Con rể kiêm cố vấn của Trump Jared Kushner ngày 13/5 cho biết không loại trừ khả năng bầu cử Mỹ bị hoãn vì Covid-19, tuy nhiên, anh khẳng định không có quyền quyết định và "không tham gia, không biết bất kỳ cuộc thảo luận nào về lùi ngày bầu cử".
Tháng trước, cựu phó tổng thống Joe Biden, đối thủ của Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, cũng dự đoán rằng Trump sẽ tìm mọi cách lùi ngày bầu cử để gia tăng cơ hội chiến thắng, trong bối cảnh nước Mỹ đang phải chật vật đối phó với khủng hoảng Covid-19. Chiến dịch tranh cử của Trump bác bỏ, gọi đây là "thuyết âm mưu ngớ ngẩn".
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng kể cả Trump muốn làm lùi ngày bầu cử, ông cũng "lực bất tòng tâm" vì thẩm quyền nằm trong tay quốc hội. Hiến pháp Mỹ quy định rõ ràng rằng quốc hội có trách nhiệm chọn một ngày bầu cử chung cho cả nước. Năm 1854, quốc hội Mỹ chọn ngày thứ ba đầu tiên sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11 là ngày bầu cử tổng thống và nó chưa bao giờ được thay đổi từ đó đến nay.
Ngay cả trong trường hợp khẩn cấp như đại dịch toàn cầu, Tổng thống Mỹ cũng không thể qua mặt quốc hội để ra lệnh hoãn hoặc hủy tổng tuyển cử. "Trong trường hợp khẩn cấp, Tổng thống có thể làm rất nhiều việc mà bình thường không thể làm, nhưng đó là vì ông được quốc hội trao quyền qua các luật như Đạo luật Khẩn cấp Quốc gia", Sylvia Albert, giám đốc mảng bầu cử tại tổ chức phi lợi nhuận Common Cause, nói.
"Hiến pháp trao quyền chọn ngày bầu cử cho quốc hội chứ không phải Tổng thống. Quốc hội chưa từng thông qua luật nào ủy thác quyền hạn này cho Tổng thống, ngay cả trong trường hợp khẩn cấp. Vì vậy quốc hội là bên duy nhất có quyền thay đổi ngày bầu cử", Albert nói thêm.
Tổng thống có thể cố gắng vận động quốc hội thay đổi ngày bầu cử nếu ông muốn làm vậy. Tuy nhiên, quyết định này cần được cả lưỡng viện quốc hội thông qua. Trump có thể thuyết phục được các nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện, nhưng Hạ viện đang do đảng Dân chủ kiểm soát và họ ít khả năng chấp nhận phương án này.
Cũng theo quy định của Hiến pháp Mỹ, trong trường hợp bầu cử không thể diễn ra do tình huống bất khả kháng vào cuối năm nay, nhiệm kỳ Tổng thống của Trump và Phó tổng thống Mike Pence vẫn sẽ tự động hết hạn vào trưa 20/1/2021. Khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ trở thành quyền tổng thống.
Rick Hasen, giáo sư luật và khoa học chính trị tại trường luật Irvine thuộc Đại học California, cho biết Tổng thống có nhiều cách khác để tác động đến cuộc bầu cử mà không cần thay đổi ngày.
Nếu Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành trong mùa thu, Trump có thể sử dụng quyền hành pháp trong tình huống khẩn cấp để ngăn người dân ở các thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch đến các điểm bỏ phiếu, với lý do đảm bảo y tế công cộng. Điều đó có thể làm giảm tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong các khu vực đô thị đông dân có xu hướng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, Hasen nói.
Tháng trước, Biden chỉ trích việc Trump siết điều kiện cấp ngân sách với Dịch vụ Bưu chính Mỹ, bên đang chật vật vì Covid-19. Biden cáo buộc Trump làm điều này để khiến các cử tri gặp nhiều khó khăn khi bỏ phiếu qua thư. "Đây là cách duy nhất ông ấy nghĩ có thể giúp mình giành chiến thắng", Biden nói.
Các quan chức bầu cử ở cả hai đảng, cũng như nhiều người đảng Dân chủ, đang cố gắng tăng cường hình thức bỏ phiếu qua thư để cử tri không phải lo lắng về việc không thể đi bỏ phiếu do Covid-19. Tuy nhiên, nhiều thành viên đảng Cộng hòa, bao gồm Trump, phản đối những nỗ lực này, cho rằng nó tiềm ẩn nguy cơ gian lận phiếu bầu.
Thực tế, người Mỹ không trực tiếp bỏ phiếu bầu tổng thống. Các đại cử tri là những người làm việc đó. Mỗi bang có số lượng đại cử tri nhất định, dựa trên quy mô dân số của bang. Mỹ có tổng cộng 538 đại cử tri, bằng số ghế trong quốc hội Mỹ là 535, cộng thêm ba đại cử tri của thủ đô Washington. Mỹ áp dụng quy tắc này để tránh trình trạng các bang thưa dân bị coi nhẹ trong cuộc bầu cử.
Trong hầu hết trường hợp, các đại cử tri sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống đúng theo kết quả bỏ phiếu phổ thông của bang mình đại diện. Nếu cử tri bang đó chọn Trump, đại cử tri gần như không thể bỏ phiếu cho Biden và ngược lại.
Trong bối cảnh Covid-19 hoành hành, Hasen nêu kịch bản các bang không tổ chức bầu cử phổ thông để tránh nguy cơ lây nhiễm nCoV mà nghị viện bang tự bầu chọn đại cử tri. Cách thức này từng được áp dụng vào giai đoạn Mỹ mới lập quốc. Luật liên bang Mỹ không bắt buộc các bang phải tổ chức bầu cử phổ thông.
Đảng Dân chủ sẽ gặp rắc rối nếu các nghị viện do đảng Cộng hòa kiểm soát ở những bang chiến trường (bang không có truyền thống nghiêng về ứng viên đảng nào) lựa chọn cách này.
Nhưng kịch bản này rất khó xảy ra. "Làm vậy không vi hiến nhưng sẽ gây ra bất ổn xã hội lớn", Hasen nói.
Phương Vũ (Theo Washington Post/Business Insider)