Đó là quan điểm của độc giả My Vu xung quanh câu chuyện "Phụ nữ ở nhà chồng nuôi". Ngày nay, chuyện chị em lấy chồng rồi "lui về hậu trường", ở nhà chăm sóc con cái, chu toàn công việc nhà cửa, chuyện khác để chồng lo là chuyện không hiếm.
Nhiều người vẫn giữ định kiến phụ nữ lấy chồng chỉ quanh quẩn chuyện nhà cửa, lo cơm nước và chăm sóc con cái sẽ là ăn bám và mất giá trị trong mắt chồng. Tuy nhiên, có phải ai ở nhà nội trợ cũng thấy bất hạnh và tủi nhục?
>> 'Chồng làm sếp gia đình khi vợ không tự chủ tài chính'
Cũng là một người phụ nữ hạnh phúc với quyết định ở nhà làm hậu phương, độc giả Julia Nguyen chia sẻ: "Tôi làm công ăn lương, rồi làm thêm, nhưng tổng thu nhập chỉ bằng 1/3 của chồng. Chồng tôi luôn nói anh là 'trùm về tài chính' nên cho vợ ở nhà chăm con. Tôi cũng thích vậy. Ở nhà, đầu tiên, tôi sẽ có thời gian hướng dẫn con học bài. Tất cả các chương trình trong trường học và trung tâm dạy cho số đông nên luôn chậm hơn khả năng tiếp nhận của con. Nếu tôi ở nhà thì có thể biến tấu, tìm thầy và nhóm bạn học nhanh, sâu hơn, tạo nền tảng tự học vững chắc cho con. Thứ hai, tôi sẽ có thể chăm sóc nhà cửa, vườn tược, tạo không gian sống hài hòa với thiên nhiên.
Thứ ba, tôi có thể nấu các bữa ăn ngon cho chồng con. Ẩm thực từ các vùng miền Việt Nam, và các nước trên thế giới là cả một kho tàng mà tôi luôn muốn khám phá. Con cái được ăn uống sạch sẽ, khoa học, ngon hơn ngoài hàng, còn hiểu biết thêm văn hóa truyền thống của các nước... đó là một điều tuyệt vời. Thứ tư, tôi sẽ có thời gian để đọc sách. Kho tàng kiến thức vô hạn sẽ giúp bạn hiểu biết, giúp bạn tự tin nói chuyện với chồng con, bạn bè. Bạn sẽ biết cách để lắng nghe mọi người với hiểu biết thông tuệ. Cuối cùng, tôi còn được tập luyện thân thể và chăm sóc sắc đẹp".
Độc giả Anne Nguyen lấy dẫn chứng từ những người phụ nữ phương Tây: "Tôi có một người bạn vong niên người Mỹ, đã làm nội trợ cũng được trên 30 năm, nhưng lúc nào cũng tươm tất, gọn gàng. Con cái đều do một tay bà nuôi dạy lớn không. Mỗi ngày, sau khi lau chùi, dọn dẹp nhà sạch bong, bà lại trang điểm, son phấn, quần là áo lượt, cho dù là không đi làm. Tôi cười hỏi: 'Tại sao?', bà bảo: 'Ở nhà thì vẫn phải có giá trị của riêng mình, không lý gì bỏ bê mình luộm thuộm, xấu xí'.
Tôi rút ra kinh nghiệm rằng, giá trị là do chính bản thân mình tạo ra. Bạn tự tin và đẳng cấp, cũng chẳng lười biếng thì sẽ càng làm đẹp mặt chồng và giữ lửa cho gia đình. Thế nên, chồng bạn tôi càng thầm cảm ơn vợ vì đã nuôi dạy hai đứa con suốt bao nhiêu năm để ông xông pha sự nghiệp. Bạn tôi có lẽ là thiểu số, nhưng phụ nữ nào cũng cần sống sao cho phù hợp với gia đình, hoàn cảnh của mình, và quan trọng nhất là phải tự tin, biết đâu là giá trị của mình?
Tôi sống ở Mỹ và Australia một thời gian, cũng thấy khối bà vợ phương Tây ở nhà vài năm sau khi có con là chuyện bình thường. Tôi cũng chẳng thấy chồng họ dám mở miệng khinh rẻ họ bao giờ. Vì họ có tiếng nói, có lòng tự trọng, ở nhà nhưng họ vẫn bận rộn lo cho gia đình. Thậm chí, họ sẵn sàng ly hôn nếu bị chồng coi thường. Tôi không ủng hộ hay chê trách lối sống của người khác, vì ai cũng có hoàn cảnh riêng. Với tôi, nếu có chồng kiếm ra tiền, tôi cũng sẵn sàng ở nhà lo hậu phương".
>> Hạnh phúc 'ở nhà chồng nuôi'
Sự thật, ngày nay không hiếm những gia đình mà sau khi kết hôn, vợ chỉ việc ở nhà chăm sóc nhà cửa, con cái còn chuyện kinh tế gia đình thì chồng lo hoàn toàn. Với những chị em này, dù "ở nhà chồng nuôi" nhưng nhờ điều kiện kinh tế sẵn có và vốn bản thân họ đã có sẵn tư duy biết vun vén gia đình nên trở thành hậu phương vững chắc cho chồng, vẫn được chồng chiều chuộng. Điều quan trọng nhất nằm ở thái độ và quan điểm sống của mỗi người.
Đó cũng là suy nghĩ của độc giả Men tran:
Quan điểm của bạn thế nào?
Lê Phạm tổng hợp
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.