Sáng nay, tôi tình cờ nghe được câu chuyện giữa nhân viên quản lý (nhân viên giám sát vệ sinh) với nữ nhân viên trực tiếp làm vệ sinh trong cơ quan. Câu chuyện giữa hai người khá gay gắt và cũng nói lên rất nhiều điều về cách thức quản lý, hiệu quả làm việc giữa khu vực công và khu vực tư hiện nay.
"Trong giờ làm việc, nhưng cô không tập vào công việc, cô đi ra ngoài, cô đã vi phạm nội quy lao động của công ty, mời cô ký vào biên bản", nân viên giám sát lớn tiếng. Người phụ nữ làm nhân viên dọn vệ sinh, ngoài 50 tuổi, cứ đứng tần ngần không nói được lời nào. Trên tay cô còn cầm hộp cháo còn nóng hổi vừa mới mua, chưa kịp ăn, nhưng đã bị giám sát phát hiện và yêu cầu lập biên bản vì vi phạm giờ giấc làm việc mà công ty quy định.
Thấy sự việc chưa có gì nghiêm trọng nên tôi cũng có ý nói đỡ đôi lời với người giám sát để mong cậu ấy bỏ qua cho cô lao công: "Thôi, cháu nên nhắc nhở để cô ấy rút kinh nghiệm, chắc cũng lần đầu và mới đầu giờ sáng nên cũng chưa có nhiều việc phải quét dọn. Nếu lập biên bản, cô ấy sẽ bị trừ lương, tội lắm cháu ạ". Nhưng anh chàng giám sát rất cương quyết, nhắc lại: "Quy định là quy định, cháu không thể làm khác được, mong cô hợp tác để cháu thực hiện đúng trách nhiệm".
Buổi chiều đi làm về, tôi cứ suy nghĩ và băn khoăn mãi về câu chuyện ban sáng. Liệu người phụ nữ kia có bị trừ lương vì vi phạm nội quy lao động của công ty không? Nếu như tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện khu vực công, đều làm việc với một tinh thần, trách nhiệm nghiêm túc như vậy thì chất lượng dịch vụ sẽ tốt biết chừng nào?
Trong lúc đang miên man suy nghĩ thì con gái tôi đi học về, vội bỏ ba lô, sách vở giữa nhà, để chạy thẳng vào đi vệ sinh. Một lúc sau, con gái quay ra than thở: "Con không thể chịu được cái nhà vệ sinh ở trường vì nó quá bẩn thỉu, hôi thối, hôm nào cũng vậy".
Hôm sau, tôi đem câu chuyện này kể với đồng nghiệp và ngay lập tức trở thành diễn đàn nội bộ cho anh chị em trong phòng tha hồ kể tội của nhà trường. Người có con học lớp 5 nói: "Con em cứ lên xe là giục mẹ đi nhanh về để con đi vệ sinh vì nhịn quá lâu rồi". Bạn gái có con học lớp 2 kể lại: "Lớp con em có một bạn không dám đi vệ sinh vì quá bẩn nên ị đùn cả ra quần". Anh đồng nghiệp cùng tôi lại bức xúc khi nghe con gái kể rằng: "Mấy bác lao công trong trường chẳng dọn dẹp gì, cứ đứng chống chổi và nói chuyện cả tiếng với nhau trước cửa nhà vệ sinh"... Và rất nhiều câu chuyện được mọi người kể lại xoay quanh cái nhà vệ sinh ở trường học.
Mới đây, tôi được mời tham gia một buổi thuyết trình về trách nhiệm công dân đối với xã hội ở một trường đại học. Giờ giải lao, tôi đi vệ sinh ở khu vực dành cho sinh viên, và thật sự không thể ngờ rằng giữa trường đại học hiện đại bây giờ mà vẫn còn những nhà vệ sinh nhếch nhác, bẩn thỉu, hôi thối đến thế. Không biết nhà vệ sinh ở các bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ còn tồi tệ đến mức nào? Vì lâu nay, tôi chỉ sử dụng nhà vệ sinh dành riêng cho giảng viên, nên cứ nghĩ tất cả khu vực vệ sinh chung của sinh viên đều rất sạch sẽ như thế. Nhưng không, ở đây có một sự chênh lệch, phân cấp rất rõ ràng.
Tôi tìm đến người trực tiếp quản lý về mảng vệ sinh, môi trường của nhà trường để trao đổi. Vị quản lý này cho biết: "Vấn đề này nhà trường có biết, đã và đang tìm cách để khắc phục, nhưng vì số lượng học sinh, sinh viên ở trong các trường khá đông. Trong khi đó, cơ sở vật chất còn chật chội, thiếu thốn, đa số nhà vệ sinh được xây dựng cũng khá lâu, thiết bị xuống cấp, hư hỏng. Nhà trường lại không có kinh phí để sửa chữa thường xuyên, nhân viên dọn dẹp cũng không có nhiều... Thành thử ra, từ bấy lâu nay, cá trường đành để tình trạng này tồn tại dai dẳng".
