"Ủy ban an toàn của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) hôm nay kết luận rằng việc xuất hiện các cục máu đông bất thường kèm theo tiểu cầu trong máu thấp nên được liệt kê là tác dụng phụ rất hiếm gặp", EMA ra tuyên bố ngày 7/4.
"Một cách giải thích cho những tác dụng phụ rất hiếm gặp này là phản ứng miễn dịch, dẫn đến tình trạng tương tự như kiểu thường thấy ở những bệnh nhân được điều trị bằng heparin", EMA cho biết.
Sabine Straus, chủ tịch ủy ban an toàn của EMA, cho biết tính đến ngày 4/4, cơ quan này ghi nhận 169 trường hợp đông máu não hiếm gặp ở người đã tiêm vaccine AstraZeneca. EU đã triển khai tiêm 34 triệu liều AstraZeneca ở khu vực.
Tuyên bố mới thể hiện quan điểm thay đổi của EMA, sau khi cơ quan này hồi tuần trước ủng hộ vaccine AstraZeneca và cho biết không có nguy cơ đông máu do tiêm chủng. Đây cũng là một đòn giáng mạnh vào AstraZeneca, công ty đi đầu trong cuộc đua sản xuất vaccine Covid-19 kể từ khi họ hợp tác với Đại học Oxford.
Tuy nhiên, EMA nhấn mạnh họ tin rằng mọi người nên tiếp tục sử dụng vaccine AstraZeneca trong cuộc chiến chống dịch. "Ủy ban an toàn đã xác nhận rằng lợi ích của vaccine AstraZeneca trong việc ngăn ngừa Covid-19 nói chung lớn hơn nguy cơ tác dụng phụ", Giám đốc EMA Emer Cooke nói trong cuộc họp báo tại Hà Lan ngày 7/4. "Nó đang cứu nhiều mạng người".
Mặc dù nhiều phụ nữ dưới 55 tuổi gặp tác dụng phụ, khiến một số quốc gia hạn chế sử dụng vaccine AstraZeneca cho nhóm trung niên và người trẻ, EMA cho biết họ không thể xác định chính xác nhóm người có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ. "Chưa thể xác nhận các yếu tố như như tuổi tác, giới tính hoặc tiền sử bệnh có thể ảnh hưởng đến nguy cơ gặp tác dụng phụ, vì các trường hợp hiếm gặp xảy ra ở mọi lứa tuổi". Cooke cho biết.
Sau khi EMA ra tuyên bố, Tiểu ban Covid-19 của Ủy ban Cố vấn Toàn cầu của An toàn Vaccine thuộc WHO (GACVS) đã họp để xem xét thông tin mới nhất từ EMA, cơ quan quản lý dược phẩm của Anh và các nước khác. "Dựa trên thông tin hiện tại, mối quan hệ vaccine và sự xuất hiện của cục máu đông cùng tiểu cầu thấp được coi là hợp lý nhưng chưa được xác nhận", GACVS cho biết. "Cần tiến hành nghiên cứu chuyên biệt để hiểu đầy đủ về mối quan hệ tiềm ẩn giữa tiêm chủng và các yếu tố nguy cơ".
Canada, Pháp, Đức và Hà Lan nằm trong số một số quốc gia dừng tiêm vaccine cho nhóm người dưới 60 tuổi, mặc dù WHO khẳng định lợi ích của tiêm chủng vượt xa rủi ro. Những rắc rối xoay quanh vaccine AstraZeneca diễn ra khi các quốc gia như Đức, Ukraine và Ấn Độ phải đối mặt với những làn sóng lây nhiễm và tử vong mới.
Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)