Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM vừa công bố gần đây, 70% phụ huynh học sinh lớp 1 chưa muốn con học trực tiếp từ ngày 13/12 theo kế hoạch ban đầu. Tâm lý phụ huynh vẫn còn lo ngại khi con chưa được tiêm vaccine và tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp.
Sở Giáo dục có thể linh động, bố trí việc học cho học sinh lớp 1 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, như mô hình Bắc Giang đã áp dụng thành công.
Mỗi lớp học được bố trí màn hình máy tính và camera để quay hình trực tiếp buổi dạy của giáo viên và giáo viên có thể tương tác với học sinh học trực tuyến. Giáo viên cần được huấn luyện các kỹ năng để tương tác với học sinh học trực tuyến và trực tiếp.
Với 30% phụ huynh đồng ý cho học sinh lớp 1 đến trường học trực tiếp, nhà trường có thể bố trí các em ngồi cách xa nhau, giữ khoảng cách an toàn trong lớp học.
>> 'Đi học hay ở nhà không thể đánh giá bằng xác suất'
An toàn phòng chống dịch trong trường học cũng có thể được thực hiện dễ dàng và hiệu quả hơn khi số lượng học sinh ít. Việc này có lợi cho phụ huynh (muốn con học trực tiếp để tiến bộ, hoặc để con học ở nhà để an toàn), nhà trường (tiện bố trí nhân sự và hạn chế ca nhiễm trong trường học), và Sở giáo dục trong công tác quản lý phòng chống dịch.
Mô hình học kết hợp trực tuyến và trực tiếp còn có lợi thế khi có ca F0 trong lớp học, học sinh trong lớp được bố trí ở nhà học trực tuyến, cũng không quá xáo trộn công tác giảng dạy. Giáo viên vẫn có thể lên lớp dạy bình thường thông qua hệ thống màn hình và camera.
Trong tình hình dịch hiện tại, mô hình dạy trực tiếp sẽ khó linh động khi có ca nhiễm trong lớp, giáo viên cần thời gian chuyển đổi và thích nghi qua dạy trực tuyến. Còn mô hình dạy trực tuyến thì có nhiều hạn chế cho khả năng tiếp thu của trẻ. Chúng ta cần một mô hình lai để có thể linh động thích nghi với tình hình thực tế.
Không nên tạo thêm việc cho giáo viên, khi có những đề xuất giáo viên vừa soạn giáo án dạy trực tiếp riêng, vừa dạy trực tiếp riêng, gấp đôi công việc thường ngày.
>> Dịch nCoV - nên để bà hay cháu đi chợ?
Ngoài ra, chúng ta nên tổ chức xét nghiệm đầu vào cho tất cả học sinh lớp 1 khi trở lại trường, và xét nghiệm định kỳ ngẫu nhiên cho học sinh để sớm sàng lọc các ca nhiễm. Hoặc để nâng cao khả năng ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập trường học, trường có thể yêu cầu phụ huynh tự xét nghiệm định kỳ và gửi kết quả cho trường. Khi phụ huynh không nhiễm bệnh thì khả năng trẻ lớp 1 nhiễm bệnh từ người lớn trong gia đình cũng thấp. Sớm sàng lọc phát hiện sẽ ngăn không có F0 trong trường học.
Trong đại dịch, cần có những giải pháp sáng tạo để thích nghi với môi trường bình thường mới. Giải pháp ở trên là giải pháp bền vững dù tình hình dịch có diễn biến phức tạp thế nào.
Nguyễn Minh Tuấn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.