Đúng là giữa công và tư khác nhau một trời một vực. Nhà vệ sinh ở một số trường tư mà tôi có dịp ghé qua khá hơn rất nhiều. Chí ít những nơi này cũng luôn có nước ở bồn để xả, có xà phòng để rửa tay, trang thiết bị cũng tương đối sạch sẽ, bồn vệ sinh luôn có giấy và không có mùi hôi thối.
Tôi cũng có dịp được đi khá nhiều các trường đại học ở Mỹ. Điều ấn tượng nhất là khu vực vệ sinh (toilet) tại những nơi này khác xa ở ta. Phải nói rằng, ý thức giữ gìn vệ sinh chung của học sinh, sinh viên tại Mỹ khác hẳn ta một bậc. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là cung cách thực hiện của người được giao nhiệm vụ và người quản lý.
Vào nhà vệ sinh ở Mỹ, tôi luôn thấy có một đèn đốt tinh dầu, đảm bảo tỏa hương thơm suốt cả ngày. Nhà vệ sinh tại đây cũng rộng rãi, sạch đẹp, và luôn có rất nhiều cuộn giấy vệ sinh đựng sẵn trong kệ, có trang bị cả những băng, bông vệ sinh cho sinh viên nữ. Có lần, tôi tò mò không biết tại sao trong nhà vệ sinh lại đặt một vật có dạng hình ống, về nhà tra cứu thì đấy là ống hút vệ sinh dùng cho phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt.
Nhân viện dọn dẹp vệ sinh tại Mỹ cũng thì túc trực thường xuyên ngay tại cửa, quét ngay những miếng giấy bẩn mà ai đó nhỡ tay đánh rơi. Nói chung, cảm giác vào nhà về sinh tại đây đúng nghĩa là "restroom" (thư giãn). Nhưng thôi, đấy là ở trời Tây, nói gì thì mọi so sánh cũng là rất khập khiễng.
>> Nhà vệ sinh công cộng thiếu, không sạch sẽ
Quay trở lại với thực tế ở Việt Nam, những năm gần đây, báo chí nói nhiều, phụ huynh cũng bức xúc, nhưng học sinh, sinh viên cũng vẫn đành phải nín nhịn, chịu đựng nỗi ám ảnh với mùi xú uế ở các khu vực nhà vệ sinh trong trường năm này qua năm khác.
Nguyên nhân của thực trạng này là do đâu? Có lẽ, đầu tiên phải kể đến trách nhiệm của người đứng đầu các nhà trường, chưa làm đến nơi, đến chốn, còn bỏ mặc và giao phó cho cấp dưới, không có sự kiểm tra, giám sát, chỉ đạo sâu sát nên dẫn đến tình trạng này tồn tại suốt thời gian dài. Đừng đổ lỗi do không có tiền, hay thiếu nhân lực. Cái thiếu ở chính là ý thức trách nhiệm, thiếu sự quan tâm sát sao hàng ngày của lãnh đạo nhà trường, thiếu sự quán xuyến của người được giao nhiệm vụ trực tiếp.
Thứ hai, cơ sở vật chất ở ta còn thiếu thốn, cả kinh phí và nhân lực. Đồng ý nơi này, nơi kia sẽ không đồng bộ về cơ sở vật chất, nhân lực, nhưng cái chính vẫn là người có trách nhiệm chưa trú trọng để tìm cách giải quyết.
Thứ ba, những người làm nhiệm vụ trực tiếp, mà cụ thể là nhân viên quét dọn vệ sinh chưa thực sự làm việc bằng cái tâm, làm việc có trách nhiệm, dẫn đến qua loa, đại khái, lúc nào kiểm tra thì làm, không thì thôi. Vậy cần phải có sự kiểm tra, giám sát giống như khối tư nhân đang làm.
Và cuối cùng, không thể không kể đến ý thức của học sinh, sinh viên Việt còn kém. Bên cạnh đó, cũng vì số lượng quá đông, dẫn đến quá tải. Muốn vậy, chúng ta cần phải tuyên truyền, giáo dục ý thức cho học sinh - việc này chắc chắn các nhà trường đều có sẵn năng lực để làm tốt.
