(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tác giả Quý Nguyễn là một doanh nhân, đang sống ở TP HCM:
Theo dõi tỷ giá ngoại tệ so với VND suốt nhiều tháng nay, dễ thấy, ít có biến động nhiều. Ngoại trừ tỷ giá đồng AUD, đồng CAD có tăng giảm đôi chút, tỷ giá USD/VNĐ gần như không thay đổi
Điều này cũng dễ hiểu, khi nhu cầu nhập khẩu sụt giảm (cả nguyên liệu và hàng hoá thông thường), nhu cầu nhập máy móc thiết bị để đổi mới công nghệ cũng được hoãn lại. Do đó, nhu cầu về USD theo đó cũng giảm theo.
Mặt khác, xuất khẩu cũng bị thu hẹp vì khó khăn toàn cầu do Covid-19, nên chưa cần tác động hoặc tác động rất ít bằng các chính sách/ công cụ tiền tệ để điều tiết tỷ giá, thì tỷ giá VND/USD vẫn ít biến động, cốt yếu đừng giảm để gây thiệt hại thêm cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước
Phải nói, đây là một điều "bình yên" lạ thường vì ít khi nào xãy ra trước đó. Nhưng biển lặng thường có sóng ngầm, nó báo hiệu một thời kỳ suy thoái toàn cầu lâu dài, bất kề nước đó là Mỹ, Trung Quốc hay Châu Âu, thì huống gì là Việt Nam
Chỉ cần lướt qua một số thông tin về tình hình kinh tế trong nước trong nữa năm đầu, ai cũng thấy rõ điều này. Hàng loạt các doanh nghiệp dệt may không có đơn hàng, buộc phải cho công nhân nghỉ việc. Các doanh nghiệp khác, số lao động thất nghiệp hoặc bị ảnh hưởng lên đến con số hàng triệu, một con số khủng khiếp.
>> Bài viết cùng tác giả: Kinh doanh sau dịch - 'phúc họa vô thường'
Ngay cả trong ngành huyết mạch của nền kinh tế như là ngành ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn theo. Họ mới vừa trải qua một đợt cơ cấu nợ và giảm lãi cho vay các doanh nghiệp, thì nay phải đối diện với nguy cơ thừa vốn vì doanh nghiệp gặp khó không vay. May ra chỉ còn một kênh để vớt vát, đó là trái phiếu chính phủ
Như vậy, phải làm gì trước vấn đề nan giải này. Ở đây cần phải nói lại, trong cái nguy bao giờ cũng có cơ may, đó là lúc chúng ta phải quay trở lại câu chuyện phát huy nội lực, từ con ngưởi cho đến sức mua của thị trường trong nước mà nhiều khi, vì cái lợi trước mắt chúng ta quên đi.
Chúng ta đã chứng kiến, trong dịch Covid này, rất nhiều cái đổi thay: làm việc online, học online... toàn áp dụng công nghệ hiện đại, bên cạnh là sự lên ngôi của các sản phẩm thiết yếu, trong đó có nông nghiệp. Chưa kể, người dân đi du lịch trong nước đã cứu biết bao doanh nghiệp du lịch có liên quan.
Do vậy, trong cái hoạ của toàn cầu, lại là cái cơ hội để chúng ta xác định lại ngành mũi nhọn cần ưu tiên như là công nghệ thông tin, sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế biến liên quan...nhưng làm gì thì làm, đầu tiên cũng phải hướng về thị trường trong nước theo quy chuẩn nhất định. Nên nhớ, Việt Nam, một đất nước gần trăm triệu dân và đa phần gắn với nghề nông.
Trước kia, người xưa hay nói: nhất sĩ, nhì nông. Sĩ, nông là cái gốc, là cái căn cơ. Chính cái căn cơ giúp chúng ta vượt qua khó khăn, thậm chí là nghịch cảnh. Vậy thì bây giờ, có gì sai mà hậu sinh phải làm khác.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.