Áp lực bị sa thải đang là chủ đề được bàn luận sôi nổi thời gian gần đây trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhiều người than thở, lo lắng trước nguy cơ bị mất việc làm. Thậm chí có ý kiến chỉ trích các doanh nghiệp vì cho nghỉ việc những người lao động lớn tuổi, làm việc thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, có vẻ bây giờ thị trường lao động mới đi đúng hướng, chứ như trước đây không khác gì cái "nhà trẻ mộng mơ".
Suốt ngày, tôi nghe được những câu trả lời từ các bạn nhân viên trẻ như: "Em không làm được", "anh xem làm thế này đã được chưa"... chẳng khác nào học sinh hỏi thầy giáo. Mà tôi hướng dẫn thì họ cũng sửa đi sửa lại năm lần bảy lượt không xong. Còn sau đó, nếu có vấn đề gì, họ sẽ ngay lập tức đổ lỗi tại sếp vì rõ ràng "em đã đưa sếp xem rồi". Thực tế, rất nhiều lao động trẻ đi làm theo kiểu đối phó như vậy.
Người trẻ (nhất là Gen Z) luôn đòi hỏi môi trường làm việc phải thế này, muốn sếp phải thế kia. Nhưng nếu ai hay xem phim Mỹ chắc hẳn sẽ chẳng thấy lạ lẫm với những câu nói của sếp như: "Chị không biết, em muốn làm thế nào thì làm". Ở Mỹ và Canada, khi bạn đi làm và được sếp giao việc, nếu trả lời rằng "em không làm được" thì chỉ sau 30 phút sẽ nhận được thông báo cho nghỉ việc chứ chẳng đùa.
Trong khi đó, ở Việt Nam, có thể thấy một điều rằng người lao động vẫn còn thoải mái, có phần thiếu trách nhiệm do không phải chịu nhiều sức ép. Nhưng tôi tin, cứ từ từ rồi thị trường sẽ đưa mọi thứ đi đúng hướng. Có một điều thú vị là thị trường lao động càng khó, cạnh tranh càng khắc nghiệt thì lại thể hiện một dấu hiệu là đất nước đang phát triển, đi lên.
>> 'Cú tát' bị sa thải ở tuổi 30 khi vừa nhận chứng chỉ quốc tế
Còn nói về lý do doanh nghiệp Việt không muốn tuyển người trên 35 tuổi thì nó xuất phát từ chính nhóm lao động này chứ không phải từ phía doanh nghiệp. Những người này có đặc điểm chung là làm việc cầm chừng, đánh cắp thời gian, rất nhiều việc cá nhân, gia đình nên ảnh hưởng đến công việc chuyên môn; chỉ chăm chăm tìm kiếm các cơ hội để có thêm thu nhập bên ngoài, dễ kết bè cánh để nói xấu; chống đối lãnh đạo từ đó gây khó khăn khi triển khai các chiến lược kinh doanh; có kinh nghiệm xã hội nhưng chưa chắc đã sử dụng nó để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp; hay tìm cách trục lợi từ lỗ hổng của công ty...
Đó là còn chưa kể đến những đặc điểm cố hữu dẫn đến việc người lao động bị sa thải, phải đi tìm việc khác như: sức ỳ lớn và lối mòn tư duy, bảo thủ, trì trệ. Trong khi các nhân sự trẻ chỉ có mỗi một đặc điểm là thiếu kinh nghiệm thì chỉ sau vài tháng là họ đã học được và bù đắp lại khuyết điểm đó.
- '20 năm nữa sẽ thấy Gen Z vượt xa 9X, 8X'
- '9X trước kia cũng không khác gì Gen Z bây giờ'
- 'Gen Z không còn hạ mình đi xin việc như thế hệ trước'
- Tôi bị sốc vì ứng viên Gen Z chê công ty trong buổi phỏng vấn xin việc
- 'Phỏng vấn 30 Gen Z, không tuyển được người nào'
- Nhiều công ty sẽ phải trả giá vì chê bai Gen Z