Mấy ngày qua, tôi đọc được nhiều ý kiến về lợi ích của việc đi du học. Trước hết, tôi nhận thấy đa phần chúng ta đều hiểu rằng không phải cứ du học là tài giỏi, kiếm nhiều tiền, mà quan trọng hơn cả là trải nghiệm và tầm nhìn. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó. Cũng có một số người còn cho rằng, du học là sự đầu tư nên nếu không kiếm ra tiền thì đó là "lỗ". Theo tôi, những người này không phải là không có tầm nhìn, mà là họ đặt việc đi du học vào hệ quy chiếu khác mà thôi.
Là một người từng đi du học, tôi xin chia sẻ trải nghiệm cá nhân mình, mong đóng góp ý kiến vào bức tranh chung. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cấp hai học trường thường, cấp ba học trường chuyên (tự ôn, tự thi), rồi vào được một Đại học có tiếng, đi làm nhà nước, lương trung bình. Sau đó, tôi lấy học bổng toàn phần bậc Thạc sĩ ở nước ngoài (nhưng không giống ngành học ở Việt Nam), xin được việc làm (đúng chuyên ngành đã học) và định cư lại bằng con đường lao động (không phải theo cách kết hôn giả hay mở doanh nghiệp).
Tôi xuất thân trong một gia đình nghèo, không ai kỳ vọng, không ai đầu tư, cũng không ai cần bằng cấp để khoe, nhưng cũng nghèo đến mức tôi phải kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nếu tôi không có học bổng, tôi cũng sẽ không đi du học, và cũng không cần cố lao động kiếm tiền để gửi về quê nhà ăn chênh lệch. Nhìn chung, tôi thuộc nhóm du học sinh "phổ biến", không có gì đặc biệt ngoài việc tôi tự kiếm được học bổng toàn phần - thứ duy nhất đem lại cho tôi mỹ danh "du học sinh".
Hiện tại, tôi làm đúng nghề mình yêu thích. Có điều, nghề này không phát triển ở Việt Nam, nên nếu về nước, tôi sẽ lại đi làm lương ba cọc ba đồng. Còn ở đây, mức lương của tôi đủ sống, có thể mua nhà trả góp, đi du lịch đều đặn, không đến mức giàu có nhưng nói chung là đầy đủ. Tôi vốn là người không quan trọng tiền bạc, nên trước đây làm nhà nước hay bây giờ nếu về Việt Nam với mức lương trung bình, tôi cũng sẽ không phàn nàn hay than thở. Tuy nhiên, tôi đã nỗ lực để xin học bổng và hiện tại vẫn tiếp tục ở lại nước ngoài làm việc.
>> Ảo tưởng 'du học để giàu có'
Cách đây 10 năm, tôi quyết đi du học vì: Thứ nhất, tôi muốn trải nghiệm một cuộc sống hoàn toàn khác, thứ mà tôi sẽ không thể có nếu không đi. Thứ hai, tôi muốn học cách làm việc chuẩn quốc tế. Thứ ba, tôi muốn có tầm nhìn khác. Thời điểm đó tầm nhìn của tôi rất kém cỏi, dù học trường chuyên, đại học "xịn", làm cơ quan trung ương, nhưng kỹ năng sống của tôi rất kém, đối nhân xử thế không ổn, trong lòng bất an không rõ nguyên nhân, còn tham danh, sân si, hay so sánh, cũng có lúc đố kỵ người khác, hùa theo số đông mà không suy nghĩ, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không tính đến lâu dài, cũng có phần an phận, sợ sự khác biệt...
Học xong, tôi xin việc làm ở lại vì: Thứ nhất, tôi sẽ không tìm được việc đúng ngành học ở Việt Nam. Thứ hai, tôi muốn tiếp tục trải nghiệm vì bắt đầu thích môi trường phương Tây. Thứ ba, gia đình không cần tôi trở về do bố mẹ có anh chị khác ở gần chăm sóc. Như vậy, lý do ở lại của tôi cũng không liên quan đến kiếm tiền hay địa vị.
