Trước thông tin Mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ được thay đổi từ đầu năm tới, VnExpress đã nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau từ cả người lao động lẫn doanh nghiệp.
Cụ thể, từ 1/1/2016 đến hết năm 2017, đóng BHXH dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Từ 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Người lao động sẽ đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%, chiếm 26% lương hàng tháng.
Trong khi Trưởng ban thu BHXH Việt Nam, ông Trần Đình Liêu cho rằng, với cách tính trên, quyền lợi của người lao động sẽ tăng, thế nhưng, có rất nhiều ý kiến lại không đồng tình vì có một loạt những lo sợ, thắc mắc được đặt ra.
Lương tụt giảm, phụ cấp bị cắt
Với tư cách vừa là người lao động, vừa là chủ doanh nghiệp, bạn đọc nickname hluongks chia sẻ: "cơ quan bảo hiểm đừng nghĩ rằng người lao động chỉ phải đóng 8% mà nên nghĩ ngược lại là 18% vì chi phí BHXH nộp cho người lao động cũng chỉ lấy từ sức lao động của họ là chính. Tôi là lãnh đạo doanh nghiệp thì tôi muốn thế. Chỉ khi doanh nghiệp chỉ góp vào 8% thậm chí là thấp hơn nữa thì họ mới đảm bảo việc đóng bảo hiểm để động viên và giữ chân người lao động".
Với thực tế đó, anh Cờ Trịnh Văn tính toán, lương anh 6 triệu đồng, sau khi đóng 8% (480.000) đồng, thực lĩnh là 5.520.000 đồng. Nhưng nếu 18% (1.080.000 đồng) doanh nghiệp bắt anh phải chịu thì lương chỉ còn nhận được 4.440.000 đồng, không đủ sống.
Thêm nữa, trước đây đóng bảo hiểm theo lương cơ bản doanh nghiệp chỉ mất ít tiền mà họ còn không đóng. Giờ đóng theo lương cơ bản + phụ cấp thì chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên dẫn đến các khoản phụ cấp của người lao động sẽ bị cắt bỏ.
"Cộng cả BHXH, BHYT, rồi thuế thu nhập cá nhân, ủng hộ quỹ nọ, đóng góp quỹ kia, người nghèo, bão lụt, đồng đội, nhà tình thương, khuyến học, phụ nữ, phụ lão, đến cả quỹ tổ dân phố… chúng tôi còn tiền đâu mà nuôi cha mẹ già, con thơ?”, độc giả Thuonghai319 viết. Nhiều bạn đọc đồng tình với ý kiến này.
Tăng bảo hiểm, chất lượng dịch vụ BHXH có tăng?
Một chủ doanh nghiệp chia sẻ: "Khi tôi cho cán bộ lên làm việc với BH, họ yêu cầu đóng hết tất cả rồi mới chốt sổ cho từng cá nhân (thậm chí cả những người đã chấm dứt hợp đồng lao động). Hiện tại doanh nghiệp tôi đang nợ tiền BH, cần chốt sổ để một số nhân viên đi làm nơi khác mà rất bế tắc".
Đối với người lao động, khi có sự cố đi đòi quyền lợi thì có người bị nhân viên BHXH "hạch sách các kiểu". Bạn hongnguyen84 nói đến trường hợp xấu là tử tuất như một đồng nghiệp của mình, thủ tục lấy được 24 tháng lương tối thiểu kéo dài quá lâu.
“BHXH cần thực hiện việc thanh toán bảo hiểm thất nghiệp hay trợ cấp xã hội một cách nhanh gọn, tại sao không chuyển khoản ngân hàng mà phải bắt người lao động phải tới lấy, rồi tới uỷ ban xã lấy (nhận thất nghiệp), còn nhận tiền trợ cấp xã hội - tới ngày là ra xã đông nghẹt để chờ cán bộ bảo hiểm đưa từng cục tiền, quá rắc rối”, bạn Phuocle2201 chia sẻ.
Đóng BHXH, tương lai có được bảo đảm?
