"Đã qua rồi cái thời các ông chủ bắt chẹt người lao động vì những quy định cứng nhắc, vô lý và thể hiện thái độ trịch thượng với nhân viên trẻ. Tôi là một người thuộc thế hệ 8X, tức là không phải quá trẻ bây giờ. Tuy nhiên, tôi cũng từng nghỉ việc hay từ chối công việc ngay khi đậu phỏng vấn, vì những quy định vớ vẩn như vậy của công ty.
Từ đó, tôi chuyển sang làm việc cho các công ty nước ngoài (Âu - Mỹ). Tôi nhận thấy tại đây, môi trường làm việc rất tự do, thậm chí đi trễ cũng chẳng vấn đề gì, miễn là bạn phải hoàn thành công việc của mình đúng hạn. Các sếp ở công ty nước ngoài cũng không bao giờ liên hệ, giao công việc cho nhân viên khi hết giờ làm việc như nhiều doanh nghiệp trong nước.
Theo tôi, thời thế bây giờ đã thay đổi. Thế hệ Gen Z sẽ định hình lại văn hóa của các công ty, không sớm thì muộn. Chúng ta không thể cứ ôm khư khư mấy quy định cũ kỹ, cứng nhắc đó vì nó chỉ biến công ty thành câu lạc bộ cho người cao tuổi. Không đổi mới tư duy hay hay trẻ hóa nhân sự thì các doanh nghiệp sẽ bị thị trường đào thải mà thôi.
Công ty tôi đang làm bây giờ rất thoải mái. Giờ vào làm của công ty là 9h nhưng ngày nào tôi cũng 10h mới tới. Đơn giản vì nếu tôi hoàn thành hết các đầu việc được giao thì có đi trễ về sớm hơn thời gian quy định cũng không ai nói gì.
>> Gen Z đòi hỏi 'sếp dễ tính, đồng nghiệp dễ thương'
Các sếp của tôi chỉ quản lý tiến độ công việc, hiệu quả công việc của nhân viên thế nào, chứ không rảnh mà quan tâm nhân viên đang ở đâu và làm gì? Còn nếu một người rất tuân thủ giờ giấc làm việc nhưng làm việc kém hiệu quả, năng suất thấp thì cũng vẫn bị thải loại như thường. Từ ngày tôi vào làm tới giờ, bản thân cũng đã vài lần từ chối những quy định không hợp lý của công ty rồi. Và ý kiến của tôi vẫn được lãnh đạo tôn trọng.
Suy cho cùng, đây cũng chỉ là giao dịch dân sự: nhân viên đi làm và bán sức lao động, chất xám của mình để đổi lấy tiền lương; còn người chủ doanh nghiệp bỏ tiền ra để mua chất xám, sức lao động của nhân viên và dùng nó để kiếm thêm tiền mà thôi. Vậy tại sao phải quan tâm tới những thứ không liên quan làm gì? Nếu nhân viên làm không hiệu quả thì có thể sa thải họ, còn họ làm hiệu quả, đem lại tiền cho mình thì cần gì phải khắt khe vấn đề tác phong, giờ giấc, để khiến họ thấy ức chế rồi bỏ đi chỗ khác?
Tôi tin rằng, chỉ vài năm nữa thôi, giới chủ các công ty tại Việt Nam sẽ phải thích nghi với suy nghĩ, thái độ, tác phong của thế hệ Z, thay vì giữ lối trịch thượng, cứng nhắc như trước giờ. Nếu không, họ sẽ chẳng lấy đâu ra nguồn lao động trẻ trung, năng động, sáng tạo. Doanh nghiệp cũng vì thế mà phá sản sớm.
Đó là quan điểm của độc giả Ductran sau những chỉ trích nhắm vào Gen Z thời gian qua về việc dễ nghỉ việc, không chấp hành nội quy công ty, làm việc tùy tiện, không chịu làm việc ngoài giờ, hay đòi hỏi quyền lợi... Gen Z đã trở thành nhóm người tạo nên nhiều xu hướng mới tại nơi làm việc, đặc biệt là các phong trào phản đối công việc. Tuy nhiên, chính thế hệ này cũng được xem là những người khó cộng tác nhất. Theo một khảo sát, 49% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết thường xuyên cảm thấy thất vọng trong quá trình làm việc cùng thế hệ này, 65% thừa nhận đuổi việc nhân viên Gen Z nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác.
* Bạn nghĩ sao về thái độ làm việc của Gen Z?
- 8X không xin nổi việc dù lương mong muốn chỉ hơn Gen Z 5 triệu đồng
- 8X tiết kiệm mua nhà, Gen Z nợ bốn thẻ tín dụng mua SH, iPhone
- Đồng nghiệp gọi điện bàn công việc, tôi yêu cầu gửi mail
- Những nhân viên Gen Z 'vui thì làm, buồn là nghỉ'
- Gen Z không muốn 'khổ trước sướng sau' như thời cha mẹ
- Tuổi 30 'khó xin việc vì Gen Z'