Tổng thống Vladimir Putin ngày 22/2 lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân đội vào lãnh thổ do lực lượng ly khai ở Ukraine kiểm soát. Quyết định được công bố vài giờ sau khi lãnh đạo Nga chính thức công nhận độc lập cho hai nước cộng hòa tự xưng ở các tỉnh Donetsk và Luhansk tại Donbass, miền đông Ukraine.
Điện Kremlin khẳng định Nga đã nỗ lực giải quyết vấn đề Donbass bằng giải pháp hòa bình trước khi quyết định đưa quân vào Donbass. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield lên án hành động của Nga "đang đe dọa trật tự quốc tế từ Thế chiến II với nguyên tắc một nước không được đơn phương vẽ lại biên giới của nước khác".
Nhà Trắng trước đó thông báo Tổng thống Joe Biden sẽ áp lệnh trừng phạt đối với mọi cá nhân làm ăn ở vùng do lực lượng ly khai Ukraine kiểm soát, đồng thời tuyên bố sẽ áp trừng phạt với Nga vào ngày 22/2.
Trừng phạt kinh tế
Theo John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine và hiện là giám đốc Trung tâm Á - Âu thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định những bước đi tiếp theo của Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu (EU) sẽ mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cục diện địa chính trị khu vực.
Herbst cho rằng các đề xuất và diễn biến ở Ukraine cho thấy Tổng thống Nga không dễ dàng hài lòng với thỏa hiệp ở riêng Ukraine, mà ông còn có mong muốn khôi phục sức ảnh hưởng của Nga ở các nước từng thuộc Liên Xô lẫn khối Warsaw trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh.
"Nếu phản ứng của phương Tây chỉ mang tính hình thức, ông Putin sẽ nhận ra yếu điểm và tiếp tục leo thang. Phương Tây phải phản ứng ngay. Điều đó đồng nghĩa trừng phạt tức thời và mạnh tay", ông nhấn mạnh.
Ông cho rằng Mỹ không thể dừng với lệnh trừng phạt các vùng ly khai của Ukraine. Mục tiêu trừng phạt hợp lý nhất tiếp theo đối với phương Tây sẽ là Dòng chảy Phương bắc 2, dự án đường ống khí đốt và dầu mỏ từ Nga đến Đức.
Michael Bociurkiw, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Á - Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định phương Tây có thể ngay lập tức sử dụng những "phương án hạt nhân" trong tay. Mỹ cùng châu Âu có thể mở đầu bằng cách tước quyền sử dụng sân bay cho các hãng hàng không Nga, trong đó có hãng hàng không quốc gia Aeroflot.
Khai tử dự án Dòng chảy Phương bắc 2 cũng nằm trong phạm vi cân nhắc, nhưng khả năng thành công không quá cao do phụ thuộc vào ý chí chính trị ở châu Âu, đặc biệt là Đức.
"Mỹ cần thể hiện rõ sẵn sàng tung thêm những lệnh trừng phạt với tác động nghiêm trọng hơn nữa nếu Moskva mở đợt tiến công quy mô lớn. Trong loạt trừng phạt này, Mỹ cần nhắm đến thị trường nợ thứ cấp của Nga và không thể loại trừ phương án khai trừ Nga khỏi hệ thống tài chính SWIFT (Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế)", Herbst đánh giá.
Đánh vào nhóm thân cận Kremlin
Nếu phương Tây chưa thể chấp nhận hy sinh an ninh năng lượng để răn đe, Hersbt bình luận Mỹ phải trừng phạt ít nhất một ngân hàng lớn của Nga, cùng với một số cá nhân giữ vị trí quan trọng và thân thiết với Tổng thống Putin.
Arun Iyer, nghiên cứu viên Trung tâm Scowcroft về Chiến lược và An ninh thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng phương Tây cần có những biện pháp đặc biệt đối với chiến thuật "vùng xám" mà Nga đang theo đuổi, song song với các phương án phản ứng truyền thống.
"Một trong nhiều phương án có thể cân nhắc là trừng phạt các nhà tài phiệt thân thiết với Tổng thống Putin, bao gồm một loạt biện pháp chế tài cá nhân, tịch thu tài sản, hạn chế đi lại, đóng băng tài khoản và cấm tiếp cận mọi lợi ích mà những nhà tài phiệt này cùng gia đình họ đang được hưởng ở phương Tây", Iyer nhận định.
