Chiếc tiêm kích phản lực màu bạc với ngôi sao đỏ trứ danh của không quân Liên Xô bay với vận tốc 700 km/h, hạ thấp dần xuống sát mặt nước tới nỗi tạo những đợt sóng đổ về hai bên bờ sông. Chiếc MiG-17 cao gần 4 m với sải cánh 9,6 m lao tới cầu Kommunalniy và xuyên qua phần mái vòm cao 30 m, rộng 120 m ở chính giữa gầm cầu.
Sau khi xuyên qua gầm cầu, phi công đột ngột tăng độ cao của chiếc MiG-17 để tránh cây cầu đường sắt, cách đó gần một km, nơi đang có một đoàn tàu chạy qua. Những người chứng kiến sững sờ trước hành động của phi công MiG-17, còn các chỉ huy quân sự địa phương rất tức giận với màn biểu diễn này.
Dù truyền thông khi đó không đưa tin rộng rãi, cú bay xuyên gầm cầu tại thành phố Novosibirsk nhanh chóng được biết đến khắp Liên Xô và trên toàn thế giới.
Người điều khiển chiếc MiG-17 thực hiện pha biểu diễn đáng kinh ngạc này là phi công Valentin Privalov thuộc Trung đoàn Không quân Cận vệ 712. Privalov khi đó 30 tuổi, là phi công đẳng cấp ace, những đã bốn lần bị bỏ qua trong các đợt thăng quân hàm.
Privalov cũng muốn xung phong tới Việt Nam để hỗ trợ người dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng không được cấp trên chấp thuận. Điều này khiến ông nung nấu quyết tâm chứng tỏ bản thân bằng một màn trình diễn để đời.
Sáng 4/6/1965, Privalov thực hiện nhiệm vụ thường lệ là đóng giả mục tiêu trên không cho hệ thống tên lửa phòng không gần đó. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Privalov hạ thấp độ cao, nhìn thấy thành phố Novosibirsk và cây cầu Kommunalniy. Privalov bay qua nơi này hai lần trước khi lao xuống và thực hiện cú xuyên cầu.
Privalov sau này nói cú xuyên cầu là cơ hội chứng minh cho cấp trên và chính bản thân rằng ông là người có tài năng, dù biết rằng nó cũng có nguy cơ chấm dứt sự nghiệp hay thậm chí cả sinh mạng của mình.
Sau cú xuyên cầu mạo hiểm, Privalov lái chiếc MiG-17 trở về căn cứ và hạ cánh như không có chuyện gì xảy ra rồi về nhà. Privalov bị bắt ngay hôm sau với cáo buộc quậy phá trên không, gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản người dân. Với cáo buộc này, Privalov có thể phải ra tòa án binh, hoặc ít nhất sự nghiệp phi công quân sự của ông sẽ tiêu tan.
Tuy nhiên, các cáo buộc nhằm vào Privalov bị hủy bỏ sau khi phi công MiG-17 này nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, nguyên soái Rodion Malinovsky.
Nguyên soái Malinovsky quyết định không trừng phạt Privalov, cho anh tiếp tục bay, đồng thời biến hành động của anh trở thành một biểu tượng quảng bá cho sức mạnh của quân đội.
"Phi công Privalov sẽ không bị kỷ luật. Nếu đồng chí này gần đây chưa được nghỉ phép, hãy cho đồng chí ấy đi nghỉ. Nếu đã đi rồi, hãy cho đồng chí ấy nghỉ 10 ngày tại đơn vị", Bộ trưởng Quốc phòng Malinovsky viết trong bức điện gửi các chỉ huy không quân địa phương.
Một giai thoại khác cho biết Bí thư tỉnh ủy Novosibirsk Fedor Goryachev đã gọi điện cho lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev để xin tha cho Privalov. Goryachev nói rằng Privalov khiến Novosibirsk được toàn thế giới biết đến.
Privalov không có cơ hội tới Việt Nam như nguyện vọng, song ông vẫn được làm những gì mình yêu thích, được thăng chức và tiếp tục phục vụ trong không quân Liên Xô thêm 12 năm nữa. Privalov năm 1967 kết thúc binh nghiệp với quân hàm trung tá, phó chỉ huy đơn vị tiêm kích thiện chiến đóng quân tại Kubinka, Moskva.
Bảo tàng Novosibirsk hiện trưng bày bức ảnh một chiếc tiêm kích MiG-17 "lao qua" cầu Kommunalniy. Tuy nhiên, đây không phải bức ảnh chụp lại màn trình diễn ấn tượng của Privalov, bởi hành động của ông hoàn toàn bột phát và không có sự chuẩn bị trước. Bức ảnh minh họa do Bảo tàng Novosibirsk thực hiện cũng cố tình phóng đại kích thước cột sóng và chiếc MiG-17.
Nguyễn Tiến (Theo Sputnik)