Tại Israel, hơn một nửa dân số được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên và người dân đang đổ ra đường hay đến các quán bar. Ở Mỹ, 2/3 công dân từ 65 tuổi trở lên được tiêm liều đầu tiên. Anh đã tiêm chủng gần 27 triệu người và số người tiêm trung bình mỗi ngày trong tuần này là 421.000 người, theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế.
Trong khi đó, chiến dịch chủng ngừa tại các nước châu Á tương đối chậm, bị cản trở do thiếu nguồn cung, vấn đề hậu cần, hệ thống quan liêu và thái độ nghi ngờ vaccine. Một số nước cảm thấy không cần vội vàng tiêm phòng trong bối cảnh các biện pháp chống dịch mang lại hiệu quả.
Mỹ, Canada, Anh và Israel bắt đầu tiêm phòng từ tháng 12/2020 do đặt hàng trước khi vaccine được phê duyệt. Trong khi đó, hầu hết các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ mới khởi động chương trình tiêm chủng vào tháng 2.
Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong và Australia - những nơi có tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở mức thấp, giới chức nêu cao tính thận trọng đối với việc tiêm chủng. Họ quan sát các tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine ở nước ngoài và yêu cầu sản phẩm phải vượt qua các tiêu chuẩn trong nước mới được cấp phép.
Vào tháng 12/2020, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết Australia sẽ chờ và quan sát quá trình tiêm vaccine Covid-19 ở nước ngoài trước khi đưa vaccine Pfizer vào sử dụng từ tháng 3. Số ca tử vong ở quốc gia này chưa tới 1.000 người. Cùng tháng, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung-hoo cũng nhận định "vội vã chủng ngừa là không cần thiết".
Tháng 2, Hàn Quốc bắt đầu chương trình tiêm chủng được chờ đợi từ lâu. Nước này ký một loạt thỏa thuận mua vaccine mới nhằm đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 - một mục tiêu mà người đứng đầu Hiệp hội Y tế Hàn Quốc cho là bất khả thi.
Cho Sung-il, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: "Chúng ta có kinh nghiệm trước đây về vaccine cúm. Vào thời điểm đó, Hàn Quốc lãng phí một lượng lớn vaccine vì mua quá nhiều, quá sớm". Số ca tử vong ở Hàn Quốc là 1.700. Nước này đã kiểm soát dịch thành công khiến cái giá của thời gian chờ đợi vaccine không quá lớn.
Tại Nhật Bản, các yêu cầu về thử nghiệm lâm sàng trong nước đã khiến việc phê duyệt vaccine Oxford-AstraZeneca và Moderna bị trì hoãn. Bên cạnh đó, thái độ hoài nghi vaccine cùng với thủ tục hành chính cũng được cho là nguyên nhân khiến quá trình tiêm chủng diễn ra chậm chạp.
Ông cho rằng Chính phủ Nhật lẽ ra phải nỗ lực hơn nhiều trong việc mua vaccine và thực hiện một chương trình tiêm phòng hiệu quả trước thềm Thế vận hội. "Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có kế hoạch thực sự nào cho việc triển khai vaccine. Sẽ rất ngạc nhiên nếu Nhật Bản hoàn tất việc tiêm phòng trong năm nay", Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo, cho biết.
Tại Hong Kong, thái độ do dự đối với vaccine là một vấn đề làm ảnh hưởng tới tốc độ tiêm chủng. 7 người Hong Kong đã chết sau khi tiêm vaccine Sinovac đại lục. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy các trường hợp tử vong có liên quan đến vaccine. Trong một cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 1, cứ 10 người Hong Kong thì ít hơn ba người cho biết sẵn sàng tiêm vaccine Sinovac.
Jerome Kim, Giám đốc điều hành Viện tiêm chủng quốc tế tại Seoul, nhận định các nước châu Á phát triển vẫn có thể đạt được miễn dịch cộng đồng trong năm nay, dù chậm hơn vài tháng so với một số nước phương Tây. Ông nói: "Các quốc gia châu Á thường có các chương trình tiêm chủng quốc gia hiệu quả. Vì vậy, mặc dù bắt đầu muộn hơn, giả dụ nguồn cung không phải là vấn đề, họ cũng sẽ đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay". Ông cho rằng nếu điều đó có thể đạt được thì sẽ là thành tựu rất đáng chú ý.
Tuy nhiên, đối với các quốc gia nghèo hơn trong khu vực, đây là mục tiêu xa vời. Các nước Đông Nam Á đã phải vật lộn để có được nguồn cung vaccine khi các nước giàu đang tích trữ một lượng lớn. Những nước này còn phải dựa vào nguồn vaccine được tài trợ.
