Theo lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, dựa vào phương pháp tính "Lương đủ sống Anker", tức mức lương mà người lao động nhận được cho thời gian làm việc bình thường, tức mỗi ngày 8 tiếng, đủ để duy trì mức sống bình thường cho bản thân và gia đình tại TP HCM (thuộc vùng I) vào năm 2020 là 7,5 triệu đồng.
Độc giả có nickname Tin tin nói với mức lương 7,5 triệu đồng chỉ đủ sống cơ bản:
"Tôi nói thật chứ lương 7,5 triệu đồng thì cũng đủ sống thôi. Đủ ở mức cơ bản ngày ba bữa cơm. Đó là tồn tại, còn chưa nói đến những khoảng tinh thần khác như vui chơi, giải trí, đám hiếu hỉ... hoặc dự phòng ốm đau bệnh tật.
Nếu từ quê lên thành phố ở trọ cũng chỉ để có 7,5 triệu đồng tồn tại thì hãy nghĩ lại ở dưới quê mình cần một tháng bao nhiêu tiền để tồn tại? Cho nên nhiều người đã giải ra bài toán này và không quay vào thành phố luôn".
Sau hơn hai năm dịch lan rộng với hàng loạt chi phí y tế, chăm sóc sức khỏe, phòng dịch phát sinh, chỉ số giá tiêu dùng tăng gần 7%, mức lương đủ sống hiện tại phải cao hơn. Tuy nhiên, công nhân vẫn loay hoay làm việc để tăng thu nhập, độc giả Vũ Vân chia sẻ:
"Ai làm công nhân mới biết kiếm được đồng tiền nó khó khăn thế nào. Các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp thường để mức lương cơ bản bằng quy định của vùng hoạc cao hơn 10%, khi đó người lao động tăng ca được rất ít tiền, nếu tăng ca bốn tiếng một ngày, làm 12h thì khoảng được thêm một tháng lương nữa, tồng thu nhập loanh quanh 8 triệu đồng thôi.
Vấn đề ở đây lương cơ bản quá thấp kéo theo tiền tăng ca thấp theo. Ở đây các công ty thường cho mức lương cơ bản thấp khoảng bốn triệu đồng nhưng trợ cấp có thể lên đến ba triệu đồng, khoản tiền trợ cấp không được tính thêm khi tăng ca, trong khoảng trợ cấp như phòng trọ, đi lại... thì có thể nhận được.
Còn phần trợ cấp sản lượng, năng xuất, chuyên cần.... thì rất khó lấy được dù khoản này rất cao lên tới hai, ba triệu đồng. Nó giống như trò chơi leo cột mỡ vậy.
Nếu đi dạo quanh các công ty trong khu công nghiệp thường đăng bản tuyển lao động thu nhập tám đến 10 triệu đồng thấy là cao, nhưng thực tế thì như tôi nói ở trên không việc gì là dễ dàng cả, phải đi làm công nhân rồi mới biết".
Trước những ý kiến cho rằng tăng lương cơ bản vùng sẽ giúp công nhân tăng thu nhập hơn hiện tại, một số độc giả cho rằng điều này là chưa chắc chắn:
"Có một vấn đề rất đau đầu, là giả sử công nhân được tăng lương hay nói chung là các ngành khác cũng vậy, khi tăng lương thì lại phát sinh vật chất hay các thứ lại cứ tăng lên rồi rốt cuộc công nhân lại cũng không đủ sống. Vậy đó cứ vướng vào vòng lẩn quẩn rồi rốt cuộc vẫn vậy, mà nếu không tăng lương thì cũng không được".
Đã là công nhân thì sẽ không đủ sống, trừ khi phải làm thêm gì đó chứ sao chi trả nổi khi ở thành phố. Số tiền đó mà sống ở quê thì khoẻ rồi. Nhưng cũng đừng mong công ty trả thêm hay tăng lương. Nếu các bạn được tăng thêm hai triệu đồng tiền lương thì tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền sinh hoạt ăn uống học hành cũng tăng theo. Không bao giờ giải quyết được vấn đề này.
