Tôi không ủng hộ tư tưởng phụ nữ "ở nhà chồng nuôi". Có những người nghĩ mình là phụ nữ nên mặc định rằng đàn ông có nghĩa vụ làm trụ cột kinh tế của gia đình. Nhưng đời chẳng có bữa trưa nào miễn phí. Muốn giàu có, sung sướng, bản thân mỗi người phải tự lao động tạo của cải, sự nghiệp.
Tôi sinh ra có cơ thể khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn, tại sao phải sống dựa vào chồng để được bao nuôi? Đổi lại, nếu tôi là nam giới, có vợ giàu, tôi nghĩ mình cũng không muốn mỗi tháng phải ngửa tay chờ vợ phát tiền, mua xe cho... Với tôi, tận hưởng thành quả từ công sức, trí tuệ của mình, vẫn cảm thấy thoải mái, tự hào hơn khi phải dựa dẫm vào người khác.
Tôi muốn dùng tiền kiểu nào cũng được, muốn sống thế nào cũng xong, không phải nhìn mặt ai, cũng không ai dám đặt điều kiện với tôi. Đó mới là cái giá của sự tự do. Giải trí, làm đẹp cũng chỉ là một phần của cuộc sống, bạn không thể hạnh phúc khi cả ngày quanh quẩn với mấy thứ tiêu khiển đó.
Nhan sắc trang trí cho trí tuệ mới được tôn trọng. Còn nếu bạn chỉ làm cái bình bông rỗng tuếch, bóng bẩy thì cũng chẳng được mấy năm. Dù có đẹp nghiêng nước nghiêng thành, quốc sắc thiên hương mà ngồi chờ chồng bao nuôi thì cũng phải nói cười theo sắc mặt người khác.
Nói tóm lại, ở nhà cha mẹ nuôi, bạn sẽ phải vâng lời cha mẹ; ở nhà chồng nuôi, bạn phải nhìn mặt chồng mà sống. Phụ thuộc kinh tế vào ai thì phải sống theo nguyên tắc của người đó, "under my roof, my rules" (tôi chu cấp tài chính, tôi có quyền quyết định).
Nhiều người nói rằng ở nhà chồng nuôi, vừa tự do lại có thời gian giao du với người cùng trình độ, trau dồi kiến thức, công tác, nghiên cứu, giảng dạy... Nhưng tôi đi làm cũng vẫn làm được những việc ấy. Tôi đi làm lương không thua đàn ông, vẫn có thời gian trồng hoa, đọc sách, làm đẹp, nấu ăn... Vì thế, tôi nghĩ rằng nếu viện thoái thác đi làm chỉ vì mình là phụ nữ tức là không có sự phân chia năng lực thỏa đáng.
Hơn nữa, tư tưởng tránh né lao động để hưởng thụ thành quả vật chất từ người khác gây ảnh hưởng không tốt. Chẳng phải chị em phụ nữ Việt vẫn đang tích cực hướng tới thay đổi tư tưởng, bình đẳng giới hay sao? Nếu chính họ vẫn có tư tưởng phân chia nhiệm vụ xã hội theo giới tính: chồng mặc định là trụ cột tài chính, vợ "lui về thấp hơn" thì tốt nhất không nên trông chờ vào hai chữ "bình đẳng". Nếu bạn muốn công bằng, hãy tạo công bằng cho cả hai giới. Đàn ông cũng có quyền lui về làm hậu phương nếu họ thích.
Chồng lương cao bao nhiêu thì đó vẫn là tiền của chồng. Nhưng nhiều chị em còn nghĩ tiền của chồng đương nhiên là tiền của mình nên mới có tư tưởng để chồng nuôi. Tiền bạc là ngọn nguồn hầu hết vấn đề. Các công ty trả lương cho nữ giới ít hơn, sử dụng vào các vị trí thấp hơn, cũng một phần vì lo sợ phụ nữ lập gia đình sẽ lo ở nhà nhiều hơn là cống hiến cho sự nghiệp.
Tư tưởng sống "tầm gửi" đã kéo chân cả những người cùng giới muốn phấn đấu cho sự nghiệp. Thiên hạ thường "vơ đũa cả nắm", gặp một, hai cô lười biếng, người ta có thể quy chụp ngay thành phụ nữ đều như vậy. Vô tình, chính nữ giới đang tự khiến mình phải vất vả hơn để chứng minh năng lực và tìm chỗ đứng trong xã hội.
Truc Tran
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.Gửi bài tại đây.