"Chúng tôi ở đây có 50 chiếc Leopard 1", Freddy Versluys, lãnh đạo công ty quốc phòng tư nhân OIP của Bỉ, cho biết. "Chúng tôi cũng có 38 pháo phòng không tự hành Gepard của Đức, 112 xe tăng hạng nhẹ SK-105 của Áo, 100 thiết giáp VCC2 và 70 thiết giáp M113 của Italy".
Ông Versluys cho biết đây có lẽ là kho xe tăng tư nhân lớn nhất tại châu Âu, với tổng cộng khoảng 500 xe tăng và thiết giáp. "Nhiều chiếc trong số đó đã nằm trong kho hàng năm trời. Hy vọng giờ là lúc chúng sẽ tham gia một số chiến dịch tại Ukraine", ông Versluys nói.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Versluys làm việc 9 năm tại cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng xe tăng và đạn dược thuộc quân đội Bỉ. Năm 1989, ông Versluys vào làm ở OIP, một công ty chuyên về thiết bị quang học, rồi thành lập công ty con OIP Land Systems chuyên mua lại các thiết bị quân sự cũ để bán lại nếu thị trường có nhu cầu.
"Mọi thứ chúng tôi làm ở đây đều hợp pháp. Chúng tôi có sổ sách và tất cả giấy phép cần thiết", ông Versluys nói. Số xe tăng hiện có trong kho của OIP được ông Versluys mua lại trực tiếp từ các nước châu Âu đã thực hiện chính sách cắt giảm chi tiêu quốc phòng trong hai thập kỷ qua.
Một trong những thương vụ lớn của ông Versluys là mua lại 50 chiếc Leopard 1 mà quân đội Bỉ loại biên năm 2014 với giá hơn 40.000 USD mỗi chiếc. "Đó là giá thị trường do tình hình địa chính trị vào thời điểm đó", ông Versluys nói. "Mua lại những chiếc xe tăng đã loại biên là canh bạc lớn của chúng tôi, mang tính rủi ro rất cao".
Xe tăng chủ lực Leopard 1 do hãng Porsche phát triển vào những năm 1960, có trọng lượng nhẹ và hỏa lực kém hơn so với mẫu Leopard 2 mà Đức đồng ý chuyển 14 chiếc cho Ukraine. Tuy nhiên, nhiều quan chức Đức nhận định Leopard 1 vẫn có thể đối đầu với xe tăng chủ lực của Nga.
Ông Versluys suốt nhiều năm không thể bán lại xe tăng Leopard 1 và pháo phòng không tự hành Gepard do cần được Đức chấp thuận để tái xuất khẩu khí tài do nước này sản xuất. Việc Đức chấp thuận viện trợ xe tăng Leopard 2 cho Ukraine hồi tuần trước mở ra những cơ hội mới cho Versluys và công ty OIP.
Các đợt hỗ trợ quân sự chưa từng có của phương Tây cho Ukraine sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự giúp ông Versluys bán được 46 thiết giáp M113 cho Anh. Số thiết giáp này sau đó được Anh chuyển cho Ukraine trong gói hỗ trợ quân sự.
Quân đội Bỉ không còn xe tăng nào trong biên chế và đang nghiên cứu khả năng mua lại số xe tăng Leopard 1 từng bán cho ông Versluys để viện trợ cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder tuần trước cho biết đã đàm phán với OIP, song cho rằng doanh nghiệp này đang tìm cách thu lợi nhuận khổng lồ từ thương vụ. "Các cuộc đàm phán đang diễn ra, song tôi sẽ không trả nửa triệu USD cho một chiếc xe tăng chưa sẵn sàng chiến đấu", bà Dedonder nói.
Ông Versluys phủ nhận thông tin chính phủ Bỉ đã tiếp cận với công ty và khẳng định rất khó để ước tính giá bán số xe tăng Leopard 1 mà OIP đang sở hữu. "Nói về giá cả là vô ích, bởi chúng tôi cần kiểm tra tình trạng của từng chiếc xe tăng và những gì cần được cập nhật", ông Versluys nói.
Theo ông, có thể mất vài tháng để cải tạo xe tăng Leopard 1 với chi phí hơn một triệu USD mỗi chiếc để chúng có thể sẵn sàng tham chiến ở Ukraine. "Những chiếc xe tăng này cần động cơ mới, giảm xóc, radar với công nghệ mới nhất và nhiều thứ nữa", Versluys cho biết.
Giám đốc OIP cho hay công ty xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Ukraine gần đây đã tiếp cận ông để tìm hiểu về khả năng mua xe tăng. Lực lượng Viễn chinh Liên quân (JEF), nhóm 10 nước do Anh dẫn dắt, cũng liên lạc với OIP sau khi Đức chấp thuận chuyển xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.
"Chúng tôi sẵn sàng cho mọi lựa chọn, nhưng cái giá bỏ ra phải công bằng, chúng tôi không phải một tổ chức từ thiện", ông Versluys nói.
Dù Đức đã chấp thuận chuyển Leopard 2 cho Ukraine, mở đường cho khả năng tái xuất các mẫu xe tăng khác do nước này sản xuất như Leopard 1, OIP vẫn vấp phải rào cản khác đối với một số khí tài trong kho của họ.
OIP không thể bán hơn 110 chiếc xe tăng hạng nhẹ SK-105 do Áo sản xuất do nước này không chấp thuận tái xuất chúng. "Thật đáng tiếc vì chúng đang trong tình trạng tốt", ông Versluys nói.
Giới chức Bỉ từng tranh cãi liệu loại biên toàn bộ xe tăng của nước này có phải quyết định thiển cận hay không. Joe Coelmont, chuyên gia tại Viện Quốc phòng Cao cấp Hoàng gia Bỉ, nhận định "hơi quá đơn giản khi nói rằng loại biên xe tăng là sai lầm".
"Sau khi Liên Xô tan rã, khó có thể tưởng tượng rằng sẽ có cuộc chiến quy mô lớn sẽ nổ ra ở châu Âu. Khi chính phủ Bỉ cắt giảm ngân sách quốc phòng, quân đội phải quyết định loại biên những chiếc xe tăng cũ kỹ và đắt tiền, bởi đó là lựa chọn hợp lý nhất", ông Coelmont nhận định.
Ông Versluys bác bỏ cáo buộc cho rằng công ty của ông đang trục lợi từ chiến sự. "Mọi người đều nghĩ rằng chúng tôi đang kiếm được rất nhiều tiền, nhưng hãy nhìn xem, nhà kho này đã đầy", ông Versluys nói. "Chúng tôi đã mua những chiếc xe tăng này khi không ai muốn chúng, còn giờ tôi rất muốn chúng xuất hiện tại Ukraine".
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)