Câu chuyện nhà vệ sinh cũng đã được các cấp quan tâm và có một công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương kiểm tra thực trạng, tình hình, đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đối với hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các trường học. Tuy nhiên, xem ra, các nơi vẫn còn nhận thức chưa đúng, cho rằng nhà vệ sinh là "công trình phụ", nên vẫn còn xem thường. Và hậu quả vẫn là những chủ nhân tương lai của đất nước phải hàng ngày, hàng giờ gánh chịu sự hôi thối, bẩn thỉu do sự thiếu trách nhiệm từ những người đứng đầu.
Theo số liệu của Cục Cơ sở vật chất Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính tới năm 2020, cả nước có tổng cộng có hơn 180.000 nhà vệ sinh tại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông công lập, nhưng chỉ có 57,3% nhà vệ sinh đạt chuẩn, có nghĩa là còn 103.000 nhà vệ sinh vẫn chưa đạt yêu cầu.
Theo một khảo sát mới đây của Quỹ Unilever Việt Nam kết hợp cùng đơn vị nghiên cứu BrandScapas WorldWide về tình trạng vệ sinh học đường, cho thấy 97% trẻ em đang đối mặt với vấn đề nhà vệ sinh học đường không đạt tiêu chuẩn hàng ngày, trong đó 71% trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng vệ sinh học đường. Cũng theo đơn vị này, vấn đề trở nên nghiêm trọng khi mà có đến 41% trẻ gặp ảnh hưởng về thể chất như tè dầm vì không dám đi vệ sinh, 46% trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, cảm thấy ngại và lo lắng khi sử dụng nhà vệ sinh.
Trước những con số đáng báo động như vậy, thiết nghĩ các cấp, các ngành, gia đình, xã hội, nhà trường, quý cha mẹ học sinh cần phải nghiêm túc, nghiêm khắc lên tiếng và cùng chung tay để giải quyết vấn đề này một cách ráo riết và triệt để. Hơn ai hết, chính các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh là những người cận kề nhất phải lên tiếng cũng như có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt để xóa bỏ tình trạng này.
Để giải bài toán này, thiết nghĩ không hề khó, cái chính là cần sự đồng lòng, chung tay vì một môi trường giáo dục tốt. Không phải là những từ khẩu hiệu rùm beng, những lời hoa mỹ, chỉ rất đơn giản là vì một môi trường giáo dục không có mùi khai, mùi hôi thối là cũng đủ cảm nhận được sự thay đổi lớn lao của xã hội cho vấn đề này. Hơn lúc nào hết, chúng ta, nhà trường, phụ huynh và học sinh phải thay đổi cách nhìn nhận, nhà vệ sinh không còn là vấn đề phụ nữa, mà phải đưa lên là một trong những vấn đề hàng đầu của năm học mới.
Trở lại với việc lập biên bản của người giám sát với nữ nhân viên dọn dẹp vệ sinh đã đề cập ở đầu câu chuyện, cho thấy sự khác biệt khá rõ ràng về cách thức quản lý giữa khu vực công và khu vực tư của Việt Nam hiện nay. Những đơn vị tư, họ làm việc hết sức trách nhiệm, rõ ràng, rành mạch, phân định đúng sai. Lỗi đâu phải chịu, có thưởng có phạt rõ ràng, nghiêm túc và nghiêm minh. Vậy nên, câu chuyện nhà vệ sinh ở các trường học hiện nay, đang rất cần được nhà quản lý các cơ sở đào tạo và các cấp có thẩm quyền có trách nhiệm đưa vào bàn bạc.
Nên chăng, những gì không làm tốt, nên xã hội hóa để cho khối tư đảm nhận, đảm bảo dịch vụ sẽ tốt lên rất nhiều, như dịch vụ của các công ty vệ sinh mà ta thường thấy ở những nơi công cộng như siêu thị, nhà ga sân bay, khu trung tâm thương mại... - những nơi có hàng trăm nghìn người ra vào hàng ngày nhưng luôn luôn sạch sẽ, thơm tho. Có như vậy, học sinh thế hệ sau này mới không bị sống trong môi trường giáo dục đầy mùi xú uế, hôi thối như hiện nay.
Một câu chuyện tưởng là nhỏ nhưng vẫn là nỗi ám ảnh của học sinh khi đi học và đã trở thành diễn đàn không những riêng của ngành giáo dục, mà vấn đề này cũng đã được Chính phủ, Quốc hội họp bàn. Năm học mới sắp bắt đầu, thay vì một danh sách các loại quỹ phụ huynh không cần thiết, các nhà trường nên thêm vào danh sách đó khoản mục sửa chữa nhà vệ sinh. Tôi tin cả cô, cả trò và phụ huynh sẽ đồng lòng ủng hộ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.