"Tính đến giữa tháng 1, có 36 bệ phóng tên lửa Iskander được triển khai gần Ukraine. Các quả đạn có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 500-700 km và đủ sức uy hiếp nhiều khu vực, trong đó có thủ đô Kiev", đánh giá tình báo được Bộ Quốc phòng Ukraine chia sẻ cho truyền thông Mỹ hôm 18/1 có đoạn.
Quân đội Ukraine nhận định Nga có thể dùng tên lửa tầm trung để "phá hủy các mục tiêu trọng yếu", thêm rằng lực lượng bộ binh Nga gần biên giới nước này hiện có hơn 106.000 người. Con số này là 127.000 người nếu tính cả các đơn vị không quân và hải quân.
Nhóm thu thập thông tin tình báo nguồn mở Conflict Intelligence Team (CIT) ngày 15/1 nhận định Nga đã triển khai ít nhất hai lữ đoàn tên lửa Iskander thuộc biên chế Quân khu miền Đông tới khu vực biên giới phía tây giáp Ukraine. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy những đoàn tàu chở theo lượng lớn khí tài của Nga, trong đó có các phương tiện được bọc bạt kín nghi là bệ phóng của tổ hợp Iskander.
Rob Lee, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cho biết mỗi lữ đoàn Iskander-M của Nga có khoảng 12 xe chở đạn kiêm bệ phóng 9P78-1. Mỗi xe phóng mang theo hai tên lửa và có thể được tiếp đạn ngay tại tiền tuyến.
Đánh giá của Ukraine dường như dựa trên thông tin Nga triển khai ba lữ đoàn Iskander gần biên giới. Tuy nhiên, chuyên gia Lee cho rằng con số thực tế có thể lên tới 4 lữ đoàn với hơn 48 xe chở đạn kiêm bệ phóng.
Sự xuất hiện của các hệ thống Iskander có thể gây khó khăn cho nỗ lực phòng thủ của Ukraine nếu xung đột nổ ra. Điểm nổi bật của tổ hợp này là khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới. Mỗi quả đạn có tốc độ tối đa 9.350 km/h cùng tính năng liên tục thay đổi đường bay và tung mồi bẫy, nhằm vô hiệu hóa các nỗ lực đánh chặn của đối phương.
Phiên bản Iskander-M còn được trang bị đầu dò quang - điện tử cùng liên kết dữ liệu với máy bay không người lái (UAV) hoặc phi cơ cảnh báo sớm và chỉ huy trên không, cho phép tên lửa đánh trúng cả mục tiêu di động với sai số chỉ hai mét.
"Năng lực phòng không mặt đất của Ukraine tương đối hạn chế, trong đó lưới phòng thủ tên lửa đạn đạo dựa hoàn toàn vào một số hệ thống S-300V. Đây cũng là những mục tiêu hàng đầu nếu Nga tung đòn tấn công bằng Iskander, đó là nếu các tổ hợp S-300V Ukraine vẫn còn hoạt động được. Khả năng sẵn sàng chiến đấu của những hệ thống S-300V trong biên chế quân đội Ukraine vẫn còn là dấu hỏi", chuyên gia quân sự Thomas Newdick nhận xét.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây gần đây leo thang sau khi Mỹ, NATO cáo buộc Nga điều khoảng 70.000-100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực. Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Vũ Anh (Theo Drive)