Thời gian qua, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, cũng như việc thu - chi quỹ phụ huynh. Là một giáo viên, tôi cho rằng, nếu giờ cả nước bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, bỏ thu tất cả khoản ngoài danh mục, thì học sinh sẽ phải đối diện với rất nhiều vấn đề.
Thực ra, việc thu quỹ ngoài quy định, nếu được quản lý và chi đúng mục đích thì đó sẽ là một khoản rất cần thiết cho giáo dục. Tuy nhiên, nhiều nơi hiện nay lạm thu khoản này, năm trước thu rồi sang năm lại tìm cách thu tiếp những khoản cũ như điều hòa, TV... Điều đó gây nên phản ứng tiêu cực, cái nhìn ác cảm từ phía phụ huynh đối với Ban đại diện cha mẹ học sinh và quỹ phụ huynh.
Nhưng nói về những tiêu cực, không có nghĩa là chúng ta nên bỏ khoản thu này. Bởi nếu không có quỹ phụ huynh, chắc chắn học sinh sẽ không có điều hòa, không có thêm quạt, không có cơ sở vật chất tốt hơn để việc học đạt chất lượng tốt nhất. Các con cũng sẽ không có các hoạt động ngoài lề, vì không có kinh phí sẵn có để tổ chức. Khi đó, học sinh sẽ chỉ được cung cấp mấy thứ cơ bản nhất là bàn ghế, bảng, mấy bóng điện và quạt. Còn sau đó bảng có cũ, bàn có hỏng, quạt có cháy... thì cùng lắm cũng chỉ được sửa chưa (nếu xin được kinh phí), chứ không có chuyện thay mới ngay để việc học không bị gián đoạn.
Nói chung, tôi cho rằng, chúng ta không nên phủ nhận hết những thứ ngoài lề liên quan đến giáo dục. Nhiều người nói không cần TV, máy chiếu, điều hòa... vì chúng "không giúp gì cho đứa trẻ cả" hay "ngày xưa học sinh không có mấy thứ đó vẫn học tốt". Tôi cho rằng đó là suy nghĩ nông cạn. Có thể các bạn không làm trong ngành giáo dục nên không hiểu hết giá trị của những thứ đó.
>> Thu nhập 15 triệu đồng vẫn 'oằn lưng' phí đầu năm học
Để tôi phân tích cho bạn dễ hình dung thế này. Ví dụ tôi dạy môn Vật lý, khi giảng về các đường sức của từ trường hay dòng điện - thứ vô hình, khó tưởng tượng cho học sinh. Nếu tôi chỉ nói suông, chỉ vẽ vài hình minh họa đơn giản lên bảng, chắc chắn học sinh sẽ khó hình dung, khó hiểu vấn đề. Nhưng nếu có cái TV, máy chiếu để phát hình ảnh, video thực tế, thì các em sẽ biết các đường sức từ hình dạng ra sao, chiều của nó thế nào, các hạt mang điện chuyển động thế nào trong dây dẫn...
Hay khi dạy môn Sinh học về cơ thể người chẳng hạn, nếu có hình ảnh minh họa, giáo viên có thể cho học sinh thấy chi tiết các bộ phận, hình ảnh tim, gan, bó cơ... Vậy có phải học sinh sẽ dễ hiểu bài học hơn không. Đấy chỉ là vài ví dụ đơn giản. Các bộ môn khác nhau sẽ có cách tận dụng lợi ích của các công cụ hiện đại theo những hướng khác để phục vụ tối đa cho hiệu quả bài giảng.
Tóm lại, TV hay máy chiếu,đúng là không khiến học sinh giỏi thêm (bởi học thế nào là do năng lực, ý thức của mỗi người học), nhưng không có nghĩa là chúng không cần thiết. Bản thân những trang thiết bị ấy không có tội, vấn đề là chúng ta sử dụng chúng thế nào để phục vụ cho việc dạy và học mà thôi. TV to thì đương nhiên sẽ nhìn rõ hơn TV nhỏ, điều hòa đương nhiên sẽ mát mẻ hơn quạt điện... Tôi không nói cứ sắm cái TV màn hình lớn là học sinh sẽ giỏi, nhưng nó sẽ giúp học sinh có điều kiện học tốt hơn, hiểu bài hơn.
Việc mua rèm cửa, lát sàn nhà, lắp điều hòa, TV không làm trí tuệ học sinh tăng lên, nhưng nó sẽ khiến việc học được thoải mái hơn, môi trường học tập tốt hơn và từ đó góp phần nâng cao chất lượng học tập. Cũng giống như việc chúng ta mua quần áo đẹp hàng hiệu mấy triệu, trong khi có thể mua quần áo hàng chợ rẻ hơn, hay xây nhà tầng trong khi ở nhà mái ngói cũng được. Giá trị của bất cứ trang bị nào là do tư tưởng của mỗi người.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.