Trong thập niên 1960-1970, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Không quân Hoàng gia Iran (IIAF) từng hợp tác trong chiến dịch mang mật danh "Dự án Dark Gene" nhằm do thám Liên Xô. Hoạt động này vấp phải những phản ứng quyết liệt từ Moskva, trong đó có vụ tiêm kích MiG-21 Liên Xô đâm thẳng vào trinh sát cơ RC-4E "Phantom II" (Con ma) để ngăn Mỹ và Iran thu thập thông tin tình báo, theo Sputnik.
Tehran và Washington từng duy trì quan hệ đồng minh mật thiết trước khi Cách mạng Hồi giáo nổ ra năm 1979. Dưới thời vua Mohammad Reza Pahlavi, Iran là bàn đạp giúp Mỹ tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông, cũng là một nhà cung cấp dầu mỏ đáng tin cậy. Đổi lại, Washington viện trợ kinh tế, vũ khí trang bị hiện đại và cố vấn quân sự cho Tehran.
Năm 1971, Iran mua 24 trinh sát cơ RF-4E với những cải tiến đặc biệt để nghe lén liên lạc vô tuyến của Liên Xô, cũng như hàng loạt máy ảnh hiện đại để trinh sát không ảnh. Trong chiến dịch Dark Gene, các trinh sát cơ RF-4E với tổ lái gồm phi công Iran và Mỹ thường lấy lý do bay huấn luyện hai lần trong một tháng từ khu vực Kavkaz đến Trung Á, dọc biên giới Liên Xô và Iran để do thám lỗ hổng trong lưới phòng không Liên Xô.
Ngày 28/11/1973, tổ bay RF-4E gồm thiếu tá Mohamed Shokouhnia thuộc IIAF và đại tá không quân Mỹ John Saunders cất cánh, trước khi giả vờ vô tình xâm nhập không phận Liên Xô.
Hệ thống cảnh giới Liên Xô nhanh chóng phát hiện máy bay xâm phạm không phận. Đại úy Gennady Eliseev, 35 tuổi, phi đội phó thuộc Trung đoàn tiêm kích số 982, được lệnh xuất kích từ căn cứ không quân Vaziani tại Gruzia để ngăn chặn chiếc RF-4E.
Tiêm kích MiG-21SM của Eliseev tiếp cận trinh sát cơ RF-4E khi nó đang rời không phận Liên Xô với tốc độ siêu thanh tới 1.730 km/h. Đại úy Eliseev quyết định khai hỏa nhằm ép đối phương hạ cánh.
Tiêm kích Liên Xô phóng tên lửa tầm ngắn K-13 vào chiếc RF-4E, nhưng cả hai quả đạn đều trượt do chiếc trinh sát cơ liên tục cơ động và phóng hàng chục mồi bẫy nhiệt. Eliseev sau đó quyết định khai hỏa pháo tự động cỡ nòng 23 mm để hạ mục tiêu, nhưng khẩu pháo lại bị kẹt đạn.
Việc cơ động tránh tên lửa khiến phi cơ RF-4E bị giảm tốc, cho phép tiêm kích MiG-21 tiếp cận từ phía sau. Quyết không để đối phương chạy thoát cùng các dữ liệu tình báo vừa thu thập được, đại úy Eliseev tăng tốc, lao thẳng tiêm kích của mình vào đuôi chiếc trinh sát cơ khi cả hai máy bay đang ở tốc độ siêu thanh.
Cú va chạm mạnh khiến chiếc RF-4E bị mất kiểm soát và lao thẳng xuống đất, trong khi tiêm kích MiG-21SM vỡ tan trên không. Trước khi hy sinh, Eliseev chỉ kịp phát thông điệp cuối cùng về đài chỉ huy "Tôi hạ được nó rồi!"
Saundes và Shokouhnia phóng dù thoát hiểm và bị biên phòng Liên Xô bắt ngay khi tiếp đất. Eliseev được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, còn đội kỹ thuật phụ trách vũ khí cho chiếc MiG-21SM bị kết án tù nhiều năm vì không hoàn thành nhiệm vụ.
Tổ lái RF-4E được Moskva trao trả cho Tehran sau hai tuần để đổi lấy dữ liệu về một vệ tinh Liên Xô rơi xuống lãnh thổ Iran trước đó. Ba năm sau, một chiếc RF-4E khác cũng bị bắn hạ, nhưng có rất ít thông tin về sự cố này. Liên Xô đáp trả bằng việc triển khai trinh sát cơ MiG-25RBSh bay qua không phận Iran.
Mỹ tuyên bố kết thúc chiến dịch Dark Gene vào cuối thập niên 1960, nhưng vẫn duy trì hoạt động do thám trong thập niên 1970. Điều đó khiến Iran trả giá đắt vào năm 1978, khi hai trực thăng nước này lạc vào không phận Liên Xô trong lúc bay huấn luyện và bị tiêm kích MiG-23M Liên Xô bắn hạ làm 8 binh sĩ Iran thiệt mạng.
Duy Sơn