Việc bác sĩ vòi tiền, nặng lời quát tháo, ăn nói khó nghe, làm việc cẩu thả... vẫn có thể xảy ra đâu đó quanh ta. Nhiều người cho rằng những điều trên chỉ diễn ra ở một bộ phận, có kẻ nói bác sĩ nào cũng thế, đồng thời, tình trạng này chỉ tăng chứ không giảm.
Vì bức xúc, người bệnh đã "tìm ra" giải pháp là... đánh. Chuyện bác sĩ bị đánh, từ hội đồng, đâm dao, đến vài cái tát, đấm đá... diễn ra liên tục. Việc lớn thì lên báo, ra toà, việc nhỏ đành thôi.
Bác sĩ ra sức kêu gọi thông cảm, bệnh nhân và người nhà thì lớn giọng trên các phương tiện truyền thông là có nhiều bác sĩ "đáng bị đánh". Trong khi đó, thứ gọi là "tiêu cực" trong ngành y vẫn tiếp tục diễn ra và chỉ tăng chứ không giảm.
Các bác sĩ ở bệnh viện công được trả lương quá thấp so với mặt bằng tiêu dùng trong xã hội. Tiền là gốc rễ của hầu hết mọi vấn đề, nhất là khi nó có liên quan tới dịch vụ.
(Xem thêm: Bác sĩ từ chức vì 'giẫm chân lên giường bệnh nhân' )
Các bác sĩ giống mọi người, đều phải ăn uống, mặc áo, đi lại, nuôi con và vô số các vấn đề khác. Họ phải chịu cảnh lương thấp nhưng phải "như mẹ hiền", "xả thân phục vụ". Chiếc phong bì được đưa ra, nhanh chóng trở thành nhân tố quyết định.
Xã hội nói chung dường như đang bỏ quên đồng tiền trong một bài toán mà tiền là ẩn số. Ở các nước phát triển, bác sĩ phục vụ tốt thật, nhưng cái giá là bao nhiêu? Tôi đã "thưởng thức" qua bệnh viện ở Úc và ở Mỹ.
Ở Úc, mọi công dân đều được chăm sóc sức khoẻ miễn phí nhưng người dân phải đóng thuế rất cao để có thể được như vậy. Bác sĩ học 6 năm ra sẽ đạt mức lương khoảng vài trăm nghìn đô.
Ai muốn chơi sang thì có thể mua thêm bảo hiểm tư. Tôi không may phải vào viện tư ở Úc một lần, nhưng đã khoẻ, chi phí cao ngút ngàn.
Bác sĩ ở đây đi xe BMW đậu chỗ ưu tiên để khám bệnh, ăn nói rất dịu dàng và sẵn sàng dành cả giờ đồng hồ để nói với mẹ tôi về bệnh tình của tôi (dù chẳng nặng lắm), tất nhiên là có tính phí, hình như khoảng 500 AUD cho một giờ. Trách nhiệm giải thích về bệnh tình cho người nhà như thế là trọn vẹn.
Ở Mỹ, hệ thống chăm sóc y tế có cả công lẫn tư, nhưng bệnh viện công ít hơn. Chỉ người nghèo có trẻ em sống chung hay già mới có chế độ của chính phủ, còn lại đều phải mua bảo hiểm tư.
Bác sĩ chăm sóc tốt và tất nhiên là với một giá tiền không hề rẻ. Tiền bác sĩ ở Mỹ tốn kém hơn ở Úc, cho dù nhiều người có bảo hiểm thì nguyên nhân gây phá sản hàng đầu ở Mỹ vẫn là chi phí y tế.
Tôi có tính mạo hiểm trong ăn uống, dù hay bị dị ứng. Một lần ăn thịt cá sấu ở Mỹ khiến tôi bị dị ứng nặng, phải vào phòng khẩn cấp lúc 2h sáng, vì tôi sợ bị khó thở dẫn đến biến chứng.
Lúc đó, phải gặp "triage nurse" để phân loại bệnh nặng nhẹ. Tôi chưa khó thở nên thuộc loại nhẹ, phải ngồi ghế trong khi cả người phát ban. Họ hướng dẫn tôi nếu khó thở phải báo ngay.
Tôi ngồi như vậy tới 5h sáng thì có bác sĩ tới thăm, ngó qua một cái, bác sĩ cười hỏi tôi ăn gì mà ra nông nỗi. Khi nghe món thịt cá sấu thì ông ấy bảo tôi là "đừng mạo hiểm thế". Sau đó, ông ta chích cho tôi một mũi, cho một viên thuốc, rồi bảo về ngay.
