Các nước châu Á đều hiểu tầm quan trọng của số hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe. Nó làm giảm chi phí, cải thiện hiệu quả chẩn đoán, giúp chính phủ sắp xếp chiến dịch y tế công cộng, cho phép các nhà nghiên cứu bào chế loại thuốc mới, giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về sức khỏe bản thân.
Song tham vọng màu hồng về số hóa hệ thống y tế vẫn cách thực tế một khoảng rất xa, ngay cả ở những khu vực giàu có hơn như Hong Kong hay Singapore. Tại Israel thì không. Đây là nơi số hóa làm nền tảng cho toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Giữa đại dịch Covid-19, điều này mang lại lợi ích lớn theo hai cách quan trọng. Thứ nhất, chương trình tiêm chủng ở Israel hưởng lợi từ mô hình y tế số hóa, khiến thế giới phải ghen tị. Tính đến ngày 19/3, gần 60% dân số được tiêm chủng, tương đương 9,3 triệu người.
Thứ hai, việc triển khai vaccine thành công đồng nghĩa nước này đủ tự tin mở cửa trở lại nền kinh tế. Công dân đã tiêm hai mũi vaccine hoặc khỏi Covid-19 được phép tải ứng dụng do Bộ Y tế phát triển. Họ được cấp một mã QR riêng, kéo dài 6 tháng để quét vào cửa khi đến phòng gym, rạp hát, nhà hàng và quán bar. Phương pháp này khuyến khích người dân tiêm vaccine nhiều hơn.
Các nước châu Á cũng rục rịch khởi động chương trình tiêm chủng, song phần lớn quá trình đều dựa trên giấy tờ.
Ở Singapore, người cao tuổi được chính phủ gửi một lá thư có chứa đường link đăng ký vaccine. Sau khi đăng ký, họ nhận được tin nhắn dịch vụ với đường link giữ chỗ duy nhất. Tại Nhật Bản, chính phủ có kế hoạch phát hành phiếu tiêm chủng (dạng giấy), gửi qua bưu điện từ giữa tháng 3.
Hệ thống của Israel hợp lý hơn nhiều. Người dân nhận thông báo tiêm chủng qua tin nhắn văn bản, liên kết với ứng dụng đặt lịch tiêm liều đầu tiên và thứ hai. Nếu họ không trả lời tin nhắn đó, hệ thống tự động gửi thêm tin thứ hai, sau đó là một cuộc gọi. Người cao tuổi không am hiểu về công nghệ có thể liên lạc với tổng đài.
Quá trình tiêm chủng cũng được số hóa tuyệt đối. Y tá nhập dữ liệu bệnh nhân vào ứng dụng trên điện thoại thông minh, sử dụng xác thực hai yếu tố để tránh vi phạm quyền riêng tư. Khi tiêm vaccine xong và trở về nhà, người dân được gửi bản khảo sát trực tuyến về tác dụng phụ.
Số hóa hệ thống y tế công cộng khá phổ biến ở Israel. Thông thường, mỗi công dân phải chọn tham gia một trong 4 đơn vị cung cấp bảo hiểm y tế. Các đơn vị này đáp ứng mọi nhu cầu, từ chăm sóc đến phẫu thuật, chuyên khoa. 4 cơ sở cạnh tranh để thu hút bệnh nhân, mô hình số hóa sẽ đem lại lợi nhuận cho họ. Tức là các bên phải nỗ lực trở nên vượt trội về chất lượng, giá cả và đa dạng dịch vụ chăm sóc.
Người dân dùng ứng dụng do nhà cung cấp bảo hiểm y tế của họ ban hành để đặt lịch hẹn khám, nhắn tin cho bác sĩ, đặt đơn thuốc, nhận kết quả xét nghiệm và xem xét dữ liệu y tế. Các dữ liệu được tổng hợp ở cấp độ quốc gia, để bất kỳ đơn vị bảo hiểm nào cũng truy cập được hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân. Không giấy tờ đồng nghĩa không có rác thải. Các nguồn lực cũng không bị lãng phí. Bệnh nhân không cần xét nghiệm nhiều lần vì bác sĩ lâm sàng có thể truy cập xét nghiệm máu trong hệ thống máy tính của bác sĩ đa khoa.
Các nước châu Á hiện chưa làm được điều này. Singapore đã và đang từng bước triển khai Hồ sơ Sức khỏe điện tử Quốc gia kể từ năm 2011. Tuy nhiên đến nay, chỉ khoảng 27% bác sĩ tư nhân có quyền truy cập hệ thống. Câu chuyện tương tự diễn ra ở Hong Kong. Tính đến cuối tháng 2, chỉ 1,3 triệu trong số 7,5 triệu dân ở đặc khu đăng ký Hệ thống Chia sẻ Dữ liệu y tế Chính phủ.
Nghiên cứu ở cả hai khu vực cho thấy bác sĩ càng lớn tuổi càng ít mặn mà với chương trình số hóa y tế. Họ không am hiểu về công nghệ, lo ngại về gánh nặng hành chính khi chuyển dữ liệu sang nền tảng hoàn toàn mới.
Khả năng tương tác dữ liệu cũng là vấn đề. Đây là điều mà quốc gia và vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển như Đài Loan vẫn vật lộn. Ngành công nghệ thông tin có nhiều thành tựu, song chúng không tương thích với nhau. Các nước như Nhật Bản, Ấn Độ đang ở giai đoạn đầu của công cuộc số hóa, nhưng có tham vọng nhảy vọt về công nghệ.
Chính phủ Nhật muốn mở rộng số hóa bằng cách bổ sung nhiều dịch vụ hơn như bảo hiểm y tế vào hệ thống nhận dạng My Number. Hệ thống này được cá nhân hóa cho công dân, vốn chỉ bao gồm an sinh xã hội và thuế.
Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đã công bố Sứ mệnh Số hóa Y tế Quốc gia vào năm 2020. Mỗi công dân được cấp một ID sức khỏe cá nhân, cho phép cả bệnh nhân và bác sĩ truy cập dữ liệu chung thông qua một ứng dụng.
Israel hiện có kho dữ liệu của hơn 20 năm. Chính phủ sử dụng chúng để soạn thảo thông điệp sức khỏe cộng đồng, phù hợp từng độ tuổi, giới tính và hồ sơ bệnh tật. Các đơn vị cung cấp bảo hiểm thậm chí có ý định đánh số cho bệnh nhân dựa trên nguy cơ họ có thể mắc Covid-19 nghiêm trọng. Điều đó cho thấy Israel có hệ thống y tế tiến bộ, nhấn mạnh phòng ngừa và chăm sóc liên tục.
Thục Linh (Theo Nikkei)