Sau tám năm làm việc, đến nay, mục tiêu "tầm nhìn" của tôi mới được hoàn thành. Nếu chỉ đi du học 1-2 năm rồi về thì chắc chắn không đủ để thay đổi tầm nhìn, ít nhất là đối với tôi. Có thể, với nhiều bạn, đi du học sớm hơn, lâu hơn, chịu khó lập các mối quan hệ, sẽ có thể tiếp thu tầm nhìn nhanh hơn tôi.
Mười năm ở phương Tây mang lại cho tôi rất nhiều lợi ích: Về tâm hồn, tôi dũng cảm hơn, không sợ sai, không sợ thất bại, không lo người khác nghĩ gì về mình, bớt so sánh, bớt sân si, chấp nhận sự khác biệt, đối xử với người hơn mình hay kém mình đều hợp lý hơn, bình an trong tâm, biết quan tâm và nhân ái hơn trước...
Về công việc, tôi làm việc theo chuẩn quốc tế, làm ngành mình yêu thích dù ngành đó không phát triển ở Việt Nam. Tôi vẫn làm nhân viên, chưa lên chức quản lý nhưng cũng không muốn tranh đấu vì bản thân thích làm chuyên môn. Nhưng tôi cũng biết, để lên cấp quản lý, tôi phải giỏi ngoại ngữ hơn nữa và phải có mối quan hệ lớn hơn nữa, phải tự tin, phong thái thu hút... Đó là những thứ mà tôi không hề được trau dồi khi ở Việt Nam, nên 10 năm cũng là chưa đủ để lột xác.
Hiện, tôi bằng lòng với vị trí hiện tại của mình. Lương của tôi đủ tiêu xài, cao hơn một chút so với công nhân lâu năm lành nghề. Để phát triển sự nghiệp, tôi vẫn học đều, học thêm các chứng chỉ chuyên môn. Ỏ đây, tôi không ngại học, không ngại bị người ta chê là học nhiều quá, học đến già.
>> 'Tốn bảy tỷ đồng đi du học, lương vẫn ba cọc ba đồng'
Về môi trường sống, phải nói là ở đây rất tốt, khí hậu trong lành, thực phẩm sạch, giáo dục tiên tiến, không bao giờ phải lo lắng khi gửi con đến trường; đi lại, vui chơi, rất yên tâm, an toàn. Điều này nếu ai không sống đủ lâu ở nước ngoài thì có lẽ cũng không cảm nhận được hết. Đồng nghiệp trong nước của tôi, rất nhiều người xuất thân giàu có, bản thân tài giỏi, tháo vát, họ ngày càng giàu có hơn tôi, con cái của họ học những trường quốc tế danh tiếng ở Việt Nam. Nhưng tôi biết tôi có những thứ mà dù họ có rất nhiều tiền cũng không mua được.
Mặt trái của cuộc sống du học có lẽ chỉ là việc phải xa gia đình, và cần nhiều thời gian hơn để hiểu văn hóa mới. Đổi lại, tôi có nhiều bạn bè và đồng nghiệp quốc tế. Dù không thể khẳng định họ là người tốt nhưng ít nhất bề ngoài thì 100% họ lịch sự và sẵn sàng giúp đỡ tôi nếu có thể. Tất nhiên, trường hợp của tôi chỉ là cá nhân đơn lẻ, không đại diện cho tất cả. Nhưng tôi dám khẳng định, đi du học mở ra nhiều cơ hội hơn so với việc ở trong nước.
Thành công hay tiền bạc, nhiều hay ít, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, bao gồm kỳ vọng của mỗi người. Có những người không quan trọng tiền bạc như tôi sẽ thấy có đi du học hay không thì lương cũng chỉ ở mức trung bình, đó không phải giá trị lớn nhất mà du học mang lại. Thế nên, tôi mong các bố mẹ không nên dùng từ "đầu tư" cho con đi du học nữa, vì nó hay bị liên tưởng đến chuyện lỗ, lãi, tiền bạc. Trong khi giá trị của một người trưởng thành, được học hành giáo dục đầy đủ, không phải lúc nào cũng đo được, để tính lỗ hay lãi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.