Hàn Quốc, Indonesia và Philippines nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ. Trước đó, nguồn cung của các nước này chủ yếu đến từ Covax, sáng kiến phân phối vaccine công bằng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Carlito Galvez, cựu tướng quân đội điều hành chiến dịch chống Covid-19 và tiêm phòng Philippines, cho biết: "Việc tăng cường tiêm chủng hàng ngày theo kế hoạch của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng".
Ấn Độ, nhà sản xuất lớn nhất thế giới, vừa qua tạm ngừng xuất khẩu vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Các quan chức tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước khi số ca nhiễm nCoV gia tăng nhanh chóng.
Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) trước đó dự kiến cung cấp 90 triệu liều vaccine cho Covax trong tháng 3 và tháng 4. Hiện chưa rõ số liều này được chuyển hướng sử dụng trong nước ngay lập tức hay không. Giới chức cho biết việc giao hàng chậm là không tránh khỏi.
Hàn Quốc sẽ chỉ nhận được 432.000 liều trong số 690.000 liều đã hứa. Quá trình phân phối sẽ bị trì hoãn cho đến tuần ba của tháng 4.
Kim Ki-nam, trưởng nhóm đặc nhiệm tiêm phòng nước này, nhận định: "Nguồn cung vaccine toàn cầu không chắc chắn, nhưng chúng tôi đang thực hiện mọi cách để đảm bảo không bị gián đoạn trong quý 2".
Các quan chức cho biết đang đàm phán với AstraZeneca để đẩy nhanh tiến độ của lô hàng mua thông qua thỏa thuận riêng giữa hai bên.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nới lỏng lệnh hạn chế của chính phủ đối với việc nhập khẩu vaccine theo hướng tư nhân, kêu gọi các công ty cố gắng có nguồn cung bằng bất cứ giá nào. Động thái đưa ra trong thời điểm nước này đối mặt với đợt bùng phát mới.
Hôm 23/3, Giáo sư, tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), cũng thông báo 1,37 triệu liều vaccine do Covax cung ứng dự kiến về Việt Nam cuối tháng 3 và 2,8 triệu liều vào cuối tháng 4, có thể bị chậm lại.
Tại Indonesia, quan chức Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi cho biết 10,3 triệu liều vaccine Covax có thể bị trì hoãn cho đến tháng 5.
Quyết định của Ấn Độ là trở ngại mới nhất trong hàng loạt thách thức mà Covax gặp phải. Nhiều nước châu Á bắt đầu tìm nguồn cung thay thế từ Trung Quốc và Nga.
"Chúng tôi có quan hệ ngoại giao tốt với Trung Quốc, Nga và đang liên lạc để xem liệu có thể tiếp cận với vaccine của họ vào tháng 4 năm nay hay không", ông Galvez cho biết.
Cả Philippines và Indonesia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Công ty Công nghệ sinh học Sinovac. Ngoài ra, hơn 50 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam đã phê duyệt thêm vaccine Sputnik V của Nga. Philippines dự kiến sẽ nhận được lô Sputnik V đầu tiên vào tháng 4.
Các nước phát triển cũng phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Ở Nhật Bản, việc triển khai vaccine bị chậm lại vì châu Âu hạn chế xuất khẩu các liều Pfizer.
"Một số nước sử dụng vaccine để ngoại giao, số khác ưu tiên người dân của mình. Một số đang mua vaccine nhiều gấp 3-5 lần so với nhu cầu. Điều này không cần thiết", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono, nhận định.
"Các nhà lãnh đạo cần ngồi xuống cùng nhau và biết rằng đây là vấn đề toàn cầu, không phải vấn đề trong nước và cố gắng hợp tác giải quyết", ông nói.
Thục Linh (Theo Reuters)