- Tết cổ truyền và vấn nạn xả rác
- Bơi 6 giờ trên kênh 'đen' Nhiêu Lộc để kêu gọi không xả rác
- Sài Gòn ngập nước vì bị nhiều người xả rác
Nhà tôi ngay gần một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), sáng nào mở cửa đi làm là lại thấy ngay đủ thứ rác trước cổng, nào là vỏ hộp sữa, vỏ bánh mì, túi nilon, giấy ăn, thức ăn thừa rơi vãi khắp dọc đường vào trường.
Sáng sớm, nhiều học sinh được bố mẹ đưa đi học, có thể là do thói quen hoặc do dậy muộn nên nhiều em vừa ngồi sau xe, vừa tranh thủ ăn sáng, uống sữa. Sau đó, rất nhiều rác, giấy, bọc đồ ăn rơi tự do ngay xuống lòng đường.
Đến đoạn đường gần cổng trường, mật độ xả rác trở nên dày đặc hơn. Tuy nhiên, chỉ ngoài cổng trường mới có rác bừa bãi, còn trong khuôn viên nhà trường lại rất sạch sẽ. Bởi, nếu nhà trường bắt gặp, các em sẽ bị hạ bậc hạnh kiểm, vì thế không em nào dám vứt rác bừa bãi trong trường.
Phụ huynh cũng có nhiều người không khá hơn trẻ con về khoản xả rác. Họ vừa đi, vừa ăn sáng cho kịp đến công ty đúng giờ và rồi túi nilon, giấy ăn... cũng được ném ngay xuống lòng đường.
Bực nhất là đi sau những người vừa chạy xe máy, vừa phì phèo điếu thuốc lá. Không biết là do nghiện hay thích thể hiện ta đây mà lúc nào họ cũng phải dính điếu thuốc trên miệng.
Hậu quả là khói thuốc, tàn thuốc cứ thế bay thẳng vào mắt, mặt những người đi sau. Còn mẩu thuốc, vỏ hộp cũng được họ vô tư xả thẳng xuống đường, bất kể là đi xe máy hay ôtô.
Thế nhưng, bẩn nhất phải kể đến những người sẵn sàng khạc nhổ ngay ngoài đường khi có nhu cầu, không cần biết là ở đâu, không cần biết phía sau có ai. Hành động này rất vô ý thức và mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường và dễ bị các bệnh qua đường hô hấp.
Bên cạnh đó, các cửa hàng ăn dọc hai bên đường cũng xả rác nhiều không kém. Sau khi hết khách, họ nhanh chóng quét dọn cho sạch sẽ. Người lịch sự sẽ dồn rác vào túi nilon rồi để ra mép vỉa hè, còn quán nào vội thì quét luôn rác xuống lòng đường, gốc cây, cột điện gì đó cho nhanh.
Kể cả các bà nội trợ ở nhà, sau khi dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ nấu ăn xong, cũng tranh thủ xả rác ra khỏi nhà mình. Vậy là các mép hè, lòng đường từ sáng đã bất đắc dĩ trở thành nơi tập kết rác tạm thời.
Buổi chiều, các máy nước mía được người bán cố tình đẩy ra sát mép vỉa hè để tiện phục vụ người dân. Rồi thì cốc nhựa, ống hút, kèm theo bã mía sẽ bị người mua lẫn người bán ném thẳng xuống lòng, lề đường.
Với tốc độ xả rác một cách vô tư như vậy thì khổ nhất chính là những người lao công, họ phải làm từ sáng đến 9h hoặc10h tối mới hết việc. Những chiếc xe rác được đẩy trên đường vào giờ cao điểm khiến mọi người cảm thấy khó chịu, dù vậy, chúng ta cũng cần phải thông cảm với nhiệm vụ và trách nhiệm của họ.
Có trách thì nên trách những người thích vứt rác bừa bãi mọi lúc, mọi nơi. Thậm chí, sẽ có nhiều người giữ lối tư duy: “Tôi đã đóng tiền vệ sinh rồi thì cứ xả rác thoải mái” hay “không xả rác thì các chị lấy đâu việc mà làm”. Nếu cứ nghĩ như vậy thì không biết đến bao giờ xã hội chúng ta mới văn minh, lịch sự được.
Việc một số học sinh chỉ vứt rác ngoài đường, ngoài cổng trường mà không phải là trong trường, chứng tỏ các em vẫn ý thức, biết được mình nên vứt rác ở đâu. Qua đó ta thấy, hệ thống giáo dục đi kèm với những hình thức xử phạt hợp lý đã có hiệu quả, giúp các em học sinh biết phải bỏ rác vào đâu là đúng, là bảo vệ môi trường.
Câu hỏi đặt ra là vì sao ở ngoài trường, một số em vẫn vứt rác bừa bãi? Do thiếu thùng rác, vội vào lớp hay là nhà trường chưa truyền đạt thấu đáo cho các em về việc bảo vệ môi trường? Phải chăng giáo dục đang thiếu đi sự kết hợp, giám sát, xử lý giữa nhà trường và xã hội?
Chúng ta có thể nhận thấy vai trò quan trọng của những người làm cha, làm mẹ ở đây, phụ huynh phải tiếp tục là những người thày, người cô giúp con em chúng ta hoàn thiện thành con người văn minh, lịch sự.
Hãy hành động từ những việc nhỏ nhất như nhắc nhở các em biết bỏ rác đúng nơi quy định, ngồi sau xe ăn xong vẫn phải cầm vỏ, giấy trên tay, đợi đến nơi có thùng rác mới được bỏ vào, hoặc cho gọn vào túi nhờ bố mẹ vứt hộ.
Có lần đi công tác ở Đà Nẵng, tôi chứng kiến một bà mẹ đã đỗ xe để quay lại nhặt vỏ hộp sữa mà đứa bé (chắc là mới đang đi học mẫu giáo) uống xong tiện tay ném xuống đường. Việc làm gương, luôn nhắc nhở trẻ, sẽ dần dần giúp chúng có ý thức bảo vệ môi trường cho chính cuộc sống của các em sau này.
Chúng ta đã có luật và những quy định xử phạt về các hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, vứt rác bừa bãi, nhưng tiếc là luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. Dân có nhiều người biết luật, hiểu luật, còn chính quyền thì thiếu người tuyên truyền, giám sát, xử lý.
Mong rằng Hà Nội sớm có những quyết sách thiết thực, thực thi quyết liệt giống như Singapore với những mức xử phạt nặng, kèm các hình thức lao động công ích vì môi trường đối với những người xả rác bừa bãi. Nếu làm được vậy, Hà Nội mới sớm có thể thay đổi được vấn nạn này.
Rác thải của dân thành phố rất bẩn và hôi. Những xe chở rác chảy nước bẩn ròng ròng trên đường, khi bắt gặp chúng, mọi người đều cố nín thở và đi qua cho nhanh.
Tôi còn nhớ cách đây vài năm, Hà Nội cũng đã từng có chiến dịch tuyên truyền về phân loại rác, cũng đã có những thùng rác đôi xanh, vàng khác nhau để người dân phân loại rác vô cơ, hữu cơ nhưng hiệu quả đạt được chưa cao.
Hy vọng rằng trong tương lai, việc xử lý rác và thu gom rác sẽ được nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm, đầu tư hơn. Các loại rác ướt, đặc biệt là thức ăn thừa có thể sẽ được xử lý ngay trong nhà bếp.
Rác sẽ được nghiền nát và thải cùng hệ thống nhà vệ sinh, chỉ còn rác khô và “sạch” đã phân loại, đóng trong các túi nilon thân thiện với môi trường và xe thu gom đi xử lý một cách nhanh gọn nhất.
Thực tế cho thấy, mỗi khi môi trường Hà Nội có vấn đề như các ao hồ, con sông ô nhiễm nặng hay công viên, đường phố nào quá nhiều rác... thì Hà Nội rất hay tổ chức các phong trào ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Tôi cho rằng, chúng ta thích đi giải quyết hậu quả hơn là thay đổi nguyên nhân, và kết quả là chuyện "bẩn rồi dọn" cứ thế lặp lại. Tại sao mọi người không tích cực tổ chức tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu về bảo vệ môi trường, đừng vứt rác, khạc nhổ bừa bãi?
Những vấn đề về nâng cao ý thức người tham gia giao thông, hay trật tự và văn minh đô thị, thời gian gần đây Hà Nội đã làm khá tốt. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông tôi thiết nghĩ việc tuyên truyền, giáo dục cho người dân cùng bảo vệ môi trường cũng sẽ được Hà Nội triển khai, xứng đáng là thành phố xanh - sạch - đẹp, hào hoa và thanh lịch.
>> Xem thêm: Trống đồng chứa đầy rác ở công viên 30/4
'Không nên nhận tờ rơi ở các ngã tư đường' |
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống tại đây.