Tiêm kích P-39 được Mỹ chuyển giao cho Liên Xô.
P-39 Airacobra là dòng tiêm kích bị không quân Mỹ hắt hủi trong Thế chiến II, bởi nó không thể đạt hiệu quả tác chiến ở tầm cao như dòng P-51 Mustang hay P-47 Thunderbolt. Tuy nhiên, khi những tiêm kích "bỏ đi" này đến tay phi công Liên Xô, chúng ngay lập tức tỏa sáng, ghi được nhiều thành tích bắn hạ đối phương nhất trong các dòng tiêm kích do Mỹ chế tạo, theo National Interest.
Năm 1939, tập đoàn Bell thiết kế nguyên mẫu tiêm kích đánh chặn một động cơ XP-39 theo góc nhìn mang tính cách mạng. Thay vì thiết kế pháo phù hợp với máy bay, Bell lại chế tạo phi cơ mang được pháo tự động T9 cỡ nòng 37 mm. Đây là loại pháo thường được gắn trên xe tăng trong Thế chiến II, có thể hạ máy bay đối phương chỉ với một phát trúng đích. Mẫu XP-39 còn được trang bị hai súng máy 12,7 mm ở mũi và 4 súng máy 7,62 mm trên cánh để tăng hiệu quả chiến đấu.
Động cơ V-1710 được gắn sau buồng lái và trục cánh quạt nằm giữa hai chân phi công, nhằm lấy chỗ lắp pháo chính cùng cơ số đạn 30 viên trên mũi. P-39 cũng là tiêm kích một chỗ ngồi đầu tiên được gắn càng đáp thứ ba dưới mũi thay vì phía đuôi, kiểu thiết kế tiêu chuẩn cho máy bay chiến đấu ngày nay.
Mẫu sản xuất hàng loạt đầu tiên có tên mã P-39D được trang bị nắp buồng lái dạng bong bóng, tăng khả năng quan sát cho phi công. Các thùng nhiên liệu có khả năng tự liền vỏ sau khi trúng đạn và các tấm giáp lắp thêm giúp tăng khả năng sống sót cho P-39D.
Bản thử nghiệm XP-39 đạt tốc độ tối đa 610 km/h. Tuy nhiên, không quân Mỹ vẫn yêu cầu tập đoàn Bell loại bỏ các bộ phận tạo lực cản, điển hình là cửa nạp khí tăng lực. Đây là một sai lầm chết người, ngăn cản máy bay hoạt động ở độ cao trên 4,5 km. Điều này khiến P-39 không thể hộ tống oanh tạc cơ thường bay cách mặt đất 7,6 km, trong khi tiêm kích Đức có thể bay cao hơn để tấn công máy bay Mỹ.
Tốc độ leo cao chậm cũng khiến P-39 không đáp ứng được nhiệm vụ đánh chặn oanh tạc cơ tầm cao đối phương như yêu cầu. Động cơ nằm sau buồng lái có xu hướng làm máy bay mất cân bằng và xoay tròn khi bắn hết đạn pháo ở mũi. Hàng loạt nhược điểm làm P-39 bị nhiều phi công Mỹ căm ghét.
Trước khi tham chiến trong Thế chiến II, Mỹ bàn giao cho không quân Anh khoảng 200 bản xuất khẩu của P-39 với tên mã P-400, được trang bị pháo 20 mm thay cho khẩu T9 37 mm. Tuy nhiên, phi công Anh cũng không ưa chiến đấu cơ này, họ thậm chí còn thuyết phục Mỹ sử dụng tiêm kích Spitfire Mark V thay vì P-39.
P-39 đóng vai trò quan trọng trong việc chặn oanh tạc cơ bổ nhào Nhật Bản trên chiến trường Thái Bình Dương. Tuy nhiên, phi công P-39 thường phải chật vật để leo cao khi đánh chặn đối phương, trong khi bán kính tác chiến 805 km hạn chế khả năng hoạt động của nó trên khu vực rộng lớn như Thái Bình Dương.
