17 Ủy viên Bộ Chính trị ứng cử ở các khối khác nhau. Khối Đảng gồm 11 ứng viên, trong đó 7 Ủy viên Bộ Chính trị là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.
Khối cơ quan Chủ tịch nước có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Khối Chính phủ gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng.
Khối Quốc hội có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó chủ tịch Trần Thanh Mẫn.
Khối Tòa án nhân dân là Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Khối Bộ Quốc phòng có Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam. Ứng viên của TP Hà Nội là Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng.
Một Ủy viên Bộ Chính trị không ứng cử Quốc hội khóa mới là Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên.
Trong số 17 Ủy viên Bộ Chính trị nêu trên có 6 vị tham gia Ban bí thư. Ngoài ra, 4 Bí thư Trung ương Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội, gồm: Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Chủ tịch Ủy ban Trung ưng MTTQ VN Đỗ Văn Chiến.
Trong 80 Ủy viên Trung ương (danh sách tại đây) ứng cử đại biểu Quốc hội (với 41 người tái cử) có 11 vị giữ chức Bộ trưởng. Đó là các Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - Bộ Giáo dục & Đào tạo; Nguyễn Hồng Diên - Bộ Công Thương; Hồ Đức Phớc - Bộ Tài chính; Lê Minh Hoan - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Lê Thành Long - Bộ Tư pháp; Nguyễn Văn Hùng - Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch; Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư; Đào Ngọc Dung - Bộ Lao động Thương binh Xã hội; Nguyễn Thanh Long - Bộ Y tế; Bùi Thanh Sơn - Bộ Ngoại giao; Phạm Thị Thanh Trà - Bộ Nội vụ.
Có 3 Ủy viên Trung ương là Thứ trưởng, gồm các Thứ trưởng Công an Trần Quốc Tỏ, Lê Tấn Tới; Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Tân Cương; 35 Ủy viên Trung ương là Bí thư Tỉnh, Thành ủy.
Trong số 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV trên cả nước, có 393 ứng viên là phụ nữ, chiếm 45,28%, tăng 6,31% so với khóa XIV.
Ứng viên là người dân tộc thiểu số có 185, chiếm 21,31%, giảm 2,14% so với khóa trước.
Người ứng cử có trình độ trên đại học là 564 (chiếm 64,98%); trình độ đại học 294 (33,87%); trình độ dưới đại học 10 (1,15%).
205 ứng viên là đại biểu Quốc hội khóa XIV tham gia tái cử (23,62%). Ứng viên trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) là 224 (chiếm 25,81%), trong đó, trẻ tuổi nhất là Lý Thị An và Quàng Thị Nguyệt ở Điện Biên, 24 tuổi.
Có 35 ứng viên là sĩ quan Quân đội, trong đó 13 tướng lĩnh do cơ quan Trung ương giới thiệu, 16 người địa phương giới thiệu và 6 vị được Thường vụ Quốc hội giới thiệu (để làm đại biểu chuyên trách); 27 ứng viên là sĩ quan Công an.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, qua 3 vòng hiệp thương, ứng viên ngoài Đảng có số lượng 74, giảm 67 người so với danh sách sơ bộ được lập tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai. Cơ cấu này ở khóa XIV là 92 người (13,49%), khoá XIII là 109 người (16,77%). Một số tỉnh, thành tỉ lệ ứng viên là người ngoài Đảng cao như Bắc Ninh, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình.
Qua 3 vòng hiệp thương, số lượng tự ứng cử là 9, giảm 67 người so với danh sách sơ bộ được lập tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai. Trong đó, Hà Nội 3 người gồm: Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân; ông Lương Thế Huy, Viện trưởng Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường; ông Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam.
TP HCM có 2 người tự ứng cử là bà Ung Thị Xuân Hương, Phó ban Nghiên cứu và Đào tạo, Hội Luật gia Việt Nam; ông Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM.
Bốn tỉnh có một người tự ứng cử là TP Cần Thơ - ông Nguyễn Thiện Thức, Giám đốc điều hành Trung tâm Dạy nghề Thành Phúc; Bắc Kạn - ông Nguyễn Kim Hùng, Quyền Viện trưởng Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam; Nam Định - bà Khương Thị Mai, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Namsung Việt Nam; Sóc Trăng - ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
Trong số 203 ứng viên do các cơ quan Trung ương giới thiệu, có 45 nữ, 22 người dân tộc thiểu số, 4 người tôn giáo, 4 người ngoài Đảng, 99 người tái cử và 5 người tuổi dưới 40.
Trong số 665 ứng viên ở địa phương có 348 nữ, 163 người dân tộc thiểu số, 70 người ngoài Đảng; 219 ứng viên dưới 40 tuổi.
Ngày 23/5, công dân từ 18 tuổi trên cả nước sẽ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến là 500.