Sau khi Tổng thống Biden tuyên bố ngừng tranh cử, ông cũng tuyên bố ủng hộ bà Kamala Haris làm ứng viên tranh cử tổng thống. Kỳ lạ là cả đảng Dân chủ đều nhanh chóng quay ra ủng hộ bà Harris.
Các đối thủ tiềm năng đều nhanh chóng lên tiếng ủng hộ bà, đồng nghĩa với việc họ không tranh vị trí đề cử của đảng Dân chủ. Các thành viên cao cấp khác của phe Dân chủ cũng vậy.
Những lời kêu gọi gây quỹ cho chiến dịch của bà Harris được hưởng ứng nhiệt thành và tới lúc này bà đã thu được 200 triệu đôla cho chiến dịch tranh cử của mình.
Đây là một kết quả thần tốc, khiến nhiều người xúm nhau khen ngợi, phe Dân chủ ai nấy cũng vui mừng hớn hở.
Thật ra, điều duy nhất đáng vui mừng là đảng Dân chủ đã đoàn kết lực lượng để đưa bà Harris ra làm ứng cử viên. Điều này tránh được sự chia rẽ không cần thiết cũng như tiêu tốn tiền của cho những cuộc tranh giành nội bộ.
Các cử tri cũng có thể quyên tiền cho một ứng viên duy nhất, khiến cho mọi nguồn lực tài chính của nhà tài trợ đều tập trung lại cho bà Harris.
Nhưng cái gọi là "tuần trăng mật" của bà Harris thật ra chỉ diễn ra giữa bà Harris và đảng Dân chủ thôi. Chiến dịch của ông Trump ngay lập tức đưa ra những đòn tấn công về phía bà Harris. Vì là phó tổng thống nên tiểu sử của bà cũng chẳng có gì xa lạ, những gì có thể chê bai được ai ai cũng biết rồi.
Ngoại trừ những thứ nói thẳng ra hơi bị khó, còn lại cái gì xấu xí của bà cũng bị phe Trump đem ra tấn công ngay lập tức.
Nào là việc bà đã từng thi rớt kỳ thi cấp bằng hành nghề luật sư của tiểu bang California (50% người dự thi rớt kỳ thi này), cho tới việc bà không có con đẻ, cho tới những bộ đầm xinh đẹp khoe dáng của bà cũng bị đem ra chế giễu theo kiểu chê là ăn mặc hơi thiếu vải.
Thực ra thì những thứ này không có gì quan trọng. Ông Trump còn vượt qua được scandal ăn nói tục tĩu lúc tranh cử năm 2016, hay là ông Obama vượt qua được tấm hình ăn mặc theo kiểu thổ dân Phi châu, thì những điều này cũng không có gì đang nói.
Ở chiều ngược lại, ông Trump là "trùm scandal", với những bê bối phải mấy vài trăm trang giấy mới liệt kê hết, và số lời buộc tội hình sự lên đến cả trăm, cùng 34 lời kết tội đã xảy ra... tới mức ai cũng chán ngán khi nghe tới đống scandal này.
Không phải ai cũng cho rằng ông ấy có tội hay có lỗi, nhưng thực sự là nhiều quá thì cái gì cũng ngán, và đống scandal của ông Trump đã đạt tới mức độ này.
Tuổi tác của hai người cũng là một điểm mới khiến mọi người quay ra so sánh. Ông Biden rút lui vì tuổi tác, nhưng thật ra đấy là do phe Dân chủ cho rằng ông quá già nên ông ấy mới phải rút lui. Còn phe Cộng hòa thì có ai cho rằng ông Trump quá già đâu, chỉ có phe Dân chủ mới nói như vậy.
Vì thế tuổi tác vẫn không phải là vấn đề.
Ngay cả việc bà Harris xuất thân là công tố viên trong khi ông Trump là tội phạm đã bị kết tội cũng không quan trọng gì. Ông Biden cũng xuất thân là luật sư, và việc ông Trump phạm tội đâu có khiến phe Cộng hòa lùi bước, họ vẫn trao đề cử cho ông Trump như không có gì xảy ra.
Điều quan trọng là màn trình diễn của phe Dân chủ và bà Harris trong nhiệm kỳ hiện tại.
Những vấn đề mà nước Mỹ đang phải đối mặt mới là thứ khiến cho người dân thực sự quan tâm. Thị trường chứng khoán cao vút nhưng lạm phát vẫn còn, lãi suất vẫn cao, giá nhà neo cao mới là các vấn đề khiến nhiều người quan tâm nhất. Còn lại, vấn đề nhập cư và các cuộc chiến tranh trên thế giới mới khiến người dân quan tâm.
Hai vấn đề này có ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và uy tín của Mỹ trên thế giới, nên người dân cũng phán xét mà trình diễn của phe cầm quyền trên hai tiêu chí này.
Chính vì vậy nên bà Harris đã vội vàng lớn tiếng kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở dải Gaza và lên án hậu quả chiến tranh ở vùng đất này.
Giọng điệu này khác hẳn giọng điệu của ông Biden, nhưng với tư cách là phó tổng thống thì bà dễ nói như vậy hơn. Ông Biden, vốn là tổng thống đương nhiệm, cũng khó lòng mà chỉ trích đồng minh Israel.
Ở thời điểm hiện tại, cuộc chiến Harris - Trump chỉ mới bắt đầu và cả hai còn đang thăm dò lẫn nhau.
Bà Harris sẽ phải nặng gánh chống chọi với những thất bại ông Biden đã gây ra, nhưng cũng sẽ được hưởng lợi từ những thành công của ông Biden trên chính trường.
Còn ông Trump thì không cần phải làm gì nhiều. Thật ra ông cũng không thể làm gì nhiều. Người dân sẽ đánh giá màn trình diễn của Biden-Harris mà quyết định xem đảng Dân chủ có nên tiếp tục cầm quyền hay không.
Ông Trump, cũng như tất cả mọi người khác, chỉ có thể chờ đợi lời phán quyết của cử tri mà thôi.
Vào ngày 28/7, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris chính thức bước vào giai đoạn 100 ngày cuối cùng của một trong những mùa vận động tranh cử diễn ra nhanh chóng và khó lường nhất trong lịch sử Mỹ.
>> Bạn có đồng ý quan điểm của tác giả? Chia sẻ bài viết của bạn về bầu cử Mỹ tại đây.
Khanh Huỳnh