công ty thương mại điện tử, cho biết: "Tôi cố gắng uống ít nước nhất có thể, để lượng nước thải ra ít nhất". Người đàn ông này cảm thấy khả năng nhịn tiểu của mình giờ đã được cải thiện rõ rệt. Anh cũng cố điều chỉnh đồng hồ sinh học để không đại tiện vào buổi trưa như trước, mà "để dành" đến sáng hôm sau khi vẫn ở nhà. Sau vài lần táo bón, Tiểu Cao đã thành công.
Đối với một số công nhân, đi vệ sinh là hành động rất có ý nghĩa. Tiểu Thanh, nhân viên của một nhà máy siêu lớn, luôn cố gắng ở lại nửa phút mỗi khi đến buồng vệ sinh. Không gian nhỏ mang lại cho anh cảm giác an toàn, có thể trút bỏ được áp lực để lấy tinh thần tiếp tục làm thêm giờ.
Còn với Tiểu Châu, lập trình viên của một công ty video ngắn, việc đầu tiên với cô sau khi đến công ty là đến buồng vệ sinh và ngồi yên lặng. Thời gian ngắn ngủi này, cô sẽ suy nghĩ về công việc và nêu những lý do để không bỏ việc.
Trong mắt các nhà quản lý, nhà vệ sinh cũng là kẻ thù của hiệu quả công việc. Từ góc độ này, những nhân viên cổ cồn trắng làm việc trong doanh nghiệp lớn cũng không khác mấy công nhân lắp ráp tại các nhà máy. Nhu cầu giải phóng sinh lý cơ bản nhất của con người là đi vệ sinh giờ trở thành vấn đề lớn với những lao động làm thuê tại Trung Quốc.
"Với những ông chủ, điều tuyệt vời nhất là người làm không phải đi vệ sinh", Tiểu Châu nói.
Vy Trang (Theo qq)