Độc giả có nickname Trai Tim Viet Nam đề xuất rằng trong tương lai nên thay đổi cơ cấu lao động giá rẻ sang lao động có trình độ cao:
"Thật buồn khi công nhân là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của nền kinh tế trong hơn 20 năm qua, nhưng họ lại chịu thiệt thòi nhất. Lương chỉ đủ sống dù đã tăng ca, cuộc sống vật chất và tinh thần nghèo nàn. Và sau khi làm công nhân được 15-20 năm ở độ tuổi gần 40 họ bị thải loại vì sức khỏe giảm sút, và thay vào đó là công nhân trẻ với mức lương thấp hơn.
Mỗi năm trượt giá hơn 10%, thậm chí cao hơn nhưng lương công nhân phần lớn tăng nhỏ giọt hoặc thậm chí không tăng khiến cuộc sống của họ ngày càng khó khăn. Rất mong mức lương cơ bản của công nhân được tăng phù hợp với chi phí cuộc sống, và có các chính sách đào tạo nghề miễn phí hoặc hỗ trợ miễn phí công nhân học nên các bậc( PTTH, trung cấp, Cao Đẳng, Đại học).
Thay cạnh tranh bằng lao động giá rẻ, Việt Nam có thể cạnh tranh bằng lao động kỹ thuật có trình độ cao".
Trong khi đó, một số độc giả cho rằng cùng là lương thấp, cuộc sống ở quê sẽ dễ chịu hơn:
Lẽ ra sau ba tháng bùng dịch năm vừa rồi, trải qua khoảng thời gian khốn đốn ấy, các bạn dân tỉnh đang ở trọ và làm việc tại Sài Gòn các bạn phải nhận ra đâu mới là nơi an toàn và nên sống một cuộc sống an cư.
Nếu như các bạn đang học tập, hoặc các bạn thuộc nhóm lao động có trình độ cao, thu nhập cao thì các bạn hẵng chấp nhận đánh đổi để sống cuộc sống tha phương. Còn các bạn tha phương cầu thực mà quanh năm đầu tắt mặt tối, cắm đầu cắm mặt để làm việc, không còn thời gian nào để dành cho bản thân và gia đình. Nhưng thu nhập thì chỉ từ thiếu cho tới đủ. Làm cả năm không chắc dư được bao nhiêu để mà về quê ăn Tết chứ đừng nói tới để dành tiết kiệm.
Đấy là trong điều kiện bình thường, chứ chưa nói tới những biến cố đột ngột xảy ra, giống như đợt dịch vừa rồi. Trong khi đó, hãy về quê, tìm một công việc nào đó cho dù thu nhập có thấp hơn ở Sài Gòn, nhưng được đi về nhà mỗi ngày. Bất kể có chuyện gì xảy ra, tôi cam đoan, ở nhà vẫn là nơi an toàn hơn hết cho các bạn, kể cả vật chất lẫn tinh thần.
Nguyễn Vương Quốc
Nếu làm công ăn lương thì tôi nghĩ nên về quê sẽ tốt hơn. Tết vừa rồi, từ TP HCM về quê (Hải Dương) tôi thấy ngỡ ngàng luôn. Đời sống ở quê bây giờ chả khác gì thành phố cả, cái gì cũng có, đầy đủ không thiếu gì. Hầu như nhà nào cũng khang trang, rộng rãi, vườn đầy rau xanh, có một, hai xe máy, máy giặt, TV kết nối internet, máy nước nóng lạnh... đường làng trải xi măng thẳng băng, buổi tối đèn đường sáng trưng, gần nửa làng đã có ôtô.
Cách nhà khoảng một km là khu công nghiệp, công nhân làm việc mỗi tháng cũng được 8 triệu đồng, tăng ca có thể được hơn 10 triệu. Với mức thu nhập như vậy sống ở quê khỏe re, còn để dư ra được một ít phòng thân. Chứ cố bám thành phố với mức lương như vậy thì sống sao nổi, cái gì cũng đắt đỏ, thiếu trước hụt sau, chất lượng cuộc sống quá thấp, lúc bệnh tật không biết thế nào.
Về quê dù sao cũng còn có gia đình, anh em họ hàng, lỡ có chuyện gì cũng đỡ lo, giá cả sinh hoạt cũng dễ chịu.
*Quan điểm của bạn về việc công nhân lên thành phố làm việc lương thấp?
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.