Ấn Độ ghi nhận hơn 126.000 ca dương tính hôm 8/4, đánh dấu ngày thứ ba trong tuần số ca nhiễm mới trên 100.000. Giới chức y tế cho biết nguyên nhân là do người dân ra ngoài đường nhiều hơn và ngại đeo khẩu trang sau khi các cửa hàng, văn phòng hoạt động trở lại.
Một số chuyên gia dịch tễ cho biết biến thể virus cũng là nguyên nhân. Họ ghi nhận hàng trăm trường hợp nhiễm biến thể Anh, Nam Phi và Brazil. Các con số đáng báo động khiến New Zealand ban hành lệnh cấm tạm thời người nhập cảnh từ Ấn Độ.
Hàn Quốc, Thái Lan cũng vật lộn trong làn sóng dịch bệnh mới, dù không nghiêm trọng bằng Ấn Độ. Hàn Quốc ngày 8/4 báo cáo 700 ca nhiễm mới, con số cao nhất kể từ đầu tháng 1. Thủ tướng Chung Sye-kyun cho biết nước này sẽ gia hạn giãn cách xã hội thêm ba tuần, cấm các cuộc tụ họp từ 5 người trở lên.
Thái Lan đang lên kế hoạch mở cửa trở lại ngành du lịch, phát hiện 24 ca nhiễm biến thể Anh dễ lây lan.
Số bệnh nhân Covid-19 mới ở Tokyo, Nhật Bản, tăng hơn 500 người hôm 8/4, phủ bóng đen lên Thế vận hội Olympic và Paralympic dự kiến diễn ra trong tháng 7. Chính phủ bác bỏ cáo buộc rằng chỉ ưu tiên tiêm chủng cho các vận động viên.
Hôm nay, Tokyo và hai tỉnh khác ở Nhật Bản phải áp dụng biện pháp mạnh mẽ hơn chống Covid-19, bao gồm đóng cửa nhà hàng, quán bar trước 8h tối, giới hạn lượng người tham gia các sự kiện lớn. Quy định này có hiệu lực đến hết ngày 5/5.
Số ca nhiễm tại châu Á gia tăng trong thời điểm vaccine AstraZeneca một lần nữa gây tranh cãi. Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 7/4 công nhận đông máu là tác dụng phụ hiếm gặp của vacine, song cho biết lợi ích của nó vẫn vượt trội hơn rủi ro.
Cả Hàn Quốc và Philippines đều ngừng sử dụng vaccine đối với người dưới 60 tuổi. Australia và Đài Loan cho biết sẽ tiếp tục tiêm phòng như bình thường.
Lo ngại về vaccine có thể làm trì hoãn chiến dịch chủng ngừa ở châu Á, vốn đã bị ảnh hưởng từ trước vì vấn đề khan hiếm nguồn cung. Tại Ấn Độ, khi lượng người mắc Covid-19 gia tăng, các trung tâm tiêm chủng lại cạn kiệt nguồn cung. Ngày 25/3, Ấn Độ thông báo hạn chế xuất khẩu 90 triệu liều vaccine để đáp ứng nhu cầu trong nước. Hiện, mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người của Ấn Độ vào tháng 8 bị chậm so với kế hoạch khi mới triển khai hơn 53 triệu liều.
Tại Nhật Bản, công tác tiêm chủng kém xa so với hầu hết các nền kinh tế lớn. Chính phủ mới phê duyệt một loại vaccine là của Pfizer. Kể từ tháng 2 đến nay, khoảng 1 triệu người được tiêm liều đầu tiên, dù số ca nhiễm mới đang gia tăng nhanh chóng.
Thục Linh (Theo Reuters)