"Một năm dịch bệnh quá khó khăn rồi. Với mức lương từ 1,5 đến 2 triệu một ngày, tôi sẽ làm xuyên Tết, kiếm chút tiền vừa trả nợ vừa đóng học cho bọn trẻ", Linh, 35 tuổi, người từng nhiễm Covid-19 hồi giữa năm ngoái, nói.
Vốn là chủ một xưởng may nhỏ ở Hóc Môn, TP HCM nhưng đã phải đóng cửa trong đợt dịch thứ 4, Linh bỗng nhiên trở thành người làm nghề chăm sóc F0 với kinh nghiệm từng hỗ trợ ít nhất 10 bệnh nhân. Giáp Tết, đọc báo thấy số ca nhiễm mới hàng ngày ở Hà Nội vẫn cao, cô bay ra thăm người thân, kết hợp tìm việc.
"Tiền công chăm F0 xuyên Tết cao gấp đôi ngày thường mà cũng không kiếm được người", Linh cho biết thêm.
Thù lao cao nhưng đội quân những F0 khỏi bệnh, nhận chăm sóc F0 đang điều trị không nhiều. Đầu tháng 9/2021, khi dịch bùng phát dữ dội, lượng F0 tại các bệnh viện tăng cao, TP HCM cũng như Bộ Y tế kêu gọi F0 khỏi bệnh tình nguyện tham gia chăm sóc người mắc Covid-19. Họ được trả lương và nhận công việc phù hợp như hỗ trợ điều dưỡng, khử khuẩn để nhân viên y tế làm công tác chuyên môn; chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết để chiến thắng bệnh tật cho F0 mới...
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM thời điểm đó cho biết, F0 sau khỏi bệnh có khả năng tự bảo vệ cao hơn người đã tiêm hai mũi vaccine.
"Nhìn vào tôi - người từng mắc Covid-19, đã khỏi bệnh và khỏe mạnh, chắc chắn người bệnh sẽ lấy đó làm động lực, có niềm tin để vượt qua lúc khó khăn nhất", Linh nói về ưu thế của mình.
Ngay từ tháng 8 năm ngoái, sau khi khỏi bệnh, cô đã chủ động đăng thông tin nhận chăm sóc F0 trên mạng xã hội. Khách hàng đa phần là bệnh nhân nặng, nằm tại các bệnh viện trong thành phố. Tùy vào điều kiện sinh hoạt, bệnh tình của người bệnh, trung bình Linh nhận được 800.000-1 triệu đồng một ngày, tự túc tiền ăn. Dịp Tết giá được đẩy lên 1,2-1,5 triệu/ngày.
"Đó là giá tại Sài Gòn, còn tại Hà Nội hiện dịch bệnh tăng nhanh, tôi có thể nhận 2 triệu đồng", Linh nói. Nhiều bạn bè của cô dù đang ở TP HCM cũng sẵn sàng bay ra Hà Nội chăm bệnh nhân nếu có người thuê.
Theo số liệu của Bộ Y tế, từ đầu tháng 1 đến nay, số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày ở Hà Nội liên tục ở mức trên 2.000. Số ca mắc mới trung bình 7 ngày gần nhất là 2.891.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ghi nhận đến ngày 24/1 Hà Nội có 670 ca nặng và nguy kịch, tăng 3,5% so với trung bình một tuần trước. Số bệnh nhân cao đồng nghĩa với nhu cầu cần người chăm sóc cũng tăng vọt.
Với những người đi chăm F0, để được nhận mức tiền công cao gấp rưỡi, gấp đôi không phải việc dễ dàng. Với bệnh nhân nặng, Linh có nhiệm vụ vệ sinh cá nhân, tắm rửa, lau dịch chảy ra, cho uống sữa bằng ống, vỗ lưng long đờm... Với bệnh nhân nhẹ hơn, phải đi mua cơm, xoa bóp chân tay, dìu tập đi... Nhiều người chăm sóc hầu như không được ngủ ban đêm nếu sức khỏe người bệnh quá yếu, có chút biến động phải gọi ngay bác sĩ. Thức trắng đêm cũng là chuyện thường gặp của Linh.