Tôi khỏi bệnh nhanh chóng và nhận được hoá đơn giá 600 USD, bảo hiểm trả 500 USD, còn tôi trả 100 USD. Đại khái là đều có giá của nó cả.
Giá bảo hiểm y tế ở Mỹ là bao nhiêu? Để có thẻ bảo hiểm chi trả như trên, tôi phải đóng tiền bảo hiểm hàng tháng là 320 USD, nhưng đấy chỉ là 35% tiền bảo hiểm, còn công ty nơi tôi làm đóng 65%. Tính ra phí bảo hiểm của một mình tôi là khoảng 11.000 USD/năm.
Cũng có loại bảo hiểm rẻ hơn, khoảng 3.000 USD/năm cho một người tuổi hai mươi mấy, khỏe mạnh và không tiền sử bệnh nghiêm trọng. Loại bảo hiểm đó chỉ chi trả phần nào cho những lúc ốm nặng phải vào viện, còn bệnh nhẹ thì ráng chịu.
Ở Việt Nam, tôi nhớ có lần em tôi không may bị xe quẹt trước nhà và bị thương ở đầu. Ba gọi tôi đi lấy tiền, rồi thuê xe lôi đưa em vào vào bệnh viện. Bao nhiêu tiền trong nhà tôi lấy hết đưa cho ba.
(Xem thêm: 'Các bác sĩ phải học võ để tự vệ khi bị nệnh nhân đánh' )
Khi vào viện, em tôi cũng được phân loại, cũng đưa qua chụp quét, may mà không nặng nên được cho thuốc, băng bó rồi về. Lẽ tất nhiên là ba tôi chi tiền đầy đủ ở mỗi chỗ, khoản lót tay thì không biết có hay không. Những lời không dịu dàng cũng có, nhưng đành cho qua. Ba kể lại là em tôi rất sợ, cứ bám chặt lấy ba vì mấy bác sĩ dữ quá.
Khoản phí bảo hiểm y tế lên đến 11.000 USD/năm là không rẻ, ngay cả khi so với thu nhập bình quân đầu người của Mỹ - khoảng1/4 thu nhập bình quân đầu người mỗi năm.
Bảo hiểm loại "dởm" cũng chiếm khoảng 10% thu nhập bình dân đầu người. Nếu ta chỉ tính theo phần trăm trên thu nhập bình quân của người Việt là 2.000 USD/năm, thì một người phải chi khoảng 500 USD (11 triệu đồng) mỗi năm cho bảo hiểm y tế, hay là 4 triệu mỗi năm cho bảo hiểm loại "dởm". Điều này có vẻ không khả thi.
Làm sao để tăng lương cho bác sĩ? Tôi thử đặt mình vào vị trí "người quản lý" ít phút, rồi đi tới ba 'tối kiến':
Thứ nhất, tăng ngân sách cho bệnh viện (tức phải tăng thuế).
Thứ hai, tăng viện phí.
Thứ ba, tăng phí bảo hiểm.
Cũng có thể kết hợp vài cách trên đây. Nhưng cách nào của tôi cũng sẽ khiến người dân thêm nặng gánh, vậy nên tôi mới gọi là tối kiến.
Trong tình hình y tế công của Việt Nam hiện nay, các vấn đề nhũng nhiễu là có thật, tuy vậy chừng nào mà câu chuyện lương bác sĩ còn chưa được giải quyết thì tiêu cực vẫn sẽ xảy ra, vì nói không với đồng tiền là rất khó khi túi của bạn rỗng. Nhiều bác sĩ chọn con đường làm việc cho các bệnh viện tư nhân quốc tế, nơi mà người bệnh bỏ tiền ra, nhưng bằng con đường chính thức, để được chăm sóc tốt.
Thực tế cuộc sống vẫn là như thế. Một số người nghĩ rằng việc được chăm sóc y tế là một quyền, nhưng nó chỉ là một dịch vụ. Khi bạn là người đi mua, thì phải có tiền mới mua được dịch vụ tốt. Xông vào đánh người bán hàng không làm thay đổi gì cả, và nếu người bán hàng không phải là bác sĩ mà là cô hàng nước, thì bạn đã bị đánh lại rồi đấy.
>> Xem thêm: 18.750 đồng cho ca trực bác sĩ vùng cao, nỗi khó này ai hiểu?
Bác sĩ cứu sống bệnh nhi ngừng thở vì sặc sữa gây xúc động Bà mẹ run rẩy, bế đứa con tím ngắt, chân tay buông thõng đứng ở bệnh viện kêu 'bác sĩ, bác sĩ cứu cháu'. |
Chia sẻ những hình ảnh, bài viết của bạn tại đây.