Với mức chi trả của BHXH hiện nay nhiều bạn đọc hoài nghi việc tăng mức đóng có giúp cho cuộc sống tương lai của họ được đảm bảo khi về hưu.
Bạn Lụa đặt câu hỏi: "Tại sao dân ta lại ngại đóng đúng theo thu nhập và tìm mọi cách né tránh, đóng càng ít càng tốt. Vì nước ta lạm phát cao, hàng năm lạm phát 6-12%. Đóng BHXH mà không biết tương lai mình được bảo hộ ra sao, nhận lương thế nào, có tính tiền theo chỉ số lạm phát không?". Độc giả này đề nghị nên công bố công khai mỗi năm, ví dụ: lạm phát 7%, hàng tháng đóng 2 triệu đồng BHXH thì 30 năm sau người lao động được gì?
Một số ý kiến cho rằng BHXH cần tính trượt giá cho người lao động. “Ví dụ: 10 năm trước lương cơ bản là 120.000 đồng, với hệ số 3 thì lương là 360.000 đồng, họ nộp bảo hiểm 6% là 21.600 đồng. Khi đó người lao động làm liên doanh hoặc tư nhân, lương 3,6 triệu đồng, họ đóng 210.600 đồng, tương đương với hệ số 30. Nhưng nay với mức lương như vậy chỉ tương đương hơn hệ số 3 thôi, nếu tính lương hưu thì lại quá thiệt thòi”, thành viên Vietnd.ptn bình luận.
Nộp bảo hiểm ngắn hạn có được nhận lương hưu?
Nhiều ý kiến độc giả lo ngại liệu có mất trắng khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội hoặc vì lý do cá nhân họ không thể tiếp tục đóng BHXH?
Độc giả Ngọ Phương chia sẻ đã nghỉ việc 4 năm nay rồi. Anh không thể nào lấy được sổ bảo hiểm, vì lý do công ty cũ nợ bảo hiểm. "Tôi nghỉ việc cũng không có bảo hiểm thất nghiệp, giờ công ty cũ của tôi lách luật, giải thể lấy tên khác. Xin hỏi các anh chị các bạn hiểu biết cho tôi lời khuyên làm sao có thể lấy lại được bảo hiểm đó. Tôi làm việc gần 4 năm ở công ty này + 3 năm ở một công ty khác cộng dồn".
Ngoài ra, còn có những ý kiến góp ý BHXH không nên bắt buộc và thủ tục nhận thanh toán bảo hiểm cũng quá rắc rối. Theo Nickname Nhan thì: “Mục đích của việc đóng BHXH là để về già có tiền xài thôi. Người lao động phải đóng hàng tháng mấy %, tại sao không cho người lao động gửi tiết kiệm vào ngân hàng hàng tháng của số % đó cộng % doanh nghiệp đóng, khi người lao động cần tiền có thể lấy ngay". Bạn đọc tên Linh cũng không đồng ý với việc tăng BHXH và cho rằng, phần tiền đó doanh nghiệp sẽ chi trả cho người lao động. Người lao động có thể dùng những cách tiết kiệm khác”. “Có nhiều cách để người lao động tích luỹ cho tuổi già, không nhất thiết phải đóng BHXH cao ngất ngưởng như vậy”, nickname Người thu nhập thấp bình luận.
Để kết thúc những ý kiến phản đối, thành viên Nguyễn Hưng đã đưa ra một câu hỏi: “Có bao nhiêu người chúng ta biết rằng mức đóng BHXH ở Thái lan là 10% (doanh nghiệp đóng 5% và người lao động đóng 5%). Nếu bạn là ông chủ người nước ngoài thì bạn muốn đầu tư vào đâu?”.
>> Xem thêm: 18.750 đồng cho ca trực bác sĩ vùng cao, nỗi khó này ai hiểu?
Tôi phải đóng 11.000 đôla phí bảo hiểm y tế mỗi năm ở Mỹ
Con số gần 247 triệu đồng ấy không hề rẻ, ngay cả khi so với thu nhập bình quân đầu người của Mỹ - khoảng 1/4 mỗi năm. |
Chia sẻ những hình ảnh, bài viết của bạn tại đây.