Sáng nay (10/7), Tổng cục Thống kê (GSO) họp báo về tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm.
"Bị ảnh hưởng", theo GSO, là những người lao động từ 15 tuổi trở lên mất việc, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên hoặc có việc làm nhưng giảm giờ làm và thu nhập... Trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%.
Điều này khiến thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng (giảm 525.000 đồng so với quý trước và 279.000 đồng so với cùng kỳ). Đây cũng là lần đầu tiên thu nhập bình quân giảm trong 5 năm qua.
Trong gần 31 triệu người bị ảnh hưởng có 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động. "Covid-19 khiến đa số mất việc trong tháng 4", báo cáo GSO viết.
Trong các khu vực kinh tế, ngành dịch vụ chịu ảnh nặng nhất với 72% lao động bị tác động, khu vực công nghiệp và xây dựng có 67,8% lao động bị ảnh hưởng còn khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 25,1%.
Con số này khiến lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục. Số người lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ. "Mức giảm trong quý II là chưa từng có trong thập kỷ vừa qua", đại diện Tổng cục Thống kê nhận xét.
Lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong quý II, lượng lao động nữ trong độ tuổi giảm 4,9% trong quý trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng tác động từ đại dịch khiến tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam cao nhất 10 năm, trong đó tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất ở nhóm lao động trình độ chuyên môn thấp. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý II là 2,73%, trong đó tại khu vực thành thị là 4,46% - mức cao nhất 10 năm.
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở mức khiêm tốn nếu so với nhiều quốc gia khác nhưng không thấp nếu so với chính Việt Nam vì trước đây tỷ lệ này chỉ quanh ngưỡng 2%.
Từ nay đến cuối năm, số lao động mất việc có khả năng còn tăng nếu các giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh không được thực hiện quyết liệt. "Khả năng 5 triệu người mất việc vào cuối năm không phải không thể xảy ra", bà Thủy nhận xét.
Theo ước tính của cơ quan thống kê, để giữ tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị dưới 4% theo mục tiêu Quốc hôi, tỷ lệ này trong hai quý cuối năm không được vượt quá 4,1%. Nếu hoạt động sản xuất không phục hồi, tình trạng thiếu việc làm gia tăng, mục tiêu của Quốc hội nhiều khả năng không thể đạt.
Trước diễn biến tiêu cực của thị trường lao động, Tổng cục thống kê kiến nghị đẩy mạnh thực hiện các gói hỗ trợ, đặc biệt là các gói hỗ trợ thu nhập. Chính phủ nên nghiên cứu các gói hỗ trợ đặc thù cho lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ và người không có chuyên môn. Ngoài ra, GSO cho rằng cần đẩy nhanh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, có chính sách khuyến khích người lao động nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu trong trạng thái "bình thường mới".
Phó tổng cục trưởng Thống kê Phạm Quang Vinh cho rằng bây giờ mới đề xuất thêm các gói hỗ trợ có thể chậm, nhưng vẫn là việc nên làm. Những dự báo về tác động của Covid-19 đang thấp hơn nhiều thực tế, bằng chứng là các kịch bản tăng trưởng liên tục phải điều chỉnh và theo xu hướng tiêu cực hơn. Việt Nam là một quốc gia có độ mở cao, dù tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát nhưng triển vọng cuối năm vẫn còn nhiều thách thức.
"Chúng ta không thể nghĩ sau năm 2020 là hết ảnh hưởng. Các chính sách phải xét trong tầm nhìn dài hơn, không gói lại trong năm 2020 mà phải tính đến các năm tiếp theo", ông Vinh nhận xét.
Minh Sơn