Ngày 12/4, Mỹ ghi nhận hơn 20.300 người chết trong tổng số hơn 520.000 ca nhiễm nCoV, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có số ca tử vong vượt 20.000. Mỹ trước đó phải tuyên bố tình trạng thảm hoạ ở 49 bang khi Covid-19 đang hoành hành. Nước này chưa bao giờ tuyên bố tình trạng thảm họa liên bang cho 50 bang cùng lúc.
Cuộc khủng hoảng do Covid-19 xảy ra vào thời điểm đáng lẽ Tổng thống Mỹ Trump cần tập trung vào chiến dịch tái tranh cử vào tháng 11. Hiện ông đang phải dồn sức xử lý dịch bệnh và bị chỉ trích vì số người nhiễm nCoV và ca tử vong vẫn gia tăng.
Grant Reeher, Giáo sư về khoa học chính trị, Đại học Syracuse, Mỹ, cho biết cơ hội tái đắc cử của Trump phụ thuộc vào cảm nhận của công chúng về sự an toàn với họ và vào hiệu quả kiểm soát dịch bệnh của Mỹ.
Theo Reeher, trong những năm bầu cử bình thường, tháng 9 là thời điểm các ứng viên tổng thống cho thấy một phần kết quả của tháng 11. Tuy nhiên, 2020 lại là một năm bất thường, các cử tri Mỹ muốn thấy xu hướng sớm hơn.
"Đầu mùa thu năm nay, khoảng tháng 7, mọi việc ở Mỹ cần phải trở lại bình thường, trên các phương diện công việc, mua sắm, xã hội, giải trí, đi lại", Reeher nói với VnExpress, nhắc đến "giới hạn chịu đựng" của người Mỹ trước cách kiểm soát dịch của Tổng thống Trump.
Khi đó, Tổng thống Trump cũng cần đưa ra những dấu hiệu rõ ràng, chứng minh kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục sau những thiệt hại do Covid-19 gây ra.
Giáo sư Wendy Schiller Kalunian, nghiên cứu về khoa học chính trị, Đại học Brown, Mỹ, cho rằng nếu người dân không trở lại làm việc hoàn toàn vào tháng 9 hoặc tháng 10, Trump sẽ chịu tổn thất trong chiến dịch tái tranh cử vào tháng 11.
Theo Kalunian, cử tri Mỹ có thể cảm thông với Tổng thống vì Covid-19 là thảm hoạ trên toàn cầu, nhưng họ sẽ tức giận nếu không có lại được ổn định tài chính. Người dân sẽ "trút giận" lên ông chủ Nhà Trắng hoặc đảng cầm quyền, điều không có lợi cho Trump.
"Thách thức lớn là đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng ở Mỹ và trên toàn cầu. Nó sẽ mất nhiều thời gian hơn dự đoán của mọi người", Kalunian nói.
Đánh giá khó khăn của Mỹ hiện nay, Giáo sư Reeher cho rằng có nhiều yếu tố cho thấy bất ổn do Covid-19 vẫn "đeo bám" chính quyền Trump. Chính phủ đã có biện pháp mạnh để khắc phục thiệt hại kinh tế do dịch bệnh. Trump ngày 28/3 ký thông qua gói cứu trợ kinh tế 2.200 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động Mỹ gặp khó khăn. Washington cũng thúc đẩy việc nghiên cứu vaccine chống nCoV. Tuy nhiên, cần có thời gian để kiểm chứng hiệu quả các biện pháp chặn Covid-19 của chính quyền.
Theo Kalunian, chính quyền Trump vẫn đang ở "thế thụ động" khi nói đến thời điểm nhận thức về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Trump hôm 8/4 cho biết ông chưa từng đọc tài liệu cảnh báo nguy cơ "Mỹ thất thủ" trước Covid-19 được cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro công bố đầu năm. Tuyên bố này cho thấy Trump không chịu trách nhiệm về việc "hành động trễ" trong nhận dạng nguy cơ.
Đề cập việc quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly từ chức sau khi bị chỉ trích vì cách xử lý Covid-19 trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, Kalunian nói sẽ không ngạc nhiên nếu có thêm nhân sự của chính phủ từ chức trong những tháng tới, vì chính quyền Trump "rối loạn hơn bất cứ chính quyền nào trong thời gian gần đây, về vấn đề này". Bà dự đoán một số cố vấn chủ chốt của Nhà Trắng sẽ ra đi. Bà cho rằng Trump sẽ đổ lỗi cho thống đốc các bang nếu số ca tử vong do nCoV tăng cao hơn dự kiến.
Peter Feaver, Giáo sư khoa học chính trị, Đại học Duke, nhấn mạnh đến tình trạng bị động, cho rằng Covid-19 là cuộc khủng hoảng thực sự đầu tiên chính quyền Trump phải đối phó, trên phương diện tác động từ bên ngoài. Cuộc khủng hoảng này không phải hệ quả từ các quyết định mà Trump đưa ra. Tổng thống cần xử lý Covid-19 theo cách mang lại lợi ích thực sự cho người dân, chứ không phải nhắm đến lợi ích của mình trong cuộc tái tranh cử.
"Nếu Trump thể hiện được ông không lợi dụng cuộc chiến chống dịch vì những mục đích chính trị, người dân sẽ đánh giá ông cao hơn", Feaver nói.