Hsu Li Yang, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng các quốc gia có thu nhập thấp ở châu Á chủ yếu phụ thuộc vào cơ chế Covax và Trung Quốc để có vaccine, vì thế tiêm chủng cũng chậm hơn. Ngoài ra, hai loại vaccine hàng đầu dựa trên công nghệ mRNA đều cần bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ thấp đến mức vượt quá khả năng đáp ứng của hầu hết các nước châu Á đang phát triển.
Tại Thái Lan, đến nay, nhà chức trách mới nhận được 117.000 liều vaccine AstraZeneca và 200.000 liều vaccine Sinovac, còn hàng chục triệu liều nữa dự kiến sẽ đến vào cuối năm nay. Các quan chức Thái Lan kỳ vọng có thể tiêm phòng cho khoảng 45% dân số trước khi kết thúc năm 2021, thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng miễn dịch cộng đồng cần đạt.
Philippines bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 1/3. Tại đây, số ca nhiễm nCoV đã lên tới 6.300 chỉ trong một ngày, bằng với mức đỉnh dịch vào mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên, Philippines mới nhận được 1,1 triệu liều vaccine từ Sinovac và AstraZeneca - một phần nhỏ trong tổng số 148 triệu liều mà nước này hy vọng nhận được trong năm nay. Ngày 21/3, ông Carlito Galvez Jnr, người phụ trách kế hoạch tiêm chủng quốc gia, khẳng định chính phủ có thể tiêm vaccine cho 70% dân số trước cuối năm nay. Hồi tháng 11/2020, ông Galvez dự đoán rằng để làm được điều này cần mất từ ba đến năm năm.
Tại Indonesia, một trong những quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, việc tiêm chủng cho 271 triệu người trên khoảng 6.000 hòn đảo là một thách thức lớn đến mức chính phủ cho phép các doanh nghiệp tư nhân mua vaccine để tiêm chủng cho nhân viên.
Chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân của Indonesia khởi động vào giữa tháng 1. Tuy nhiên, cho đến ngày 15/3, chưa tới 4,5 triệu liều được triển khai - thấp hơn nhiều so với tốc độ cần thiết để đạt được mục tiêu tiêm phòng cho 181,5 triệu người cho tới tháng 3/2022.
Theo hãng nghiên cứu Economist Intelligence Unit, với Trung Quốc và Ấn Độ, việc phân phối và tiêm vaccine cho gần 3 tỷ người là trở ngại lớn nhất. Dù cả hai quốc gia trên đều có nguồn cung lớn sau khi tự sản xuất vaccine thành công, nhưng đều dự kiến sẽ không thể hoàn thành công cuộc tiêm chủng trước cuối năm 2022.
Ấn Độ phát động chiến dịch tiêm phòng lớn nhất thế giới vào tháng 1/2021, sử dụng kết hợp nhiều loại vaccine, trong đó có vaccine nội địa Covaxin. Nước này đã đặt mục tiêu tiêm phòng cho 250 triệu người - tương đương với khoảng 1/5 dân số cho tới cuối tháng 7.
Trong khi đó, Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 40% dân số trong cùng một khung thời gian. Theo đó, nước này cần triển khai khoảng 4 triệu liều mỗi ngày.
Tiến độ tiêm chủng chậm tại các khu vực có thu nhập thấp ở châu Á có thể gây tác động lớn không chỉ với các quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp, mà còn với cả khu vực và thế giới nói chung. Vào tháng 2, các nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland, Mỹ, ước tính nếu các quốc gia phát triển được tiêm phòng đầy đủ vào giữa năm 2021, nhưng các nước đang phát triển chỉ mới tiêm cho một nửa dân số, thiệt hại kinh tế toàn cầu sẽ lên tới 4 nghìn tỷ USD.
Dale Fisher, giáo sư tại Trường Y NUS Yong Loo Lin, Singapore, cho biết thật sai lầm khi coi việc triển khai vaccine như một cuộc đua giữa các quốc gia, thay vì một nỗ lực toàn cầu. Ông nói: "Tôi nghĩ việc tranh giành vaccine cho riêng mình sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cho các quốc gia. Những 'người hàng xóm' của chúng ta cần được tiêm phòng để mở cửa du lịch và kinh tế. Chúng ta thực sự phải vượt qua đại dịch cùng nhau".
Mai Dung (Theo SCMP)