Trong năm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhiều lần cảnh báo về hậu quả khôn lường nếu phương Tây vượt "lằn ranh đỏ" mà Moskva coi là gây đe dọa an ninh nước này.
"Phản ứng của Nga sẽ nhanh chóng, cứng rắn và không chỉ dừng ở mức độ tương đương", Putin phát biểu hồi tháng 4/2021, đề cập đến các động thái quân sự bất thường mà Moskva có thể tiến hành nếu đối phương đe dọa "những lợi ích an ninh cơ bản".
Nỗi lo lắng của phương Tây càng tăng lên sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 14/1 tuyên bố Moskva có thể triển khai lực lượng hải quân, cũng không loại trừ phương án đưa quân đến Cuba và Venezuela, những quốc gia sát sườn Mỹ, nếu căng thẳng với Washington leo thang.
Cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây hiện nay bắt đầu từ tháng 11/2021, khi tình báo Mỹ cáo buộc Moskva triển khai khoảng 100.000 quân áp sát ba mặt biên giới Ukraine với kế hoạch "tiến đánh" nước này. Tuần trước, giới chức Mỹ còn cáo buộc Nga bố trí một nhóm đặc nhiệm ở miền đông Ukraine "để thực hiện chiến dịch tạo cớ tấn công".
Trong khi đó, Moskva nhiều lần phủ nhận kế hoạch đưa quân qua biên giới, đồng thời đưa ra 8 yêu cầu an ninh với phương Tây, trong đó có ngăn NATO kết nạp Ukraine và mở rộng về phía đông, đề nghị Mỹ rút toàn bộ vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu với lý do cảm thấy bị đe dọa, dù kiểu loại và vị trí đặt các vũ khí này chưa thay đổi trong nhiều năm.
Nga cùng Mỹ và NATO tuần qua đã tổ chức hàng loạt cuộc đàm phán để thảo luận về an ninh châu Âu, nhưng đều không đạt được kết quả đột phá. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 14/1 cảnh báo "thái độ kiên nhẫn của Moskva đã cạn kiệt".
Trước những thông điệp ngày càng quyết liệt từ Nga, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 15/1 cho biết Washington và các đồng minh "đã sẵn sàng cho bất kỳ tình huống bất ngờ nào". Bình luận viên Anton Troianovski và David Sanger của NY Times cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy phương Tây đang có những dự báo đầy lo lắng về những hành động của Nga trong thời gian tới.
Hai bình luận viên nhận định kịch bản rõ ràng nhất dựa trên tình hình thực địa hiện nay là Nga sẽ đưa quân qua biên giới Ukraine, đến những vùng ly khai xung quanh hai thành phố Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine, hoặc di chuyển đến sông Dnieper. Một quan chức cấp cao giấu tên tiết lộ Lầu Năm Góc đang nghiên cứu "5 hoặc 6 phương án khác nhau" tùy thuộc vào mức độ triển khai quân của Nga tại Ukraine, nếu tình huống này xảy ra.
Giới quan sát cũng phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang điều chuyển phương tiện, khí tài từ miền đông sang miền tây, gần biên giới Ukraine. Truyền hình nhà nước Nga gần đây liên tục cảnh báo Ukraine có thể chuẩn bị chiến dịch tấn công lực lượng ly khai do Moskva hậu thuẫn ở miền đông, dường như phù hợp với cáo buộc "tạo cớ tấn công" mà Washington đưa ra. Nga đã phủ nhận cáo buộc này.
Yevgeny Buzhinsky, một trung tướng Nga về hưu thường xuyên tham gia các chương trình bình luận trên truyền hình, dự đoán Ukraine sẽ "khiêu khích và châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạn chế" với Nga. Moskva cuối cùng sẽ giành chiến thắng chóng vánh bằng đòn không kích hủy diệt.
"Sẽ không có từng đoàn xe tăng tiến vào Ukraine", tướng Buzhinsky nói. "Quân đội Nga sẽ hủy diệt mọi cơ sở hạ tầng của Ukraine bằng chiến dịch không kích". Điện Kremlin chưa bình luận về tuyên bố này của ông.
Trong các cuộc đàm phán ở Geneva tuần trước, các nhà ngoại giao Nga tiếp tục nhấn mạnh nước này không có kế hoạch tiến đánh Ukraine, nhưng dường như ra dấu hiệu về những động thái quân sự khác. Một nhà ngoại giao cấp cao Nga tuyên bố Moskva "chuẩn bị đặt các hệ thống vũ khí chưa xác định ở những nơi chưa xác định".
