Cuộc đời này luôn có nhiều ý nghĩa, nhưng người ta chỉ được nhận những điều giá trị đó khi thực sự muốn hiểu cuộc đời. Tôi vẫn biết trước rằng, chuyển đến một thành phố khác để sống sẽ có nhiều chuyện mới lạ để khám phá. Vẫn biết sẽ ngẫm nghĩ, vỡ lẽ không ít điều bằng sự quan sát, cảm nhận mỗi ngày khi qua Nhật, nhưng tôi vẫn không thể ngờ rằng, mình đã được nước Nhật mở rộng nhận thức đến thế.
Trước khi sang xứ sở hoa anh đào du học, tôi đã từng đến nơi đây hai lần. Sáu năm trước là giao lưu văn hoá theo chương trình tài trợ của chính phủ Nhật, năm ngoái là đi du lịch. Dù không nhiều nhưng tôi cũng từng được trải nghiệm dịch vụ ở những thành phố tại các thời điểm khác nhau và đều có nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Chẳng hạn năm ngoái đi du lịch, khi ngang qua những gian hàng bán đồng hồ, trang sức cao cấp trong trung tâm thương mại, tôi thấy nhân viên đứng thành hai hàng, dọc lối đi và cúi đầu nói xin chào, tươi tắn mời vào. Họ hô đồng thanh, không có cảnh hàng bên này lôi kéo, giành khách với hàng bên kia. Vì nếu tranh nhau, họ đã không có sự đồng thanh như vậy.
Có lẽ đối với người Nhật, khách hàng là khách chung. Họ tôn trọng sự chọn lựa của người mua. Nhiệm vụ của họ là tư vấn và bán hàng, nhưng dựa trên sự yêu thích của khách hàng trước hết.
Đến quầy hoàn thuế cho khách du lịch, tôi thấy thắc mắc ở chỗ, người ta phải trả lại một phần tiền cho mình sau khi mua sắm, vậy mà tại sao nhân viên thuế có thể vui vẻ cúi đầu cảm ơn và đồng loạt đứng dậy chào tạm biệt mỗi khi có một vị khách kéo ghế rời đi?
Tôi cũng đã từng thắc mắc tại sao nhân viên bán hàng có thể nhiệt tình quỳ xuống cài dây giầy cho khách mà chưa biết chắc chắn rằng họ có bỏ tiền ra mua? Vì quá bối rối nên dù đôi giầy đó chưa hẳn vừa chân, tôi vẫn mua, vì tôi biết điều đó xứng đáng với giá trị của đồng tiền mà mình bỏ công, bỏ trí ra kiếm.
Sống ở Nhật, thấy người lao động sáng tạo chuyển sang tạm thời lao động chân tay trước khi đủ năng lực để tìm kiếm công việc phù hợp mục tiêu, tôi dần hiểu mùi vị đồng tiền không chỉ là mồ hôi, nước mắt, là những ngày chạy dự án, những đêm thức làm việc mà còn có mùi vị của dầu mỡ, xà phòng, đồ ăn, đồ uống, thậm chí xăng dầu, nước hoa… đủ cả.
Vì cuộc đời là những tương phản trong những kết nối liên quan. Nhưng dù đồng tiền có mùi vị gì, ở Nhật - người bán, người mua, chủ quán, khách hàng khi trả tiền, nhận tiền đều cẩn thận, chậm rãi, tỉ mẩn làm phẳng phiu từng mép góc của tờ tiền, trân trọng đếm từng xu.
Hai bên nói lời cảm ơn lẫn nhau, mỉm cười tươi tắn như sự đánh dấu một cuộc mua bán mãn nguyện. Thậm chí, nhiều nơi nhân viên còn cúi đầu và nhìn theo khách cho đến lúc khách đi xa hẳn từ cánh cửa.
Với đại đa số các dịch vụ, kể cả có nơi sản phẩm chưa hẳn nổi bật hoặc hấp dẫn, cảm tình từ nhân viên đến quản lý đã kéo, giữ khách và để khách quay lại. Từ nhà hàng, đến quán ăn bình dân, từ siêu thị đến tạp hóa nhỏ, bạn sẽ thấy rất nhiều sự niềm nở ở đây.
Người Nhật trân trọng đồng tiền, cũng như họ xem trọng công sức người kiếm ra và trân trọng cả công sức của chính mình vì nhận được. Đấy cũng là trân trọng lẫn nhau.
