Trả lời:
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Bệnh có thể biến chứng ngạt thở, viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh vận động, tổn thương đa cơ quan. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%, có thể lên đến 20% ở người dưới 5 tuổi và người trên 40 tuổi, theo Bộ Y tế.
Vaccine bạch hầu giúp phòng bệnh chủ động, cơ thể sinh kháng thể đặc hiệu với bệnh hiệu quả, an toàn. Hiện các mũi tiêm phổ biến trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) lẫn dịch vụ.
Trong đó, chương trình TCMR có bốn loại:
Combe Five hoặc SII: Vaccine 5 trong 1, phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, viêm gan B, chỉ định ba mũi khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi.
DPT: Vaccine phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, dùng tiêm nhắc với trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Td: Vaccine phòng bạch hầu, uốn ván, tiêm nhắc cho trẻ khi đủ 7 tuổi.
Chương trình tiêm chủng dịch vụ có 7 loại vaccine, gồm Td và 6 loại sau:
Hexaxim hoặc Infanrix Hexa: Vaccine 6 trong 1, phòng 6 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib trong cùng một mũi tiêm. Trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi tiêm ba mũi cơ bản, mũi bốn khi 16-18 tháng tuổi.
Pentaxim: Vaccine 5 trong 1, phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, lịch tiêm tương tự vaccine 6 trong 1.
Tetraxim: Vaccine 4 trong 1, ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, chỉ định cho trẻ từ 2 tháng đến 13 tuổi.
Boostrix hoặc Adacel: Vaccine 3 trong 1, ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, tiêm cho người từ 4 tuổi trở lên. Adacel giới hạn đến 64 tuổi.
Trẻ hoàn thành bốn mũi tiêm đầu đời lúc 18-24 tháng tuổi, sau đó cần bổ sung một mũi có thành phần bạch hầu khi 4-6 tuổi và mũi tiếp theo khi 9-15 tuổi. Tiêm nhắc 10 năm một lần để duy trì kháng thể ở mức cao.
Người trên 15 tuổi chưa rõ phác đồ tiêm ngừa cần tiêm vaccine 3 trong 1. Phác đồ ba mũi trong 7 tháng, hai mũi đầu cách nhau một tháng, mũi ba cách 6 tháng. Thai phụ cũng được chỉ định vaccine này, tiêm vào ba tháng giữa hoặc tháng cuối thai kỳ.
Bên cạnh tiêm ngừa, người dân cần tuân thủ các biện pháp như: giữ khoảng cách, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi toilet, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, súc miệng với nước muối sinh lý.
Khi có dấu hiệu sốt, ho, khàn tiếng, mệt mỏi, chán ăn, họng đỏ, người dân không tự ý mua kháng sinh bởi uống thuốc không đúng dễ khiến bệnh nặng thêm. Khi không đáp ứng với các thuốc hạ sốt thông thường hoặc tiếp xúc gần với người nghi nhiễm, mọi người cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, hướng dẫn theo dõi điều trị.
Bác sĩ Bùi Công Sự
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây.