"Trước đây, con đường Võ Văn Ngân và Dương Văn Cam đã ngập, nhưng cũng coi như còn đường rút với ngập không nặng. Từ ngày đường Phạm Văn Đồng làm xong với cái cốt nền cao chót vót là tôi đã nghi sẽ gây ngập cho các khu vực xung quanh rồi. Cả đoạn QL 1A từ hướng cầu vượt Quang Trung đến cầu vượt Tân Thới Hiệp, trước đây hai bên đường ngập rất ít. Từ ngày nâng cấp đường cao lên, cứ mưa xong là nước chảy từ hẻm ra như thác".
Đó là chia sẻ của độc giả Huy nhat trước tình trạng mưa lớn khiến nhiều nắp cống ở khu vực chợ Thủ Đức bung nắp, nước ngập sâu chiều 20/5. Điều đáng nói, đây là lần thứ hai chỉ trong vài ngày, nắp cống khu vực này bị bung sau mưa lớn dù hệ thống thoát nước địa bàn này vừa khánh thành hơn 20 ngày trước. Điều này đặt ra dấu hỏi cho công tác chống ngập của Thủ Đức nói riêng và TP HCM nói chung.
Đánh giá về nguyên nhân khiến khu vực chợ Thủ Đức ngập sâu sau cải tạo, bạn đọc Francesc Zuyet Awarmatik cho rằng: "Đây là hệ quả của việc đường Võ Văn Ngân cải tạo làm cống khiến cho nước thoát quá nhanh, dẫn đến việc hạ lưu (là chợ Thủ Đức) không thoát kịp, dẫn đến bung nắp cống. Vấn đề là con rạch ở chợ Thủ Đức không được khai thông nên mới dẫn đến ngập nặng".
Đồng quan điểm, độc giả Nguyenvinhtrang bổ sung: "Không ai làm cống đầu dốc có đường kính lớn mà nước đổ về cuối dốc lại để miệng cống đường kính nhỏ (cống cũ chưa làm). Như vậy thì đừng hỏi sao không ngập mới lạ".
>> 'Gò Vấp, Thủ Đức nâng đường cao mấy cũng không hết ngập'
Nói về thực trạng ngập úng tại khu vực chợ Thủ Đức, độc giả Bcc nếu giải pháp: "Cần thông con rạch Cầu Ngang chảy ra nhánh sông lớn. Vì mương rạch Cầu Ngang sức chứa nước chỉ được nhiêu đó mà dồn hết lượng nước từ Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân về rạch Cầu Ngang làm sao thoát nước kịp? Nước dâng lên chảy ngược ra vùng trũng là chợ Thủ Đức, Dương Văn Cam.
Chính quyền Thủ Đức chỉ mới giải quyết được phần ngọn (dẫn đường ống thoát nước đường Võ Văn Ngân đi âm dưới đất dẫn về Rạch Cầu Ngang, nước thoát đi nhanh hơn xuống khu trũng) chứ chưa giải quyết phần gốc là nước phải thoát được ra sông".
Trong khi đó, nhấn mạnh sự cần thiết của những giải pháp chống ngập đồng bộ, bạn đọc Jvtranusa kết lại: "Thành phố trước kia có những hồ để chứa nước tạm thời, giúp cống rãnh có thời gian thoát nước ra kênh rạch. Sau này, thành phố lấp hết để lấy đất bán thì không bị ngập lụt mới lạ. Cho dù thành phố nâng cấp cỡ nào cũng không giải được bài toán ngập lụt.
Cứ nhìn ở những nước phát triển, mỗi một khu dân cư đều có hồ chứa nước tạm thời. Cống rãnh của họ lớn đến mức xe hơi còn chạy được mà những cơn mưa lớn hàng tiếng đồng hồ vẫn có thể gây ngập, huống hồ là cống nhỏ như ở Việt Nam. Khi mở đường mới hay nâng cấp phải làm đường cống lớn và riêng với hệ thống cống cũ để giảm bớt quá tải khi hệ thống chưa đồng bộ. Đồng thời, phải luôn có công nhân môi trường đi vớt rác thường xuyên ở những nơi hố ga chính".
>> Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Đi xe máy than tắc đường, vứt rác xuống sông kêu ngập lụt'
- Nhà cửa ngổn ngang vì ôtô đánh sóng trên đường ngập
- Lay lắt chống ngập cho Hà Nội
- Chống ngập bằng giải pháp 'thuận tự nhiên'
- Loay hoay chống ngập thành phố
- Vòng luẩn quẩn 'đường nâng, nhà ngập'