Bác sĩ Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa miền Bắc, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết như trên, khuyến cáo người dân tiêm vaccine, tăng phòng bệnh trong bối cảnh ngành y tế ghi nhận hai ca bạch hầu tại Nghệ An và Bắc Giang, hơn 100 người cách ly theo dõi.
Khi bạch hầu diễn tiến nặng, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng dưới đây:
Tắc đường thở
Bạch hầu được phân loại thành nhiều thể bệnh dựa trên vùng tổn thương. Thể bệnh thường gặp nhất là bạch hầu họng với tỷ lệ 70% bệnh nhân mắc. Ở thể này, vi khuẩn gây ra giả mạc bám chắc vào một bên hoặc hai bên amidan, hạch góc hàm sưng đau. Giả mạc bóc tách gây chảy máu và mọc lại rất nhanh. Giả mạc lan xuống thanh quản gây triệu chứng ho nhiều, khàn tiếng, có tiếng rít thanh quản. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc này sẽ phát triển và lan rộng lấp đường hô hấp, gây ngạt thở tử vong.
Viêm cơ tim
Đây là biến chứng phổ biến nhất, xảy ra ở giai đoạn toàn phát hoặc vài tuần sau khi khỏi bệnh bạch hầu. Người bệnh bị rối loạn nhịp tim và đột ngột trụy tim mạch, tử vong. Theo bác sĩ Nga, khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 80%.
Viêm dây thần kinh
Độc tố bạch hầu gây viêm dây thần kinh vận động ngoại biên và dây thần kinh sọ não. Người bệnh mất khả năng điều tiết nhãn cầu, khó nuốt do liệt màn khẩu cái (cơ vòm miệng), liệt mềm các chi, liệt cơ hoành và cơ liên sườn...
Trong đó, liệt cơ hoành và cơ liên sườn có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp. Liệt màn khẩu cái thường xuất hiện vào tuần thứ ba của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, liệt cơ chi và cơ hoành có thể xuất hiện vào tuần thứ năm của bệnh. Người bệnh cần nhiều thời gian để phục hồi sau thời gian điều trị.
Sảy thai
Thai phụ nhiễm bạch hầu có thể tử vong hoặc thai lưu, đẻ non. Các biện pháp điều trị sớm bằng huyết thanh kháng bạch hầu giúp giảm tỷ lệ tử vong, biến chứng cho phụ nữ mang thai. Việc điều trị kéo dài nhằm giảm tác động của bệnh và khả năng truyền bệnh sang con.
Tử vong
Một số trường hợp, ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu xâm nhập máu, gây nhiễm độc nặng toàn thân. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể tử vong trong 6-10 ngày.
Dù được điều trị, vẫn có khoảng 5-10% bệnh nhân sẽ tử vong, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ. Tỷ lệ tử vong có thể tăng cao lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm, lây dễ dàng qua đường hô hấp và tiếp xúc với dịch từ mũi họng người bệnh. Vi khuẩn có thể lây nhiễm và tồn tại trên bề mặt của các đồ vật xung quanh từ vài ngày đến vài tuần, ví dụ trong sữa và nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được hai tuần... Thời gian ủ bệnh 2-5 ngày.
Nhóm nguy cơ cao là trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có khả năng miễn dịch thấp. Để tránh mầm bệnh lây lan qua bàn tay, người dân cần rửa tay đúng cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Nhà ở, dụng cụ, đồ dùng, quần áo của bệnh nhân phải tẩy uế và sát khuẩn.
Bác sĩ khuyến cáo tiêm vaccine phòng bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Trẻ em từ hai tháng tuổi bắt đầu tiêm, phác đồ ba mũi cơ bản cách nhau một tháng, tiêm mũi bốn khi 16-18 tháng tuổi. Trẻ 4-6 tuổi cần được nhắc lại một mũi.
Trẻ tuổi 9-15 cần tiêm nhắc một mũi, sau đó chủng ngừa 10 năm một lần. Thai phụ tiêm mũi bạch hầu - ho gà - uốn ván vào ba tháng giữa hoặc cuối thai kỳ. Đây là mũi tiêm bảo vệ mẹ và thai nhi đồng thời truyền kháng thể cho em bé khi sinh ra, phòng bệnh trong những tháng đầu đời.
"Mũi tiêm nhắc có vai trò quan trọng, giúp củng cố hệ miễn dịch khi kháng thể giảm dần theo thời gian", bác sĩ Nga khuyến cáo. Nếu không được tiêm nhắc đúng lịch, mọi người đều có khả năng mắc bệnh và trở nặng.
Mộc Thảo
20h ngày 12/7, Hệ thống tiêm chủng VNVC tư vấn trực tuyến chủ đề "Dịch bạch hầu có quay trở lại? Tiêm vaccine gì để bảo vệ?", với các chuyên gia:
- BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
- BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
- BS.CKI Lê Thị Mỹ Châu, Trưởng Đơn vị Bệnh nhiễm, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
- BS Lê Thị Gấm, Quản lý Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chương trình phát sóng trên các kênh truyền thông của VnExpress, VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Bạn đọc đặt câu hỏi tại đây.