Vùng Donbass từ lâu là điểm nóng trong căng thẳng biên giới giữa Nga và Ukraine. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn vào hôm qua, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập của vùng ly khai Donetsk và Lugansk tại miền đông Ukraine.
Đây là lần đầu tiên Nga tuyên bố không coi Donbass là một phần của Ukraine. Điều đó có thể mở đường cho Moskva gửi lực lượng quân sự vào các khu vực ly khai một cách công khai, với lập luận rằng họ đang can thiệp như một đồng minh để bảo vệ khu vực này.
Alexander Borodai, một thành viên của quốc hội Nga và cựu lãnh đạo chính trị Donetsk, tháng trước nói rằng phe ly khai sau đó sẽ tìm đến Nga để giúp họ giành quyền kiểm soát các khu vực của Donetsk và Luhansk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Nếu kịch bản này xảy ra, nó có thể dẫn đến xung đột quân đội giữa Nga và Ukraine.
Hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk, gọi chung là vùng Donbass, đã tách khỏi kiểm soát của chính phủ Ukraine vào năm 2014 và tự tuyên bố là "cộng hòa nhân dân" độc lập, dù không được công nhận. Kể từ đó, những cuộc giao tranh bùng phát trong khu vực này đã khiến hơn 14.000 người thiệt mạng. Nga phủ nhận tham gia vào xung đột, nhưng ủng hộ phe ly khai theo nhiều cách như hỗ trợ quân sự bí mật, hỗ trợ tài chính, cung cấp vaccine Covid-19 và cấp ít nhất 800.000 hộ chiếu.
Động thái công nhận của Nga cũng được cho "giết chết" thỏa thuận Minsk. Thỏa thuận Minsk được Bộ tứ Normandy, gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức, thúc đẩy tại thủ đô của Belarus năm 2015, nhằm kết thúc cuộc xung đột đẫm máu khi đó đã kéo dài 10 tháng ở miền đông Ukraine. Thỏa thuận kêu gọi mức độ tự trị lớn cho hai khu vực ly khai ở Ukraine. Dù chưa được các bên thực hiện đầy đủ, thỏa thuận Minsk đến nay vẫn được cho là con đường tốt nhất giúp thoát khủng hoảng Ukraine.
Tổng thống Putin xem người Nga và Ukraine là "một dân tộc". Ông viết trong một bài luận được chia sẻ trên trang web của Điện Kremlin vào tháng 7 năm ngoái rằng "chủ quyền thực sự của Ukraine chỉ có thể là hợp tác với Nga".
"Tôi xin nhấn mạnh lại lần nữa rằng Ukraine không chỉ là một nước láng giềng của chúng tôi. Đó là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa và tinh thần của chúng tôi", Putin nói trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 21/2. "Đây là những người đồng đội, người thân của chúng tôi. Giữa họ không chỉ là tình cảm đồng nghiệp, bạn bè mà là người thân, là gia đình có gắn bó máu thịt".
Cuộc điều tra dân số chính thức gần đây nhất vào năm 2001 cho thấy hơn một nửa dân số ở Crimea và Donetsk xác định tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ. Lực lượng ly khai đã tận dụng bản sắc khu vực đặc biệt của Donbass để thúc đẩy ủng hộ và hành động chống Kiev. Thông qua điều này, Moskva cũng tiếp tục đặt nền móng trong khu vực bằng cách cấp hộ chiếu, từ đó có thể gửi lực lượng tới bảo vệ người dân.
Theo một cuộc khảo sát được công bố vào năm 2021, hơn một nửa người ở khu vực ly khai muốn gia nhập Nga, dù có hoặc không có một số quyền tự trị.
Trước Donbass, Nga từng công nhận độc lập cho hai vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia ở Gruzia, sau một cuộc chiến 5 ngày vào năm 2008. Moskva đã cung cấp cho họ hỗ trợ ngân sách, cấp quốc tịch Nga cho người dân và đóng hàng nghìn binh sĩ tại đây.
Trong trường hợp của Gruzia, Nga đã sử dụng sự công nhận độc lập các khu vực ly khai để giải thích cho việc quân đội hiện diện ở một nước thuộc Liên Xô cũ. Mục tiêu của Nga là ngăn chặn vô thời hạn tham vọng gia nhập NATO của Gruzia bằng cách không cho nước này toàn quyền kiểm soát lãnh thổ. Tính toán tương tự cũng sẽ được áp dụng đối với Ukraine.
Moskva từ lâu xem Ukraine là vùng đệm của NATO, liên minh được thành lập năm 1949 để chống lại Liên Xô. Putin từ lâu nói rằng xu hướng mở rộng phạm vi về phía đông châu Âu có thể phạm vào "lằn ranh đỏ" của ông. Đồng thời, Putin cũng nhiều lần khẳng định một trong những điều kiện tháo ngòi nổ căng thẳng Ukraine là phương Tây phải đảm bảo chắc chắn Kiev không bao giờ trở thành thành viên liên minh.
"Tôi vẫn nghĩ mục tiêu chính của Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine là thách thức NATO và để xem liệu liên minh có chùn bước hay không", tướng về hưu Martin Dempsey, cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói. "Nhưng nếu ông ấy quyết định hành động, nhiều khả năng ông ấy sẽ đưa quân kiểm soát khu vực duyên hải phía đông Ukraine (giáp biển Azov) để tạo cầu nối đến bán đảo Crimea và cửa ngõ ra Biển Đen".
Trước khi ký sắc lệnh công nhận hai vùng ly khai, Putin từng nói toàn bộ Ukraine là "quốc gia do Nga tạo ra". Những động thái gần đây của Nga khiến không ít người lo ngại kịch bản Nga sẽ tiến hành cuộc tấn công tổng lực vào Ukraine. Đây là kịch bản đáng lo ngại nhất, nhưng cũng bị đánh giá là ít có khả năng xảy ra nhất, khi Nga tính toán đến những chi phí về tài chính, kinh tế và nhân lực của cuộc chiến.
"Tôi nghĩ Putin chắc chắn có đủ sức mạnh quân sự để tấn công Ukraine. Tôi cũng biết có tin tình báo về ý định này", tướng về hưu Joseph Ralston, cựu tư lệnh lực lượng NATO, nói. "Nhưng tôi cũng biết người Nga rất giỏi tung hỏa mù và tôi vẫn không tin kịch bản này sẽ diễn ra".
Xem thêm:
- Loạt trả đũa phương Tây có thể áp với Nga
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Tính toán khiến Mỹ liên tục cáo buộc Nga 'sắp tấn công Ukraine'
Thanh Tâm (Theo Washington Post, Reuters)