Ở Nhật, khách hàng nghĩa là khách hàng, không quan tâm họ là ai, có bao nhiêu tiền, thậm chí người đó có đủ tiền để mua đồ hay sử dụng dịch vụ không. Như một lần mua đồ ăn vặt ở một cửa hàng gần nhà, tôi nhặt đồ và cho vào giỏ, đến lúc tính tiền, đổ hết túi đựng tiền xu lẻng xẻng ra đếm thì không đủ tiền.
Tôi chẳng biết làm thế nào, không mua nữa thì ngại, mà bỏ đồ lại đi ngược về nhà lấy tiền cũng mất công, thì chị thu ngân đã vui vẻ cười tươi gợi ý tôi thích nhất món đồ nào thì lấy, còn lại thì trả, để lần khác mua.
Tôi xin lỗi rồi cảm ơn rối rít, chị ấy thì lắc đầu rồi luôn miệng niềm nở bảo không có gì đâu rồi in lại tờ hóa đơn khác. Người ta vẫn sử dụng thái độ tốt nhất để dành cho khách hàng.
Hoặc một lần khác, tôi quên không mang theo tiền nên đường về nhà từ ga này đến ga nọ bị thiếu mất một Yen (100 Yên khoảng 17.500 đồng), nên không thể mua vé.
Ở Nhật, khi sử dụng dịch vụ công cộng, một xu bạn trả thừa, người ta cũng mở máy ra, moi lấy vé và trả lại tiền mặt cho bạn. Cũng vì thế, một xu bạn cũng không thiếu được với nước Nhật. Nhưng bạn hoàn toàn được nợ. Đó là một trải nghiệm bất ngờ nhưng nhờ đó mà tôi nhận được nhiều ý nghĩa.
Người Nhật tự trọng đến nỗi họ kì vọng người khác cũng vậy, và đối xử với tất cả mọi người bằng tất cả tự trọng. Một yen, cách giải quyết đơn giản là ai đó “giúp” bằng cách “cho”. Nhưng không, bởi vì họ biết tôi không muốn “xin”, tôi cần được hướng dẫn để tự giải quyết vấn đề, thế nên mới được chứng kiến sự thú vị của bức thư ngắn viết trong một mẩu giấy nhỏ giữa hai ông trưởng ga.
Tôi bỗng trở thành một người đưa thư từ ga này đến ga khác, đại ý bức thư là, tôi - người của nhà ga này, gửi đến anh ở nhà ga kia, hôm nay vị khách này bị thiếu mất một yen, xin hãy giúp cô ấy qua cửa soát vé. Ký tên…
Đến ga nhà tôi, gửi bức thư và hẹn ngày trả lại một yen, người ta vẫn cúi đầu cảm ơn. Một yen đó, tôi có thể không trả, vì ai biết tôi ở đâu mà đòi, nhưng tôi cần phải trả ngay một yen vì những gì tôi đã được dạy về lòng tự trọng của con người. Và về sự giúp đỡ của người đối với người đều cần phải tỉnh táo, không phải cứ cho là luôn tốt với người nhận.
Hoặc như đêm hôm trước, khi ghé vào một cửa hàng tiện lợi để mua một cái bánh ít tiền, nhưng trên tay tôi cầm vỏ và que kem vừa ăn xong vì đang đợi tìm được thùng rác để vứt thì cô nhân viên bán hàng đã lịch sự hỏi, bạn có cần giấy ướt lau tay không, tôi xin vứt rác cho bạn nhé. Đáng lẽ họ có thể để tôi tự mua giấy lau tay, hoặc kệ tôi xử lý rác, nhưng cách mà họ chọn lựa để cung cấp dịch vụ đã khác.
Những cây cột có thùng gỗ nhỏ đựng thức ăn của cá, với giá 100 yen để du khách tự mua, tự trả tiền, không có người bán. Những thẻ gỗ, quà lưu niệm linh vật tượng trưng trong các ngôi đền không cần người trông. Ý thức hoàn toàn ở người mua là những hình ảnh rất dễ bắt gặp ở Nhật. Nước Nhật thực sự còn có rất nhiều điều, dù tốt hay không, rất đáng để thấu hiểu và ngẫm nghĩ.
>> Xem thêm: Người Việt tuy nghèo nhưng sĩ diện với tiền lẻ
Bát cơm chan đầy nước mắt' của du học sinh Nhật
Nhiều bậc phụ huynh được các công ty môi giới vẽ ra tương lai màu hồng nên vay tiền ngân hàng cho con du học, họ đâu biết rằng một số con em mình sống như địa ngục ở Nhật. |
Chia sẻ những hình ảnh, bài viết của bạn tại đây.