Trong giai đoạn 1941-1942, không quân Anh chuyển giao cho Liên Xô 212 chiếc P-400 trong gói viện trợ quân sự để tiêu diệt phát xít Đức. Tuy bị Mỹ và phe Đồng minh hắt hủi, P-39 lại được các phi công Liên Xô yêu thích.
Các phi công Liên Xô mất nhiều tháng để bay thử và khắc phục vấn đề xoay tròn mất kiểm soát của máy bay. Trong hai tháng đầu biên chế, 20 tiêm kích P-39 thuộc Trung đoàn Tiêm kích Cận vệ số 153 tinh nhuệ đã bắn hạ 18 oanh tạc cơ và 45 tiêm kích hiện đại của Đức, trong khi chỉ mất 8 máy bay.
Khác với không chiến tầm cao ở Tây Âu, đa phần các trận chiến trên bầu trời Mặt trận phía Đông đều diễn ra ở tầm thấp nhằm yểm trợ bộ binh, giúp tiêm kích P-39 phát huy tối đa uy lực. Ngoài ra, việc hàng loạt sân bay Liên Xô nằm sát tiền tuyến đã khắc phục hạn chế về tầm hoạt động của dòng phi cơ này.
Mỗi chiếc P-39 được trang bị radio riêng, ghế ngồi thoải mái và lớp giáp dày hơn so với các tiêm kích Liên Xô khi đó, khiến nó nhanh chóng được ưa chuộng và mang biệt danh Kobrukshka (tiểu hổ mang). Khoảng 5.500 tiêm kích P-39 được chuyển cho Liên Xô, trong đó 1.000 chiếc bị mất do nhiều nguyên nhân. 2.500 chiếc được lái trực tiếp từ Mỹ tới Liên Xô qua những tuyến bay cực kỳ nguy hiểm, trong khi 2.000 phi cơ khác được vận chuyển bằng đường biển qua Iran.
Liên Xô chủ yếu vận hành biến thể P-39N với động cơ V1070-85 mạnh mẽ, giúp tăng tốc độ tối đa lên tới 630 km/h và bản P-39Q thay súng máy 7,62 mm bằng hai súng 12,7 mm dưới cánh. Tuy nhiên, kỹ sư Liên Xô thường loại bỏ hết vũ khí trên cánh để tăng hiệu suất chiến đấu, do phi công ưu tiên sử dụng pháo chính trên thân với độ chính xác cao.
Nhiều sử gia cho rằng pháo 37 mm là lý do khiến P-39 trở thành mẫu cường kích tấn công mặt đất rất hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế Liên Xô không sở hữu đạn pháo chống tăng 37 mm, họ chủ yếu dùng P-39 để bắn hạ oanh tạc cơ đối phương và hộ tống cường kích Il-2 Sturmovik. Khi cần, phi công Liên Xô có thể lao thẳng vào máy bay Đức để đánh đòn cảm tử. Một phi công từng cắt đứt đuôi máy bay Đức bằng cánh quạt của chiếc P-39.
Trên thực tế, 5 trong số 10 phi công đẳng cấp "Ace" của Liên Xô, những người có thành tích bắn hạ 5 máy bay địch trở lên, đều sử dụng tiêm kích P-39. Tất cả họ đều bắn hạ nhiều máy bay Đức hơn bất kỳ phi công Đồng minh sử dụng tiêm kích Mỹ nào trong Thế chiến II.
Tập đoàn Bell sau đó thay thế mẫu P-39 bằng phiên bản P-63 Kingcobra lớn hơn với sự tham gia của phi công thử nghiệm và kỹ sư Liên Xô trong khâu thiết kế. Dù vậy, không quân Mỹ vẫn khẳng định P-63 thua kém dòng P-51, chỉ sản xuất với số lượng nhỏ để phục vụ thử nghiệm pháo phòng không.
Các nhà thiết kế đã chế tạo một tiêm kích không thể đáp ứng được nhu cầu tác chiến của quân đội Mỹ, nhưng họ không bao giờ nghĩ tới việc nó lại trở thành một sát thủ đầy uy lực trong tay phi công Liên Xô, chuyên gia Sebastien Roblin nhận định.
Duy Sơn