Năm 2000, khi triển khai chương trình đổi mới giáo dục tiểu học, rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học giáo dục tranh biện việc nên bắt đầu dạy cho trẻ lớp một vần "i", "o" hay "e" trước.
Sau 20 năm, việc dạy vần gì trước hầu như không ai còn bận tâm, bởi lẽ nhiều học sinh bắt đầu vào lớp một đã biết đọc, biết viết.
Trước thềm năm học mới, nhiều bậc phụ huynh, trong đó có cả thầy cô giáo đều tất tả cho con 5 tuổi đi học thêm: Học đọc, học viết, học làm toán, học ngoại ngữ... để khi vào lớp một con em họ không bị thua sút bạn bè.
Một cô đồng nghiệp chia sẻ với tôi, rằng cô nhất quyết không cho con học chữ trước khi vào lớp một. Kết quả là học kì I năm lớp một nhiều lần cô bị giáo viên của con phàn nàn vì cháu đọc, viết không bằng các bạn trong lớp.
Mới đây, con gái tôi 5 tuổi, một chiều đi học mẫu giáo về nói: "Mẹ ơi, đầu óc con bị làm sao ấy". Vợ tôi hốt hoảng, tưởng con bị nhức đầu hay đau ốm gì vội chạy lại ôm con kiểm tra, thấy cháu vẫn bình thường, bèn hỏi: "Sao con lại nói vậy?".
Cô bé thỏ thẻ: "Trong lớp con bạn nào cũng biết đọc, biết viết, biết làm toán, chỉ một mình con là không biết". Chúng tôi an nủi: "Con không sao cả, con đang học mẫu giáo. Ba muốn được con vui chơi nên không cho con học chữ, học toán trước tuổi thôi. Mai mốt lên lớp một, thầy cô sẽ dạy cho con những thứ đó".
>> Tôi nghẹn cổ khi con gái nhắc 'bị ba đánh lúc chỉ bài'
Cô bé nói với mẹ: "Chỉ có ba mẹ nói là con thông minh, chứ trong lớp con là đứa yếu kém, thường bị nói 'đầu óc bị làm sao ấy".
Nghe câu chuyện của hai mẹ con tôi không khỏi giật mình. Tôi muốn con tôi được phát triển bình thường theo lứa tuổi. Nhưng phải chăng cô bé trở nên bất bình thường trong mắt bạn bè và thậm chí cả thầy cô?
Trẻ chưa biết chữ khi bước vào lớp một đã có sự tổn thương và những hệ lụy nhất định đối với sự phát triển bình thường của chúng. Con tôi có quyền chưa biết đọc, biết viết, biết làm toán trước khi vào lớp một.
Bến Xuân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.