Điều này trùng khớp với các đánh giá tình báo của Mỹ rằng Nga có khả năng đang xem xét triển khai vũ khí hạt nhân mới, có thể là vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc tên lửa siêu vượt âm, tới sát Mỹ và các đồng minh NATO. Hồi tháng 11, Putin cũng cho hay Nga có thể bố trí tên lửa siêu vượt âm phóng từ tàu ngầm trong cự ly đủ gần để vươn tới Washington.
Tổng thống Nga từng nhiều lần cho biết viễn cảnh phương Tây mở rộng hiện diện quân sự tại Ukraine gây ra rủi ro không thể chấp nhận, bởi có thể dẫn đến nguy cơ tấn công hạt nhân nhằm vào Nga chỉ vài phút sau cảnh báo. Ông thể hiện rõ rằng Nga có thể hành động tương tự.
"Từ đầu năm sau, chúng ta sẽ có một loại tên lửa mới phóng từ biển với tốc độ siêu vượt âm. Thời gian tên lửa bay tới mục tiêu là 5 phút", Putin cho biết hồi cuối tháng 11/2021. Tên lửa siêu vượt âm di chuyển với vận tốc gấp 5 lần tốc độ âm thanh trở lên và rất cơ động trong hành trình bay, khiến chúng gần như không thể bị theo dõi và đánh chặn.
Tuy nhiên, Putin cho hay ông sẽ chỉ triển khai loại tên lửa này để đáp trả động thái "khiêu khích" từ phương Tây, trong khi tại cuộc hội đàm gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với người đồng cấp Nga rằng Washington không có kế hoạch bố trí các hệ thống tên lửa tấn công ở Ukraine.
Giới chức Mỹ cũng nhận định chưa có động thái nào cho thấy Nga đang thực hiện phương án đưa tên lửa siêu vượt âm tới gần Mỹ. Mặc dù vậy, các bình luận viên của NY Times cảnh báo mọi nỗ lực nhằm bố trí vũ khí gần các thành phố Mỹ sẽ dẫn đến sự cố tương tự khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, thời điểm thế giới gần kề nhất với chiến tranh hạt nhân.
"Ngay cả khi kịch bản Nga tiến đánh Ukraine xảy ra, an ninh của Mỹ cũng không bị suy yếu. Trong khi đó, logic tổng thể trong các hành động của Moskva là Washington và NATO mới là những bên phải trả giá đắt", Dmitry Suslov, nhà phân tích tại Moskva, chỉ ra.
Nếu căng thẳng hiện nay tiếp tục leo thang, giới chức Mỹ đánh giá Nga có thể tiến hành chiến dịch tấn công mạng với mức độ tăng hoặc giảm phụ thuộc vào tình hình chính trị.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ lâu nay cảnh báo các tin tặc Nga vốn đã đưa mã độc vào nhiều lưới điện của Mỹ. Chính quyền Biden đã nỗ lực củng cố các hệ thống của đất nước và diệt trừ phần mềm độc hại, nhưng phần lớn công ty Mỹ vẫn dễ bị tổn thương.
Không ai, kể cả các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, nắm rõ nước cờ tiếp theo của Putin là gì. "Mọi kiểu phản ứng tiềm năng đều có thể xảy ra. Trong trường hợp phương Tây tiếp tục thể hiện lập trường gây hấn rõ ràng, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa quân sự - kỹ thuật thích hợp", Putin phát biểu tháng trước.
Andrey Kortunov, tổng giám đốc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, cho biết phản ứng của Nga có thể rất linh hoạt và không nhất thiết phải liên quan đến Ukraine.
Giới phân tích Nga tin rằng ngoài lập trường quân sự ngày càng quyết liệt của Moskva, Mỹ còn đặc biệt nhạy cảm với quan hệ hợp tác quân sự gần gũi giữa Nga và Trung Quốc. Tổng thống Putin dự kiến đến Bắc Kinh vào ngày 4/2 để dự lễ khai mạc Olympic Mùa đông và họp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Điện Kremlin từng lưu ý rằng thay vì Nga, Biden coi Trung Quốc là đối thủ lâu dài và khó đối phó nhất, cả về kinh tế, quân sự, công nghệ. Theo giới phân tích, nỗ lực buộc Washington chú ý hơn đến nguy cơ đối đầu với Moskva có thể làm suy yếu mục tiêu chiến lược lớn hơn của Tổng thống Mỹ.
"Mỹ không muốn tăng hiện diện quân sự ở châu Âu. Nếu làm vậy, họ sẽ phải trả giá trên mặt trận cạnh tranh siêu cường với Trung Quốc", nhà phân tích Suslov nhận định.
Theo các bình luận viên của NY Times, có khả năng tất cả động thái gần đây của Nga đều chỉ là "đòn gió" để dằn mặt Mỹ và phương Tây, nhưng là cách để gợi nhắc Biden rằng trong lúc ông muốn dồn lực vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, Moskva vẫn có thể gây ra xáo trộn lớn.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)