Bà dự đoán cách phản ứng quyết liệt này sẽ buộc những người ủng hộ Tổng thống Putin trong giới tinh hoa Nga phải chú ý đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Phương Tây có thể tận dụng thêm sức ảnh hưởng từ giới quyền thế ở Nga để thuyết phục lãnh đạo nước này "hành xử trong khuôn khổ chuẩn mực quốc tế".
"Mỹ có nhiều phương án cân nhắc nhưng họ cần đánh trúng yếu huyệt hiệu quả nếu muốn còn cơ hội ổn định tình hình", Iyer nhận định.
Bociurkiw cũng đề xuất chính phủ Anh có chiến lược tương tự và áp lệnh trừng phạt đối với khoảng 2.500 công dân Nga đã có hộ chiếu Anh thông qua hình thức đầu tư.
Hiện diện quân sự nhiều rủi ro
Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần khẳng định ông không chấp nhận đưa lực lượng Mỹ vào Ukraine tham chiến trong kịch bản nước này xảy ra xung đột vũ trang với Nga.
Theo cựu đại sứ Mỹ John Herbst, NATO có thể gửi thêm lực lượng và vũ khí, khí tài đến sườn đông của liên minh quân sự để gia tăng sức ép đối với Moskva, thể hiện rõ quyết tâm an ninh và cam kết với đồng minh cùng đối tác.
Herbst nhận định Lầu Năm Góc có thể cân nhắc phương án can thiệp ôn hòa hơn tại Ukraine. Thay vì triển khai lực lượng hỗ trợ trực tiếp trên lãnh thổ và tự đặt mình vào nguy cơ tham chiến, Mỹ mở chiến dịch sơ tán công dân. Hàng nghìn công dân Mỹ có khả năng kẹt lại Ukraine nếu quân đội Nga mở rộng phạm vi hoạt động vượt khỏi ranh giới lực lượng ly khai ở Donbass.
"Quân đội Mỹ đã rất nhiều lần giải cứu công dân ở những vùng nguy hiểm. Một chiến dịch tương tự có thể ngáng chân các tính toán của Nga", cựu đại sứ đề xuất.
Trong khi đó, trả lời đài truyền hình NBC vào đầu tháng này, Tổng thống Biden kêu gọi công dân Mỹ tự túc rời khỏi lãnh thổ Ukraine và đừng chủ quan chờ Lầu Năm Góc điều động quân đội mở chiến dịch giải cứu. Ông lo ngại hiện diện quân sự Mỹ ở Ukraine dưới bất kỳ hình thức nào cũng có rủi ro đụng độ lực lượng Nga một khi xung đột vũ trang diễn ra, kéo theo hệ quả khó lường về xung đột quân sự giữa hai cường quốc.
Giới quan sát nhận định ông Biden không muốn tái diễn chiến dịch sơ tán hỗn loạn và nhiều rủi ro như ở Afghanistnan. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói Mỹ "hiếm khi tổ chức sơ tán hàng loạt" và tình huống ở Afghanistan vào năm ngoái "mang tính đặc thù".
Khi đã loại bỏ phương án đưa quân vào Ukraine, Mỹ không còn nhiều lựa chọn quân sự khác cho cuộc khủng hoảng quân sự. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan giữa tháng một cho biết hỗ trợ quốc phòng đến Ukraine sẽ tăng vọt trong kịch bản chiến tranh, giúp đối tác "bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền", nhưng ông không tiết lộ cụ thể kế hoạch của Mỹ.
Nhà khoa học chính trị Seth Jones cùng Philip Wasielewski, cựu chuyên viên bán quân sự thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) của Mỹ, cho rằng Washington có thể cân nhắc hỗ trợ miễn phí cho Ukraine hàng loạt trang thiết bị, trong đó có vũ khí phòng không, chống tăng, chống hạm, chiến tranh điện tử và phòng thủ mạng, cũng như đạn dược cùng các vũ khí bộ binh. Những đợt tiếp viện có thể được chuyển giao bằng kênh hợp tác quốc phòng chính thức hoặc một chiến dịch bí mật do CIA tổ chức.
"Mỹ và NATO cần sẵn sàng hỗ trợ dài hạn cho cuộc kháng chiến của Ukraine, dù nỗ lực đó diễn ra theo bất kỳ hình thái nào", hai chuyên gia nhận định trong bài phân tích gửi Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS).
Xem thêm:
- Công nhận vùng ly khai Ukraine, Putin muốn gì?
-5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
-Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
-Tính toán khiến Mỹ liên tục cáo buộc Nga 'sắp tấn công Ukraine'
Thanh Danh