Thời gian chăm sóc bệnh nhân F0 trung bình từ một tuần đến một tháng, tùy vào sức khỏe người bệnh. Trong 10 người Linh từng chăm sóc, bốn người đã mất, chủ yếu là người cao tuổi, có sẵn bệnh nền.
"Ngoài lý do kinh tế, tôi chăm sóc bệnh nhân F0 cũng vì cái tâm của mình", Nguyễn Lan Anh, 38 tuổi, một người có kinh nghiệm chăm bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM chia sẻ. Với cô, người chăm sóc còn là cầu nối giữa F0 với gia đình trong những ngày ở bệnh viện để người bệnh không cảm thấy cô đơn.
Lan Anh đã từng ngồi khóc cả đêm khi bệnh nhân đầu tiên của cô qua đời. "Họ rất cô độc. Người thân đa số đang cách ly, hoặc lo sợ lây nhiễm chéo nên không thể vào viện, nên khi ra đi họ chỉ có một mình", người phụ nữ quê Hà Tĩnh nói.
Giống hầu hết những người chăm bệnh, Lan Anh thường phải nằm dưới đất, ngay dưới chân giường bệnh. Đêm nhiều nhất cô chỉ ngủ được 5 tiếng, có những hôm phải thức trắng. Do chỉ được ở trong bệnh viện nên việc ăn uống cũng bị hạn chế, chưa kể nhiều lúc bệnh nhân mệt mà cáu giận, thậm chí chửi bới, cô cũng phải chịu trận.
Lan Anh làm dịch vụ chăm sóc người bệnh đã 14 năm. Bởi vậy khi chuyển sang chăm sóc F0 sau khi bản thân khỏi Covid-19, cô được tín nhiệm hơn vì có thâm niên, tiền công vì thế cũng nhỉnh hơn, trung bình 1 triệu mỗi ngày. "Tết sẽ tăng lên 1,5 triệu, tôi tự túc ăn uống, gia đình lo chi phí test PCR cho tôi ở bệnh viện", cô nói.
Nhóm nhận chăm sóc F0 mà Lan Anh tham gia có 3.400 thành viên. Mỗi ngày có khoảng 4-6 thông báo tìm người. Ở nhóm thứ hai, thông báo nào cũng ghi rõ: "Sẵn sàng chăm qua Tết". Theo Lan Anh, việc chăm xuyên Tết sẽ giúp thu nhập tăng thêm 50%, thậm chí 100%. Lúc cao điểm người phụ nữ này có thể nhận 5-6 lời mời một lúc. Tùy khả năng thương lượng với gia đình bệnh nhân, cô sẽ nhận lời với mức lương phù hợp. Lan Anh thường ưu tiên nhận những ca nặng không ai vào chăm sóc được trong viện. Có lần vì thương một bà cụ bán vé số dạo không người thân phải nằm điều trị một mình, cô đã chăm miễn phí nửa tháng.
Gần đây, số người bệnh F0 tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc tăng cao, gây quá tải cho các cơ sở y tế. Tại Hải Phòng, Sở Y tế thành phố vừa ra công văn hỏa tốc khuyến khích thân nhân người bệnh, người tình nguyện là F0 không triệu chứng, có triệu chứng nhẹ hoặc đã khỏi bệnh tham gia chăm sóc người bệnh già yếu, trẻ em hoặc ca bệnh nặng, nguy kịch.
Ngoài ra, đối với người không phải là F0 nếu có nhu cầu vào khu quản lý, điều trị người bệnh F0 để chăm sóc người nhà phải ký giấy cam kết theo quy định. Điều kiện để người không phải F0 được tham gia hỗ trợ và chăm sóc bệnh nhân F0 gồm: Người dưới 50 tuổi; không có bệnh nền; đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, mũi thứ 2 đã qua 14 ngày; đã được các cơ sở y tế hướng dẫn về kiến thức, kỹ năng thực hiện các quy định phòng, chống lây nhiễm trong cơ sở.
Giống Linh, Lan Anh đã nhận chăm một F0 xuyên Tết. "Không về nhà dịp Tết cũng chẳng sao, sau Tết tôi sẽ nghỉ nửa tháng về thăm nhà", cô nói.
*Tên một số nhân vật đã thay đổi
Hải Hiền