Bác sĩ Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên, thêm rằng ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm đào thải khói bụi, virus, vi khuẩn. Vì vậy phụ huynh cần phân biệt và chủ động phòng bệnh sớm cho trẻ. Dưới đây là những căn bệnh trẻ có thể mắc khi ho nhiều.
Viêm đường hô hấp do virus
Virus là nguyên nhân gây viêm đường hô hấp phổ biến nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, chiếm khoảng 60-70%. Thời gian đầu đời, trẻ có thể có 6-10 đợt nhiễm virus mỗi năm, với các tác nhân như RSV, rhinovirus, sởi, cúm, thủy đậu.
RSV phổ biến gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở mọi nhóm tuổi, với biểu hiện đa dạng như ho, đau họng, sau đó triệu chứng tăng dần thành ho nặng, ho dữ dội, khó thở, khò khè, sốt, chảy nước mũi trong, keo dính. Cơn ho do RSV còn có thể kéo dài khoảng 4 tuần do các tế bào phục hồi chậm sau khi bị virus tấn công. Nhiễm RSV ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể dẫn đến các biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp, viêm tai giữa, tràn khí màng phổi...
Rhinovirus là tác nhân chủ yếu gây hội chứng cảm lạnh thông thường ở người, biểu hiện ho, đau rát họng, nghẹt mũi. Đa phần, bệnh do Rhinovirus thường nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên, phụ huynh có con nhỏ mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch cần chú ý tác nhân này. Lý do, bệnh cảm lạnh thông thường cũng có thể dẫn đến diễn biến nặng, khó điều trị.
Virus sởi khi xâm nhập vào cơ thể, sẽ nhân lên ở biểu mô của đường hô hấp gây ra triệu chứng ho khan. Nếu không được điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách, sởi có thể dẫn đến viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc, viêm não.
Virus cúm gây bệnh với triệu chứng khởi phát như ho, hắt hơi, sổ mũi... Cúm thường dễ nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường khiến phụ huynh dễ bỏ qua. Phụ huynh có thể phân biệt cúm bằng triệu chứng ho đi kèm với tình trạng sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường, đau cơ và khớp. Cúm có thể tự khỏi. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi hoặc có bệnh mạn tính, virus có thể gây các biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim.
Thủy đậu lây qua đường hô hấp đồng thời lây truyền khi trẻ tiếp xúc với dịch từ các nốt mụn nước của người bệnh. Ngoài gây sốt cao, phát ban mụn nước trên da, bệnh có thể gây ra các biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm khớp, nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết. Trẻ mắc thủy đậu và ho, khó thở có thể do bệnh gây ra biến chứng viêm phổi nặng, cần theo dõi và xử trí kịp thời.
Bệnh do vi khuẩn
Các tác nhân vi khuẩn gây viêm đường hô hấp ít gặp hơn virus song có khả năng dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng nặng tới trẻ, với ba tác nhân sau:
Ho gà thường gặp ở trẻ nhỏ, tuổi càng nhỏ càng dễ gặp biến chứng. Trẻ mắc ho gà sẽ ho tăng nặng dần và có thể kéo dài trong 1-2 tuần hoặc lâu hơn. Tiếng ho cũng đặc trưng với tiếng rít như tiếng gà khiến trẻ khó thở, tím tái, có thể nôn sau các cơn ho. Bệnh có thể gây ra các biến chứng viêm phổi, lồng ruột, sa trực tràng, bội nhiễm với các tác nhân khác.
Phế cầu gây viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết hàng đầu ở trẻ nhỏ. Viêm phổi do phế cầu thường gây ho kèm đờm màu gỉ sắt và làm các cơn đau ngực của người bệnh trở nên dữ dội hơn. Bệnh cũng đi kèm các triệu chứng khác như, sốt, ớn lạnh, khó thở.
Hib là một trong những nguyên nhân chính gây viêm phổi nặng, viêm màng não và các bệnh xâm lấn khác ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như chảy nước mũi, ho, sốt cao trên 39 độ C. Một số trường hợp nặng, trẻ có thể đi kèm các triệu chứng như nhìn mờ, quấy khóc, nôn trớ, tiêu chảy, co giật.
Các tác nhân gây bệnh kể trên đã có vaccine phòng ngừa tại Việt Nam, trừ RSV và rhinovirus. Bác sĩ Tấn lưu ý phụ huynh chủ động cho trẻ tiêm phòng. Vaccine ngừa ho gà, Hib được kết hợp trong các mũi 5 trong 1, 6 trong 1, phác đồ bốn mũi trong hai năm đầu đời. Mũi ngừa phế cầu tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến người lớn, tiêm sớm khi trẻ 6 tuần tuổi.
Loại phòng cúm tiêm cho trẻ 6 tháng tuổi đến người lớn, nhắc lại mỗi năm sau phác đồ cơ bản. Loại phòng sởi, thủy đậu, chỉ định cho người từ 9 tháng tuổi.
Người thân, người chăm sóc cũng cần kiểm tra sổ tiêm và bổ sung các mũi tiêm còn thiếu, tránh mắc bệnh không triệu chứng và trở thành nguồn lây bệnh cho trẻ. Trẻ em và người lớn trong gia đình tránh tiếp xúc với người bệnh; khi đến nơi đông người cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Phụ huynh cần tập cho trẻ thói quen giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không đưa tay lên vùng mắt, mũi, miệng.
Nhật Linh
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây.