Mặc dù được cho là đã viết nhiều thông tin sai trên Twitter, cho đến ngày 26/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa bao giờ gặp bất cứ trở ngại nào khi trình bày quan điểm về mọi vấn đề của mình trên nền tảng này.
Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi vào đầu năm nay, khi thông tin sai lệch về Covid-19 bắt đầu lan rộng. Để đối phó, Twitter thêm đường linh "xem thông tin đúng" vào các dòng tweet lan truyền thông tin gây tranh cãi hoặc gây hiểu lầm về virus. Khi ấn vào đường link này, người dùng sẽ tiếp cận được thêm nhiều thông tin để xác minh dữ liệu.
Twitter cho biết họ sẽ thêm cảnh báo như vậy vào mọi dòng tweet có thể khiến người dùng hiểu sai vấn đề. Các tweet bị coi là "có hại" sẽ bị xóa hoàn toàn. Dòng tweet của Trump, cáo buộc hình thức bỏ phiếu qua thư sẽ dẫn đến gian lận bầu cử, là bài đăng đầu tiên không liên quan đến Covid-19 bị Twitter dán nhãn theo cách này.
Twitter chỉ can thiệp một số chủ đề nhất định, bao gồm Covid-19, cách bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử và điều tra dân số. Họ không áp dụng chính sách này cho các chủ đề khác. Vì vậy, dù Trump cáo buộc vô căn cứ trong một tweet rằng người dẫn chương trình Joe Scarborough của MSNBC đã giết người cách đây 20 năm, bài đăng này không bị can thiệp.
Michelle Amazeen, giáo sư truyền thông chính trị của Đại học Boston, gọi động thái của Twitter là "một bước tiến rất cần thiết" nhưng đặt câu hỏi về tác động của nó. "Người dùng Twitter liệu bây giờ sẽ tin rằng nếu không có dán nhãn cảnh báo, tweet của Trump là chính xác? Nghiên cứu cho thấy họ sẽ làm vậy", bà nói.
"Twitter vốn không phải là nguồn đáng tin cậy cho tin tức chính thống", bà nói. "Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người thường đọc tin qua mạng xã hội dễ nhận được thông tin sai lệch hơn so với những người tìm đến các nguồn chính thống".
Phản ứng trước động thái của Twitter, Trump cho rằng mạng xã hội này đã "dập tắt hoàn toàn quyền tự do ngôn luận" và cáo buộc Twitter đang can thiệp bầu cử tổng thống. Ngày 27/5, ông dọa "chỉnh đốn mạnh mẽ" hoặc đóng cửa các mạng xã hội, nói rằng họ "bịt miệng" các tiếng nói bảo thủ. Quan chức Nhà Trắng cho biết Trump sẽ ký sắc lệnh về mạng xã hội ngày 28/5.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Trump khó biến lời đe dọa thành hiện thực. Jack Balkin, giáo sư luật của Đại học Yale và là chuyên gia Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ (bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do họp hội và kiến nghị) cho rằng bất kỳ nỗ lực chỉnh đốn công ty mạng xã hội nào về nội dung trên trang web cần được quốc hội Mỹ thông qua và gần như chắc chắn sẽ đối mặt với những thách thức pháp lý mạnh mẽ. Ông cho rằng Ủy ban Truyền thông Liên bang không có thẩm quyền với các công ty Internet như Twitter.
Mặc dù Tổng thống có thể yêu cầu điều tra hoặc ban hành một số sắc lệnh nhắm vào các mạng xã hội, ông không thể "qua mặt" các luật do quốc hội đưa ra, Balkin nói.
Chuyên gia cho rằng lời đe dọa "chỉnh đốn hoặc đóng cửa" của Trump chỉ nhằm răn đe các công ty vận hành mạng xã hội. "Ông ấy muốn những người trong hội đồng quản trị các công ty phải suy nghĩ kỹ về những gì họ đang làm", Balkin nói.
Cựu thẩm phán liên bang Michael McConnell cũng nhận định Trump thiếu thẩm quyền để biến lời đe dọa đó thành hiện thực. "Ông ấy không có quyền làm điều đó. Ông ấy chỉ đang trút giận".
Trump có 80,3 triệu người theo dõi trên Twitter. Mặc dù cáo buộc Twitter can thiệp bầu cử, Trump khó có thể "chia tay" nền tảng đã giúp ích cho con đường chính trị của ông. Khi ông công kích kịch liệt Twitter, ông không dùng Facebook hoặc YouTube để làm điều đó mà vẫn dùng chính nền tảng này để bày tỏ quan điểm.
Dù Tổng thống có tức giận với công ty, không gì có thể thay thế hệ thống chia sẻ tức thời của Twitter, cũng như mạng lưới các tài khoản được xây dựng trong những năm gần đây để lan truyền các tuyên bố của ông.
"Twitter thực sự là nền tảng hoàn hảo cho ông ấy", Vivian Schiller, chuyên gia từ Viện Aspen, đồng thời là cựu nhân viên của Twitter, nói. "Rõ ràng nó không có khả năng tiếp cận lớn bằng Facebook. Nhưng trên nền tảng này có những người sẽ khuếch đại thông điệp của ông ấy, có thể là truyền thông, bot (phần mềm tự động điều khiển tài khoản) hoặc các quan chức chính phủ khác".
Các nền tảng khác như Facebook, Instagram hay Youtube không phù hợp với Trump bằng Twitter. Trump có 27,7 triệu người theo dõi trên Facebook và trang này đã không can thiệp vào bài đăng về bỏ phiếu qua thư của Trump hôm 26/5. Facebook là mạng xã hội lớn nhất thế giới và cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử của Trump. Tuy nhiên, bảng tin của Facebook chủ yếu được hiển thị dựa trên thuật toán phức tạp thay vì thứ tự thời gian, khiến Trump không nhận được phản hồi nhanh như Twitter.
Tương tự, Instagram và Snapchat không phù hợp để lan truyền thông điệp văn bản. YouTube yêu cầu nhiều thời gian quay dựng hơn và khó có thể chia sẻ tức thì. TikTok cũng là nền tảng video và ngày càng nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã bày tỏ lo ngại về quan hệ của họ với Trung Quốc.
Twitter từng nhiều lần khẳng định họ không có ý định chặn tài khoản của Trump, dù ông nhiều lần đăng tweet gây hấn hay thông tin vô căn cứ. "Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là thế giới nhìn thấy các lãnh đạo thế giới nghĩ gì và cách họ hành động", Jack Dorsey, CEO của Twitter, nói hồi năm ngoái.
Nhưng giờ đây, với việc can thiệp vào tweet của Trump, Twitter đã vạch ra một giới hạn và cuộc chiến giữa mạng xã hội này với Tổng thống Mỹ có thể sẽ tiếp tục gia tăng.
"Sau khi họ đã dán nhãn cảnh báo tweet của Trump, họ sẽ lâm vào thế khó nếu không tiếp tục làm vậy", Schiller thuộc Viện Aspen nói. "Thành thật mà nói, họ tự đẩy mình vào thế khó xử. Tôi nghĩ việc họ đã làm hoàn toàn đúng đắn, nhưng câu hỏi họ sẽ làm gì tiếp theo hóc búa hơn rất nhiều".
Phương Vũ (Theo AP/AFP/NBC)