Bàn về câu chuyện du học, quan điểm của tôi là trừ một số bạn thuộc loại ưu tú, giành được học bổng du học, tài chính gia đình chỉ là phụ, còn lại những bạn tốt nghiệp phổ thông loại giỏi mà không có học bổng, điều kiện gia đình lại khó khăn, không đủ tiền để đi thì không nên bằng mọi giá phải du học. Nhất là chuyện vay lãi, vay nóng để đi du học sẽ đẩy gia đình các bạn vào hoàn cảnh rất nguy hiểm nếu không trả được nợ, lãi chồng lãi, trong khi bạn chưa thể trợ giúp được ngay. Nếu bất trắc xảy ra, chắc chắn giấc mơ của các bạn cũng lụi tàn.
Thay vào đó, các bạn nên cân nhắc học các trường trong nước phù hợp với khả năng của mình. Sau khi học xong, các bạn có thể đi làm kiếm tiền hoặc cố giành học bổng đi du học tiếp. Nếu gia đình quá khó khăn, hãy xin vào các công ty, làm việc để kiếm tiền nuôi bản thân và gửi về phụ gia đình. Như một số bạn hết phổ thông xin vào doanh nghiệp tôi, trong quá trình làm việc, các bạn vẫn học tại chức vào thứ bảy, chủ nhật. Và các bạn đã tốt nghiệp đại học theo ý nguyện mà không phải phiền lụy nhiều tới gia đình trong khi vừa học vừa làm nuôi bản thân, vừa có tiền gửi về phụ giúp gia đình.
Nhiều người nói học tại chức dở nhưng nếu bạn học để tiếp thu kiến thức, học cho mình thì bạn dư sức làm việc, nhất là các bạn có ý chí. Tuy có thể khối lượng kiến thức truyền dạy của giáo viên không như học chính quy, nhưng các bạn sẽ có kinh nghiệm làm việc, va chạm thực tế, thiết lập được những mối quan hệ xã hội phong phú hơn, nên khả năng thích ứng với công việc cũng nhanh hơn. Học và hành sẽ bù trừ cho nhau. Khi ra trường, các bạn có thể dễ dàng xin việc, mức lương lại cao ngay vì thời gian thử việc ít.
Thực tế, cho tới nay, gần 20 bạn nhân viên trong công ty tôi đi lên từ định hướng đó đều rất thành công. Nhiều bạn có công ty riêng, nhà cửa tài sản trên 20 tỷ đồng, có bạn là kế toán một công ty lớn, lương tháng trên 50 triệu đồng, còn lại đều có nhà cửa đàng hoàng. Hầu hết các bạn đều làm đúng những ngành nghề mình yêu thích vì chỉ khi làm việc, va chạm cuộc sống thì bạn mới biết chính xác mình cần gì, học gì là phù hợp.
>> 'Tốn bảy tỷ đồng đi du học, lương vẫn ba cọc ba đồng'
Con gái tôi là một ví dụ. Năm 2003, sau khi học hết phổ thông, con là học sinh giỏi quốc gia và không phải thi đại học. Khi ấy, có rất nhiều lựa chọn, tuy nhiên con vẫn học Đại học trong nước. Ngay khi hết năm đầu tiên, con đủ tiêu chuẩn đi du học Mỹ, Anh với học bổng 20.000 USD. Nhưng vì sợ con còn non dại nên tôi không cho đi.
Khi tốt nghiệp đại học, con chọn sang Singapore học Cao học vì lúc đó con đã vững vàng cả vốn sống, kiến thức, lẫn tiếng Anh nên sang đó có thể học ngay, không phải dự bị. Con là học sinh xuất sắc của trường, khi học xong, con có học bổng Tiến sỹ hoặc làm việc tại Singapore Airlines. Nhưng cuối cùng, con chọn về nước làm việc cho một doanh nghiệp FDI của Mỹ.
Từ đó tới nay, dù nhiều công ty săn đón nhưng con chỉ làm việc qua ba doanh nghiệp nước ngoài. Lòng trung thành, sự phấn đấu miệt mài của con đã được đền đáp, đến nay con đã là lãnh đạo cấp cao của tập đoàn top đầu thế giới, lương, thưởng cũng thuộc hàng đầu. Nhưng thu nhập không phải vấn đề chính mà chủ yếu là con được thỏa mãn đam mê, thực hiện ước mơ, khẳng định giá trị bản thân mình.
Tôi tin rằng, nếu bạn thực sự có tài thì các công ty "headhunter" quốc tế sẵn sàng mời về làm việc ngay, không sợ thiếu đất dụng võ. Không phải cứ nghèo khó là không vươn lên được hoặc phải du học mới có thể thành công. Căn bản là ý chí, nghị lực sự phấn đấu của bạn, cộng với sự lựa chọn hướng đi phù hợp nhất.
Thực hiện ước mơ phải là cả quá trình liên tục, không chỉ ngày một ngày hai. Tuổi trẻ nhiều hoài bão, ước mơ, sức khỏe, nhiệt huyết, nhưng cũng rất bồng bột, nóng vội, mỗi một nấc thang lại có một tầm nhìn mới. Bây giờ là thế giới phẳng đa chiều, nhiều hướng đi, nhiều tầm nhìn, các bạn trẻ có trí tuệ sẽ tìm ra hướng đi phù hợp nhất, ưu việt nhất với bản thân mình.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.